Cha mẹ cháu chia tay sau vài năm chiến tranh lạnh. Cả hai đều gắng bù đắp cho cháu, chẳng hạn mẹ thường xuyên bận rộn, không đủ thời gian săn sóc con, thay vào đó, mua nhiều đồ chơi đắt tiền; ba không trực tiếp nuôi con thì mua nhiều quần áo, thức ăn hoặc dễ dãi hơn với cháu.

Cả hai ra sức “mua chuộc”, “lôi kéo” để được cháu thông cảm, để được thương hơn người kia dù cháu cảm thấy những nỗ lực bù đắp của cha mẹ thật vô nghĩa.

Cháu không biết mình cần gì ở cha mẹ khi họ không còn là vợ chồng của nhau?

Một nam sinh lớp Tám giấu tên

(TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ly hôn là một khủng hoảng gia đình, gây stress cho cả cha mẹ và con cái. Phản ứng của trẻ luôn khác với người lớn và đa dạng theo từng lứa tuổi. Phần lớn trẻ gặp biến cố này đều trải qua các cảm xúc tiêu cực: lo sợ bị bỏ rơi; cảm thấy như mình có lỗi; tự ti, xấu hổ; cô đơn, chán nản, thích quậy phá; thấy mình bấp bênh, thiếu chỗ dựa, mất niềm tin. Trẻ cũng quan tâm tới vấn đề công bằng như ai đáng trách, ai có lỗi; nuôi hy vọng gia đình đoàn tụ…

Không phải tất cả trẻ em đều có phản ứng giống nhau khi cha mẹ tan vỡ. Một số em thắc mắc rất nhiều chuyện, số khác chỉ biết khóc, có trường hợp không hề có phản ứng gì ban đầu. Trẻ được sống trong gia đình hạnh phúc được chăm sóc chu đáo trước đó có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với những trẻ sống trong gia đình bất hòa triền miên. Trẻ trục trặc trong quan hệ bè bạn, khổ sở, có hành vi chống đối và những triệu chứng sinh lý như đau bụng, đau đầu, lo lắng, lãnh đạm, buồn bực…

Trẻ trở nên mặc cảm, ngại tiếp xúc với xã hội hoặc phá phách để thu hút sự quan tâm của cha mẹ. Đã xảy ra những chuyện đau lòng với những đứa trẻ không được học cách ứng phó trước tình huống bất hạnh ập tới trong đời (chấn thương tâm lý, bị dụ dỗ, lạm dụng, lừa gạt…).

Điều tệ hại nhất là nếu trước và trong khi ly hôn, cha mẹ thường gây gổ, chửi bới, thậm chí đập phá đồ đạc, hành hạ, ngược đãi nhau trước mặt con, biến tổ ấm thành tổ lạnh khiến con trẻ phải chứng kiến những điều xấu xa, tệ hại của người lớn, ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ, làm tăng số trẻ em hư. Song, nếu vợ chồng ly hôn một cách văn minh, cùng hợp tác với nhau, cả hai có thể tiếp tục là cha mẹ tốt và lo được cho tương lai của con mình.

Các nhà tâm lý khuyên rằng: Cha/mẹ tuyệt đối tránh bù đắp cho con bằng vật chất, thức ăn hoặc đặc quyền. Tốt nhất hãy bù đắp bằng chính tình yêu thương và sự chăm sóc từ những người thân yêu, tình thương và sự lắng nghe, để trẻ hiểu cảm xúc của trẻ có giá trị và tin tưởng rằng ly hôn chỉ là chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái cũng như tình cảm họ hàng ruột thịt không bị mất đi.

Cháu đừng bi kịch hóa hoàn cảnh gia đình mà hãy giãi bày với cha mẹ nguyện vọng của bản thân:

- Con hiểu rằng cha mẹ cũng có thể mắc sai lầm và con muốn giúp cha mẹ sửa chữa lỗi lầm. Dù cha mẹ có chia tay cũng hạn chế tối đa việc xáo trộn lịch trình sinh hoạt và học tập của con, để con nhanh chóng lấy lại tinh thần, yên tâm học hành.

- Con cần thời gian riêng với cha/mẹ để khẳng định rằng mình vẫn được yêu thương, quan tâm, lắng nghe. Nếu được, hãy hứa cùng con kỷ niệm các sự kiện quan trọng của gia đình, đặc biệt là sinh nhật của con với tư cách là cha mẹ.

- Con cần cha mẹ giữ thái độ cởi mở, bình tĩnh, trung thực để tháo gỡ mọi băn khoăn thắc mắc của con, để con tin chắc cha mẹ sẽ giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn này dù có mất bao nhiêu thời gian.

- Cả hai hãy gạt bỏ sự tức giận hay oán trách ra khỏi các cuộc trò chuyện với bên nội hoặc bên ngoại, đừng vì tự ái mà đấu tố nhau sau lưng, đừng bao giờ biến con thành kẻ do thám tình hình của đối phương.

Cậu bé Azka Corbuzier (9 tuổi, người Indonesia) đã vẽ 20 bức tranh nổi tiếng khắp thế giới kể lại chuyện ly hôn của cha mẹ. Bức thứ 16 có tên: Chẳng gia đình nào tan vỡ khi bạn vẫn nhận được tình yêu thương của cha mẹ.

Theo phụ nữ TPHCM