Xin chào chị Hạnh Dung,

Em có đứa cháu 15 tuổi đang ở quê, có quen bạn trai 20 tuổi đang đi làm tại Thủ Đức. Cháu em đã nghỉ học và chỉ đang ở nhà, chưa làm gì. Nay bắt đầu biết yêu và đòi bỏ nhà đi theo bạn trai. Gia đình có khuyên can, nhưng cháu nhất định không nghe.

Xin hỏi gia đình em phải làm sao để giải quyết chuyện này?

Đoàn Thị Ngọc Quyên

leftcenterrightdel
 

Chị Ngọc Quyên thân mến,

Điều đầu tiên mà Hạnh Dung nghĩ tới khi đọc thư của chị, là việc cháu bé mới chỉ 15 tuổi, nhưng dường như đã được gia đình cho phép tự quyết định những vấn đề quá quan trọng với lứa tuổi của cháu.

Thí dụ như việc bỏ học, ở nhà, chơi rông, không làm gì cả. Vai trò, trách nhiệm của gia đình vào lúc này được thể hiện như thế nào? Hay là khi cô bé muốn bỏ học là được phép bỏ học mà không cần lời khuyên, không vấp phải sự ngăn cản nghiêm khắc nào của người lớn trong nhà?

Tuổi của các cháu ương bướng, thích làm theo ý mình. Việc học cũng không phải là luôn vui vẻ, dễ dàng gì. Chắc chắn là trong hàng triệu đứa trẻ, có không ít cháu đã gặp phải những vấn đề khó khăn với học tập, thầy cô, bạn bè.... và ước giá ngày mai không phải đi học.

Cha, mẹ, cô, dì, chú, bác chính là những thanh vịn, những giới hạn mạnh mẽ ngăn cản con trẻ bước ra khỏi ranh giới nguy hiểm của con đường đi tới tương lai của chính mình. Khuyên nhủ, dạy bảo, thậm chí nghiêm khắc với con, chỉ cho con thấy ích lợi của việc học tập là điều chắc chắn phải làm để giữ cho con trẻ đi đúng hướng.

Phải chăng vì thấy việc con bỏ học nằm nhà chưa có gì nguy hiểm, nên gia đình đã bỏ lơ? Để rồi bây giờ, nhàn cư vi bất thiện, cháu sa vào những mối quan hệ có thể gây nguy hiểm cho cháu?

Điều này khiến Hạnh Dung muốn nói với gia đình mình trước tiên, là trong việc giáo dục, dạy dỗ cho con cái, không chỉ cần tình yêu thương hay sự bảo bọc lo lắng, mà rất cần cả sự nghiêm khắc, giữ gìn, thậm chí trong nhiều trường hợp là cấm đoán, để con trẻ có thể biết được việc gì cần làm và phải làm, chứ không chỉ những gì muốn làm.

Với tình huống cấp bách hiện nay, gia đình càng cần phải có những biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ, cương quyết. Hãy nói cho trẻ hiểu rằng 15 tuổi chưa phải là tuổi đủ chín chắn để chọn lựa và đi theo tiếng gọi của tình yêu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn đáng sợ hơn là cháu và người thanh niên kia không hiểu gì về pháp luật.

Hành động lôi kéo, dụ dỗ trẻ vị thành niên của người bạn 20 tuổi kia là hành vi vi phạm pháp luật, và nếu cả hai không hiểu ra được điều đó để chấm dứt mối quan hệ, thì hậu quả sẽ là sự trả giá trước luật pháp của người thanh niên đó, và sự mất mát nhiều điều quý giá của cháu gái: gia đình, người thân, chính bản thân mình và tương lai của mình.

Gia đình cũng có thể tìm cách khéo léo để tiếp cận với cậu thanh niên kia, có những cuộc trò chuyện nghiêm túc, cho cậu ta biết rằng nếu cậu ta để mọi việc đi quá xa, gia đình có thể báo với công an, chính quyền xử lý hành động vi phạm pháp luật của cậu ta.

Rất mong gia đình em sẽ có những phản ứng kịp thời và nhanh chóng, chứ không phải chỉ là "Gia đình có khuyên nhưng cháu nhất định không nghe...". Vì nếu cứ chiều theo cái sự "không nghe" của cháu, thì sẽ có những hậu quả hết sức tệ hại cho chính cháu mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM