Kính gửi chị Hạnh Dung,

Gần đây, em thường xuyên bị một đồng nghiệp hăm dọa bằng hình ảnh và lời lẽ sâu cay. Cô ấy sinh năm 1992, là giáo viên tiểu học ở Bình Chánh, khu Vĩnh Lộc.

Cô ấy đã đính hôn với một người bằng vai phải lứa, chỉ chờ ngày vào ngạch công chức là đám cưới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cô ấy còn có một mối quan hệ khác, với một vị giảng viên độc thân sinh năm 1971 và chưa từng kết hôn. Người này cũng là thầy giáo cũ của em. Cô lợi dụng người đàn ông này, để ông giúp dịch tài liệu cho cô, đồng thời vẫn ngọt ngào với chồng chưa cưới của mình.

Nhờ mối quan hệ này, mà cô được tiếng là giáo viên giỏi, biên phiên dịch giỏi, nhưng thật ra đều nhờ cậy vị giảng viên (sinh năm 1971) dịch và hiệu đính. Thậm chí cô còn trơ trẽn cho rằng tất cả là do cô tự dịch lấy.

Cô khoe với mọi người rằng vị giảng viên đã từng du học ở Hoa Kỳ, có nhiều tài sản, lại là giảng viên đại học, chưa có vợ... dù cô quậy phá thế nào, xúc phạm ai ra sao, thì vị giảng viên kia cũng sẽ bỏ qua nhờ nhan sắc, tài khôn khéo, lanh lợi, duyên dáng và nhất là... khả năng sinh đẻ dồi dào của cô ta.

Chỉ cần đẻ con đàn cháu đống là sẽ được chồng cung phụng tiền bạc như nước, thành bà tiến sĩ, sinh viên các khoa Anh và Quan hệ quốc tế phải quỳ mọp và kính trọng "tiến sĩ tương lai".

Dù họ chưa kết hôn, và hơn nữa, cô ta lại đang đính hôn với người khác, nhưng cô ấy thường xuyên nói với bạn bè và đồng nghiệp rằng em cướp chồng cô ta. Em định nói cho vị giảng viên này biết những hành động trơ trẽn, thiếu văn hóa, đạo đức của cô ta, nhưng sợ vị giảng viên này không tin.

Phải làm sao để chấm dứt tình trạng bắt nạt này? Kính mong cô Hạnh Dung giúp em. Em chân thành cảm ơn cô. 

Lê Thị Xuân Mai

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Lê Thị Xuân Mai thân mến,

Có nhiều việc khó là ở chính lòng mình mà ra đó em ạ. Có một câu nói mà Hạnh Dung muốn tặng cho em: "Đôi khi quyết định khó khăn nhất lại là quyết định đơn giản nhất". Áp dụng vào trường hợp của em nhé.

Đầu tiên là em cảm thấy tức giận, khó chịu, bực bội về việc người đó không tốt, không đàng hoàng, không giỏi giang nhưng lại khoe khoang bản thân, lên mặt với mọi người. Em bực bội vì vị giảng viên kia tin vào cô ta và nâng đỡ cô ta.

Em muốn vạch mặt cô ta với mọi người, nhưng có lẽ nhiều nhất là em muốn vị giảng viên kia biết rõ những điều mà em biết về cô ta. Tuy nhiên, em còn quá nhiều thứ phân vân để quyết định làm điều đó, và cũng chưa biết làm điều đó bằng cách nào, nên em còn khó chịu và bực bội nhiều hơn.

Em đang tự gánh vào mình vai trò quá lớn: làm việc chính nghĩa, vạch trần cái xấu, cái giả dối, bảo vệ một ai đó khỏi sự lừa dối. Thế nhưng có thể là vai trò đó vượt quá sức của em.

Một phần vì em đang xuất phát từ những nhận xét riêng tư, cá nhân của em. Em không có bằng chứng. Và điều khó hơn là vì em không đủ sức, đủ lý lẽ, đủ can đảm và lòng tin vào điều mình muốn làm, nên em bị tấn công lại. Còn tệ hơn là em đã có những điểm yếu nào đó khiến họ có thể lấy đó làm vũ khí: họ dám công khai nói rằng em giựt chồng của họ.

Thế nhưng, nếu em chọn con đường dễ hơn: buông, buông bỏ sự khó chịu bực bội đó trong lòng, em sẽ thấy mọi việc không còn nặng nề như trước. Bởi vì con người ta sống và hành động thế nào, tư cách ra sao, trước sau rồi cũng sẽ tự lộ ra với tất cả mọi người. Khi em giận dữ, bực tức, tìm cách tố cáo cô ấy, hành động của em sẽ chỉ khiến người khác thêm hiểu lầm về em mà thôi.

Nhất là trong mối quan hệ của cô ấy với vị giảng viên kia. Thay vì làm cho ông ta biết những điều em nghĩ về cô ấy, thì tốt nhất là em hãy chứng minh sự đúng đắn, thẳng thắn, đàng hoàng trong mối quan hệ của em với ông ta - không phải bằng lời nói, mà bằng hành động: giữ gìn mối quan hệ trong một chừng mực, đúng như tính chất mối quan hệ và tình cảm, không chỉ em có với người đó, mà là cả người đó đối với em.

Nói với vị giảng viên kia về cô ấy là điều em không nên làm và không cần làm. Người đó phải tự đủ sáng suốt và minh mẫn để chọn lựa người mình tôn trọng, yêu quý và giúp đỡ, cũng như hoàn toàn có quyền công nhận hay không công nhận điều cô ấy nói, rằng ông ta là chồng của cô ấy.

Đó là việc riêng của ông ta và cô ấy. Khi em xen vào, em chỉ càng chứng minh điều cô ta nói về em là đúng, và làm cho ông ấy có những suy nghĩ không hay về chính em trước tiên.

Em hỏi Hạnh Dung: làm sao để khỏi bị bắt nạt?

Hạnh Dung nghĩ rằng: Khi em không quan tâm đến cuộc sống riêng, "không liên quan" đến cả những người mà cô ấy đang có mối quan hệ, thì cô ấy sẽ ngừng "bắt nạt" em. Bởi theo như cách em kể, thì cô ấy cũng đủ bận rộn với công việc và cuộc sống của mình: phải quan tâm một lúc tới 2 người đàn ông, rồi giảng dạy, học tập và phấn đấu để lên được vị trí "bà tiến sĩ".

Trong trường hợp em đã không có gì liên quan đến cô ấy, mà cô ấy vẫn cứ tấn công em, em sẽ có đủ bằng chứng xác đáng và đáng tin để khiến mọi người, nhất là nơi 2 người cùng làm việc, hiểu ra vấn đề.

Theo phụ nữ TPHCM