Chị Hạnh Dung thân mến,

Làm sao thuyết phục mẹ em ly hôn với người bố liên tục ngoại tình ạ? Mẹ cứ nói là vì chúng em mẹ không thể ly hôn được. Mẹ phải đợi hai chị em em học hết đại học rồi mới tính. Bây giờ lại nói là đợi tụi em lập gia đình rồi mới tính.

Tính lăng nhăng của bố làm tụi em sống chung nhà mà không muốn gọi ông bằng bố nữa, nhưng mẹ thì cứ cố chịu đựng. Mà rồi có phải mẹ buông bỏ được đâu, cứ ghen tuông, rầu rĩ, khóc lóc, đau khổ. Vậy mà ông về là vẫn cơm nước phục vụ.

Tụi em phản ứng ra mặt thì mẹ nói tụi em hỗn. Rằng bố vẫn là bố của tụi em, chuyện bồ bịch của ông ấy là chuyện của mẹ và bố.

Em thấy ngán ngẩm hết sức chị ạ. Muốn hoặc là lấy chồng cho nhanh, hoặc đi ra khỏi nhà. Nhưng bỏ mẹ lại thì cũng không yên tâm, vì ông ấy mà thất tình là về đánh mẹ.

Ngày xưa ông ấy còn đánh cả em, nhưng giờ em không cho đánh nữa. Có lần em dọa ông, nếu đánh em là em... đâm, nên từ đó ông sợ và tránh em ra. Có phải em hỗn láo, mất dạy không chị? Nhưng em chỉ tự vệ thôi, ông ấy mới là người sai.

Em mệt mỏi và chán nản cả ông ấy, cả mẹ.

Thanh Tuyền

 

Em Thanh Tuyền thân mến,

Có một cách người ta thường ví von thế này về sức chịu đựng của con người. Khi có một ai đó cầm một ly nước nóng và nặng. Sự mỏi và bị bỏng tay sẽ dần tăng lên, không phải vì ly nước nặng hơn hay nóng hơn, mà sức chịu đựng của bàn tay sẽ yếu dần đi.

Để giữ cho được ly nước, người ta sẽ gồng lên, gồng mãi. Nhưng chắc chắn chẳng ai có thể chịu được việc gồng đó lâu dài. Rồi đến lúc mỏi tay, bỏng tay, người ta sẽ phải buông ly nước, cho nó rơi và vỡ toang.

Nhưng trong lúc người ta còn cố gắng gan lỳ, bướng bỉnh và quyết tâm giữ cho bằng được cái ly nước với bất cứ lý do gì, thì rất khó lòng cho ai đó có thể thuyết phục họ buông xuống một cách nhẹ nhàng. Dù là nếu biết cách buông khi đó, mọi sự tổn thương vì nước nóng, vì những mảnh thủy tinh sắc cạnh tung tóe sẽ bớt đi rất nhiều.

Sự gan lỳ, bướng bỉnh và cố gắng của mẹ em lúc này cũng như vậy thôi. Có thể các em đúng là một trong những lý do khiến mẹ không chịu buông. Vì bà e ngại những định kiến của người đời với một gia đình đổ vỡ. Vì bà cho rằng làm như thế tốt hơn cho các em, có thể che giấu mọi khuyết điểm của gia đình, cho các em có cơ hội phát triển, hạnh phúc.

Nhưng cũng có khi đó chỉ là lý do bà đưa ra để che giấu những sợ hãi, lo lắng và nuối tiếc của mình. Không thể không nói đến một điều: bà vẫn còn đâu đó trong lòng tình cảm với bố em. Đó là thứ tình cảm gắn bó rất kỳ lạ của những người bị sống phụ thuộc vào thói quen của chính mình.

Dù là gì đi chăng nữa, Hạnh Dung nghĩ rằng lúc này, việc duy nhất em có thể làm là hãy ở bên mẹ, nâng đỡ tinh thần mẹ, bảo vệ mẹ và mang đến cho mẹ càng nhiều niềm vui từ tinh thần mạnh mẽ và tình yêu thương của các em càng tốt.

Hãy đưa mẹ đi chơi xa, ra ngoài ăn uống, dạo chơi, trò chuyện với mẹ... Hãy làm sao cho mẹ nhìn thấy một cuộc sống nhẹ nhõm, bình an, và cả hạnh phúc, khi mẹ có thể tự giải thoát mình khỏi cuộc sống nô lệ về tinh thần với một người luôn sẵn sàng làm tổn thương mẹ.

Khi tinh thần mẹ mạnh mẽ và mẹ cảm nhận được cuộc sống khác có thể tốt đẹp, vui vẻ hơn, biết đâu mẹ sẽ nhận ra được rằng ly nước mình đang cố giữ quá nặng và mình đã bị bỏng tay. Khi đó mẹ sẽ tự buông để có được sự bình an.

Phản ứng của em với bố trong mắt nhiều người có thể quá đáng, nhưng Hạnh Dung hiểu rằng có những điều quá sức chịu đựng với một con người mà người khác không hiểu nổi, nhất là khi em còn trẻ. Tuy nhiên, đừng để lặp lại điều đó, vì quả thật như mẹ em nói, dù sao bố cũng là bố của em. Một lần như vậy để ông hiểu rằng em đủ sức mạnh để bảo vệ bản thân là được rồi.

Nếu có thể, vào những lúc gia đình có chút bình yên, em hãy thử trò chuyện với bố, sự gần gũi và việc em muốn thể hiện những mong muốn hàn gắn, níu kéo tình gia đình có khi sẽ tác động được lên bố.

Hoặc nếu ông hoàn toàn không còn muốn giữ tình cảm gia đình nữa, thì em chỉ cho ông con đường giải thoát cuối cùng cho cả hai bên: ông có thể ra đi một cách bình an và gầy dựng cuộc sống mới như ông mong muốn. Em chấp nhận được điều đó và hiểu rằng đó là điều tốt nhất cho tất cả mọi người trong nhà, kể cả ông.

Em không nói tuổi, nhưng Hạnh Dung nghĩ rằng em đã là một người trưởng thành. Hạnh Dung mong em sẽ đủ bình tĩnh, sáng suốt và lý trí để giúp mọi người trong nhà có những cách lựa chọn, giải quyết tốt nhất để mọi người đều có cuộc sống tốt hơn.

Theo phụ nữ TPHCM