leftcenterrightdel
 Tài sản chỉ là vật ngoài thân, tình anh em mới đáng quý (ảnh minh họa)

Bác Thành (82 tuổi, ngụ tỉnh Long An), có 6 người con: 4 trai, 2 gái. Lúc sinh thời, điều kiện gia đình khá giả nên bác vẫn “bao tiêu” cho đại gia đình mỗi dịp lễ tết. Các con cháu của bác luôn về đầy đủ, sum họp trong không khí vui vẻ.

Từ năm bác gái mất, cộng với sức khỏe ngày một kém, bác Thành bắt đầu nghĩ đến việc chia tài sản cho các con. Di chúc chưa được công bố nhưng vẫn bị rò rỉ thông tin, gây nên sự phẫn nộ của vài người con.

Đến lúc bác mất, mọi thứ trở nên xáo trộn vì tình cảm anh em không còn. Người này đặt câu hỏi vì sao mình không có phần, người kia lại nói nếu ai giữ phần đất tài sản hương hỏa thì phải lo hết phần cúng giỗ, những người còn lại không phận sự. Có người lại nói phải nhờ luật pháp chia đều…

Rất nhiều ý kiến trái chiều trong đại gia đình vốn được xem là hình mẫu lý tưởng về sự đoàn kết. Những ngày lễ tết, khu nhà tổ vốn nhộn nhịp tiếng cười nói trước kia, nay trở nên hiu quạnh, nhện giăng, không gian ẩm mốc. Người ở xa về chỉ ghé sang thắp hương. Người ở gần để mặc cho kẻ hưởng gia tài quyết định, nên không buồn ngó.

Chị Lệ Quyên (quận 5, TPHCM) chia sẻ, khi "có chuyện" mới thấy nhiều người con cay nghiệt, trách móc cả cha mẹ đã khuất. Gia đình chị từng rơi vào hoàn cảnh đó. Cha mẹ mất, để lại căn nhà trong khu đất 5.000 mét vuông ở quê chưa kịp chia và chính tài sản này khiến 4 anh em lục đục. Đến khi họ thống nhất mỗi người có phần như mong muốn thì tình nghĩa đã cạn sau những lần đôi co, lời qua tiếng lại.

"Ông bà vất vả bao năm mới gây dựng nên cơ ngơi. Tài sản là của ông bà, con cháu được hưởng chút nào thành quả lao động ấy cũng là sung sướng rồi; đằng này lại còn tranh giành nhau và hờn trách ông bà không chia cho mình sớm..." chị Quyên chua xót nói.

Nhiều bậc phụ huynh đau đầu không biết chia tài sản thế nào để các con không bất hòa (ảnh minh họa)
Nhiều bậc phụ huynh đau đầu không biết chia tài sản thế nào để các con không bất hòa (ảnh minh họa)

 

Anh Minh Đức (tỉnh Bình Thuận) kể rằng, dù cả đời sống ở nông thôn nhưng bố mẹ anh mang tư tưởng cấp tiến. Sau khi lo cho các con xong đại học và đi làm, ông bà sống ở quê một thời gian thì bán một phần tài sản để có tiền cho các con làm vốn. Số tiền còn lại, ông bà để dành khi ốm đau, an hưởng tuổi già. Vì vậy ông bà thoải mái đi du lịch, thăm thú nơi này nơi kia, làm từ thiện...

Theo anh Đức, cha mẹ anh bày tỏ quan điểm thẳng thắn và rõ ràng, mong các con thấu hiểu nỗi vất vả khi kiếm tiền, biết trân trọng và biết lo cho gia đình riêng. Anh và các em thống nhất ý kiến cùng ba mẹ để ông bà thoải mái, vui vẻ tuổi xế chiều, việc riêng của mình, các con tự sắp xếp.

Anh Đức so sánh: "Tôi từng đi du học Nhật Bản. Văn hóa Nhật có nhiều nét tương đồng văn hóa Việt, song có điểm rất khác: họ trân quý tình cảm gia đình nhưng rõ ràng về vật chất. Của cha mẹ là của cha mẹ, của con cái là con cái. Con cái cần thì mượn cha mẹ, có giấy tờ hợp pháp… Còn ở Việt Nam, nhiều người vẫn nghĩ tài sản của ba mẹ đương nhiên con sẽ được hưởng, không quan tâm tới các quy định của pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên học hỏi văn hóa Nhật và tìm hiểu luật phát về việc thừa kế kỹ hơn".

Theo phụ nữ TPHCM