Cháu chào cô,
Cháu là người đã từng xin lời khuyên từ cô trong bài viết "Vì sao từ một người bị bắt nạt tôi lại trở thành kẻ bắt nạt?" đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 2/1.
Cháu đã làm theo những gì cô bảo, chỉ tập trung học tốt, hạn chế tiếp xúc với bạn mà cháu từng bắt nạt. Từ đó, các bạn của cháu cũng dần bớt những hành động bắt nạt bạn ấy.
Tuy nhiên, trong một lần thi thử học sinh giỏi, bạn ấy đã đạt điểm cao hơn cháu. Tò mò về cách học của bạn nên cháu rủ hội bạn tìm hiểu bí quyết. Cháu chỉ nhìn sách vở bạn ấy, nhưng đám bạn của cháu đã lục đồ cá nhân của bạn ấy, dù cháu đã ngăn nhưng không được. Lúc ấy cháu phát hiện cuốn nhật ký của bạn bên trong viết những lời hận thù với cháu.
Bạn cháu lấy điện thoại ra chụp thì cũng là lúc bạn ấy vào và vội giật lấy cuốn sổ, đẩy cháu ra. Cháu sốc khi đọc những lời ấy, cháu đập mạnh tay mình vào bàn làm bị thương nặng nên không thể tham gia thi văn nghệ cho trường.
Một thời gian sau, thầy cô gọi tất cả những ai có mặt trong sự việc xảy ra hôm ấy lên phòng để giải quyết chuyện bắt nạt. Lúc đấy, cháu đã chuẩn bị sẵn tâm thế bị kỉ luật, nhưng không, từ câu chuyện cháu bắt nạt bạn ấy đã thành chuyện bạn ấy bắt nạt cháu do hội bạn thân của cháu đứng ra làm chứng bạn ấy đẩy cháu. Nhà trường đưa ra hình thức kỉ luật là hạ hạnh kiểm. Bạn ấy không chịu nổi áp lực nên chuyển trường.
Không còn bạn ấy, hội bạn cháu lại tìm nạn nhân mới. Cháu quá mệt mỏi. Xin cô cho cháu lời khuyên làm cách nào để kết thúc vòng lặp này?
Quỳnh Anh
|
Ảnh minh họa |
Cháu Quỳnh Anh thân mến,
Thư cháu gửi cô lần trước là vào ngày 2/1. Có nghĩa là thời gian trôi qua chưa đầy 1 tháng nhưng cháu đã có ý thức về việc xấu mình làm, đã dần kiềm chế được bản thân và tập trung vào việc phát triển bản thân.
Sự việc xảy ra lần này có thể được coi là tàn dư còn sót lại của những thói quen đối xử với người yếu thế của cháu và các bạn từ trước. Các cháu đã xâm phạm vào đồ vật riêng tư của bạn mà không hề nghĩ hành động của mình là sai trái, và hình như cũng không ai chỉ ra cho các cháu điều này.
Sự hận thù của bạn với cháu cũng là điều dễ hiểu, thế nhưng khi đọc được sổ ghi chép của bạn, cháu lại bị sốc. Bạn giành lại cuốn sổ và đẩy cháu cũng là điều tự nhiên. Cú đẩy đó không phát xuất từ sự cố ý nào cả, chỉ là sự phản kháng bộc phát mà thôi.
Điều đáng buồn là từ sau sự việc này, bạn không phải chỉ chịu sự "bắt nạt" của cháu hay bạn bè, mà bị cả một tập thể "bắt nạt". Đáng tiếc cháu đã không nói sự thật, minh oan cho bạn, chịu trách nhiệm về hành động của mình...
Cô không trách cháu, vì làm được điều đó, quả thực phải có ý chí, bản lĩnh, và sự dũng cảm ghê gớm. Cháu còn chưa đủ sức mạnh tinh thần và sự hiểu biết đến đó, nên cháu chỉ có thể buông xuôi cho mọi việc xảy ra.
Cháu hãy làm gì đó để có thể tin vào chính bản thân mình trước tiên, rằng cháu có thể trở thành một học trò tốt, giỏi, một học trò sử dụng những ưu điểm vượt trội của mình để giúp đỡ bạn bè, hòa đồng với bạn bè...
Cháu đang là một mắt xích quan trọng trong cái vòng bắt nạt học đường lặp đi lặp lại đó, vì cháu là một tâm điểm. Hãy làm đứt mắt xích đó, cương quyết không tham gia, không cổ vũ cho những hành vi bắt nạt người khác. Nếu có đủ sức mạnh, thì hãy bênh vực những bạn yếu thế trong trường, trong lớp.
Hãy tốt từ bản thân mình trước, cháu sẽ thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, thanh thản.
Bạn đã phải chuyển trường với một trái tim tổn thương. Cháu chắc cũng chẳng bao giờ gặp lại bạn ấy nữa. Và cháu cũng không bao giờ biết được bạn ấy sẽ như thế nào sau này. Cô hy vọng rằng, sự ray rứt của cháu về những điều mình đã làm đau người khác sẽ luôn nhắc nhở cháu, để cháu không bao giờ lặp lại sai lầm tương tự.
Theo phụ nữ TPHCM