Chị Hạnh Dung thân mến,
Em kết hôn được 6 năm, có 2 bé. Thời gian đầu, vợ chồng em sống riêng. Bố mẹ chồng sống cùng chú Út ở quê. Ông bà đã gần 70 tuổi chỉ có thu nhập ít ỏi từ lương hưu của ông.
Cách đây 2 năm, em sinh bé thứ hai, chú Út cũng chuyển ra ở riêng, ông bà chuyển về ở cùng vợ chồng em để phụ giúp chăm cháu. Ông mới phát hiện ung thư cách đây 6 tháng, đã xạ trị và tạm thời sức khỏe ổn định. Cả hai bé nhà em đã đi học.
Cùng thời gian này, vợ chú Út vướng vào vòng lao lý, hiện đang bị tạm giam điều tra. Bố mẹ vợ chú Út có hỗ trợ chăm sóc 2 con cho vợ chồng chú. Hoàn cảnh như vậy, em muốn bố mẹ chồng về quê phụ chăm sóc 2 cháu, ít nhất cũng là về mặt tinh thần. Chú Út rất suy sụp, ông bà ngoại từ lúc con gái bị vậy nên sức khỏe không được tốt.
Tuy nhiên, chồng và các chị chồng em không đồng ý. Nói rằng về quê không ai chăm sóc sức khỏe cho ông, ông sẽ dễ đổ bệnh lại. Tuy nhiên, em nghĩ vấn đề là ở 2 ông bà, bà hiện tại khỏe mạnh, hoàn toàn có thể chăm sóc được ông.
Mọi người cho rằng ông bà ở với vợ chồng em sẽ "khuất mắt trông coi", không thấy các cháu sẽ ổn định tinh thần và khỏe hơn. Nhưng đối với em, khi gia đình chú hoạn nạn như vậy, cùng là con cháu, nhà nội cũng phải có trách nhiệm san sẻ. Không thể để một mình chú và nhà ngoại lo hết.
Chồng em nói rằng việc nhà chú, chú phải tự lo, em thấy sao vô tâm và vô tình quá vậy? Chồng em nói em không biết ơn ông bà, ông bà già yếu, con cái lớn lại muốn đuổi ông bà về. Tuy nhiên, lúc ông đau ốm và suốt quãng thời gian điều trị, em cũng hết lòng chăm sóc. Đó cũng chính là lý do vì sao chồng em muốn đưa ông bà về sống cùng.
Từ ngày em về làm dâu, công to việc lớn, ông bà đau yếu, vợ chồng em đều gánh. Cuộc sống với bố mẹ chồng nhiều lúc va chạm và rất mệt mỏi. Đặc biệt chị chồng sống sát vách nhà em. Trên đe dưới búa, em cảm thấy mình không có một ngày nào sống cho riêng mình. Lúc nào cũng lo lắng không vừa ý người này người kia.
Chồng em rất gia trưởng, luôn bảo vệ bố mẹ không cần biết em thế nào. Ông bà tuổi già, lại là người ở quê thế hệ trước nên rất phong kiến, luôn đề cao chồng em, mọi công việc nhà con dâu phải chu toàn.
Em thì không thực sự khéo léo, nhiều việc làm không vừa ý ông bà nên đôi khi "bằng mặt không bằng lòng". Chồng em luôn mặc định ông bà ở đây là chơi với cháu, thích thì bà làm không thì thôi, em không có quyền được nhờ vả bà.
Chính vì tư tưởng đó mà em rất stress, em thấy mình không được san sẻ và cảm thông từ chồng. Em không biết việc em muốn ông bà về quê có phải là "vô ơn" không? Mặc dù trước đó bố mẹ đẻ em có nhận trông cháu, nhưng chồng em không đồng ý vì muốn đón ông bà nội sống cùng để phụng dưỡng.
Với em, có nhiều cách để phụng dưỡng, nhưng với chồng em, cách duy nhất là sống chung. Ngoài ra, chị chồng em cũng rất hay tham gia vào việc gia đình em, làm cho nhiều chuyện bé xé to. Ông bà lại nghe con gái. Em không biết làm sao để thoát khỏi mớ bòng bong này.
