Từ lúc có trí nhớ, cháu đã chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, căng thẳng. Lúc 5 tuổi, chính cháu là người đứng ra “xúi” mẹ bỏ chồng.

Vật vã đến năm cháu lên 8 tuổi, tòa án mới giải quyết cho cha mẹ cháu ly hôn. Mẹ con cháu “ra riêng”, cuộc sống đôi khi chật vật nhưng cháu được học hành tử tế, vui chơi giải trí và phát triển năng khiếu. Khi biết cha cháu có vợ con và mua nhà ở nơi khác, cháu không buồn hay uất ức gì, ngược lại còn thấy nhẹ nhõm.

Đâu đâu cháu cũng thấy những phân tích về “sốc tâm lý ở trẻ hậu ly hôn”, “sai lầm của cha mẹ đã hủy hoại con”, “những đứa trẻ mắc kẹt khi bố mẹ chia tay”… Cháu thấy mình không có bất kỳ sang chấn tâm lý nào như các chuyên gia nói. Liệu cháu có phải là một kẻ “máu lạnh”? 

Nguyễn N. (sinh viên Trường đại học 
Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Cháu N. mến, 

Quả thật, đa số trẻ em chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn thường đau buồn, bị khủng hoảng tâm lý trong thời gian dài.

Đó là những đứa trẻ:

- Đang được cả cha và mẹ hết mực yêu thương, chiều chuộng bỗng dưng mất đi 1 trong 2 người cưng mình sau khi cha mẹ ly hôn. 

- Sau nhiều năm quen sống sung túc, việc cha mẹ ly hôn khiến con cái lâm vào cảnh thiếu thốn hơn xưa. Nếu gia đình có 2 con trở lên, anh chị em ruột sẽ phải chịu cảnh ly tán.

- Sự hòa thuận của cha mẹ đang là niềm ngưỡng mộ, tự hào của con. Gia đình đột ngột tan vỡ khiến trẻ sốc nặng, dẫn đến mất niềm tin vào những người thân yêu nhất.

- Khi cha/mẹ có người khác và sinh thêm em, trẻ cảm thấy mình là kẻ thừa trong tổ ấm mới của cha/mẹ. Trẻ sẽ đau lòng nhớ lại thời gia đình còn êm ấm, từ đó thu mình lại, mặc cảm, tự ti, cảm thấy “chẳng ai cần đến mình”, “mình không còn giá trị”…

Ngược lại, có những đứa con muốn cha mẹ mình chia tay. Trường hợp này thường rơi vào những trẻ sinh trưởng trong môi trường bất hòa, căng thẳng hoặc lạnh lẽo; độ tuổi đủ cứng cáp để hiểu chuyện. Cũng như cháu, những đứa trẻ ấy chẳng phải “máu lạnh”, chỉ là trẻ “chẳng còn gì để mất” ngoài việc là nạn nhân của sự hắt hủi, bạo lực từ 1 trong 2 đấng sinh thành.

Có người cha vũ phu, luôn ra tay với vợ con thì con cái sẽ muốn giải thoát mẹ và chính mình khỏi “ách cai trị” của kẻ bạo hành; có người mẹ bài bạc, nợ nần đẩy cả nhà vào ngõ cụt thì còn khổ hơn cảnh mồ côi; cha mẹ chỉ duy trì gia đình vì con nhưng đối xử với nhau lạnh nhạt, thậm chí ngang nhiên cặp bồ; cha mẹ lỡ dở vì kéo dài tình trạng “vợ chồng trên danh nghĩa”, họ đổ thừa “giữ mái nhà cho con cái” trong khi chúng chỉ mong cha mẹ sớm giải thoát cho nhau.

Sở dĩ nhiều phụ huynh sợ chuyện ly hôn là vì ngại điều tiếng, sĩ diện gia đình, khả năng tài chính không đủ nuôi con một mình, sợ con thiếu thốn tình cảm…

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz


Cháu còn nhớ, trong sách Ngữ văn lớp Bảy tập 1 có truyện Cuộc chia tay của những con búp bê (tác giả: Khánh Hoài). Sau khi gia đình “tan đàn xẻ nghé”, em theo mẹ về quê ngoại, anh sống với cha. Vào ngày chuyển đi, người anh đưa em gái đến trường tạm biệt cô giáo và các bạn. Cô tặng trò cũ chiếc bút máy để em có động lực học tập ở trường mới. Em trả lại bút, nói mình không được đi học nữa vì nhà ngoại quá nghèo, mẹ đành để con ngồi bán trái cây ngoài chợ. Cùng với cái án “cha mẹ bỏ nhau”, bé gái dường như mất hết những gì quý giá (mái ấm gia đình, đồ chơi, người anh ruột yêu thương, trường lớp, bạn bè, những cơ hội vào đời…), chỉ còn một tương lai lẻ loi, cô độc, nghèo túng.

Thời nay, nam nữ đều có quyền học hành, có nghề nghiệp nuôi sống bản thân rồi mới tính đến chuyện yên bề gia thất. Vì thế, thay vì cố níu kéo bạn đời trong vô vọng để giữ tương lai cho con, người ta hướng đến việc chia tay văn minh.

Thà rằng vợ chồng rời xa nhau, trở thành người cha, người mẹ tốt hơn cho con mình còn hơn là cố giữ một gia đình “đủ cha đủ mẹ” nhưng luôn bất hòa. 

Nếu cho rằng kết hôn là hạnh phúc hoặc đau buồn thì ly hôn cũng vậy. Đã không thể ở chung thì nên cho nhau độc lập, tự do. Nhà thơ Rupi Kaur từng nói: “Đừng tìm kiếm sự chữa lành dưới chân những người đã phá vỡ bạn”. 

Theo phụ nữ TPHCM