Em biết mình không thể thay đổi được chồng và nhà chồng. Nhưng cuộc sống rất bí bách và khó chịu vô cùng. Em phải làm gì để chấp nhận cuộc sống này đây chị? Cảm ơn chị đã lắng nghe em.
Đặng Hoài Anh
Em Hoài Anh thân mến,
Để thoát khỏi mớ bòng bong này, em cần nhìn mọi việc một cách công bằng, tỉnh táo và thẳng thắn về... chính mình, em nhé.
Qua lời em nói, thì thấy hình như em rất lo lắng và thương chú Út. Em nói có vẻ rất đúng, rằng khi gia đình hoạn nạn thì phải chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nhưng sao em không nghĩ tới sự chia sẻ, giúp đỡ từ phía bản thân, phía vợ chồng mình, mà lại... đổ lên đầu bố mẹ chồng, yêu cầu họ phải về quê giúp chú Út nhỉ?
Hai người già gần 70, lương hưu ít, sức khỏe không phải là ổn vào thời kỳ tốt nhất, đặc biệt một người vừa chữa chạy ung thư chỉ mới 6 tháng. Với tất cả mọi hiểu biết cơ bản nhất về bệnh ung thư, Hạnh Dung có thể nói với em rằng 6 tháng chữa chạy bệnh ung thư, chưa thể coi đó là giai đoạn hoàn thành việc theo dõi và chăm sóc.
Thông thường, với căn bệnh này, sau khi hóa trị, xạ trị, phải theo dõi từng 3 tháng, 6 tháng một lần, và 5 năm là khoảng thời gian đánh giá đầu tiên... Thế mà, bố chồng em mới vừa dứt xạ trị 6 tháng, em đã cho rằng ông khỏe mạnh, muốn bà đưa ông về quê, nói là để chăm sóc cho gia đình chú Út, rồi lại bảo bà còn khỏe để chăm sóc ông. Vậy thực chất của việc em muốn bố mẹ chồng về quê để làm gì, chắc em cũng tự hiểu được, nếu em không dối lòng mình.
Cách đây 2 năm, khi em sinh con thứ hai, ông bà đã chuyển về sống chung để phụ vợ chồng em chăm cháu. Thời điểm đó, nếu không có ông bà, việc hai vợ chồng với 2 đứa con nhỏ, 1 đứa 4 tuổi, 1 đứa mới sinh, chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn.
Nay cả hai con đều đã đi học, em thấy không cần tới ông bà nữa, mới nhận ra những mệt mỏi, bực bội khi phải sống chung với cha mẹ chồng, và đưa ra cái đề xuất có vẻ như thiện ý về việc ông bà về quê lo cho chú Út, nhưng thực chất, với việc em than vãn về chuyện khó sống chung với cha mẹ chồng, thì ý đồ muốn đẩy ông bà đi khỏi nhà mình là quá rõ ràng, em ạ.
Con chúng ta, chúng ta phải tự nuôi, gia đình chúng ta, chúng ta phải tự chăm. Bố mẹ tới tầm tuổi này là để báo hiếu chứ không phải để nhờ vả. Em nói rằng có nhiều cách để báo hiếu, vậy cái cách em nói rằng ông bà về quê đi, để lo cho chú Út, rồi tự ông bà chăm lấy nhau khi ông bị bệnh như thế, là cách để phụng dưỡng hay sao? Hay em đã có cách gì đó khác nhưng không viết trong thư?
Biết rằng khó có thể coi gia đình chồng và bố mẹ chồng là gia đình mình, bố mẹ mình, nhưng khi em đã nói rằng không thể thay đổi chồng và nhà chồng, thì em đành phải tự thay đổi bản thân mình thôi, em ạ.
Hạnh Dung đã lắng nghe em và đã có những lời thẳng thắn với em. Mong rằng những lời đó phần nào thuyết phục được em, rằng nếu không được sống như mình muốn, thì hãy sống như mình cần: sống đúng lý, đúng tình. Đừng bướng bỉnh bám vào điều mình muốn mà không đúng tình, đúng lý, để mọi thứ có ngày tan vỡ, nha em.
Theo phụ nữ TPHCM