Trong một lần về quê ăn giỗ, có mặt đầy đủ anh em nhà chồng, chú Ba hỏi: “Mẹ tính thế nào với mảnh đất đầu làng”. Mẹ chồng tôi trả lời không do dự: “Sau này bán đi chia làm 4 phần, cho 3 anh em, còn mẹ giữ 1 phần dưỡng già”. Nghe thế, cô em chồng nhìn tôi nói: “Chị Hai đã có nhà cửa ổn định, các cháu đã lớn nên mẹ tính thế cũng phải. Vả lại mẹ ở với chị, phần của mẹ cũng là của nhà chị rồi”.

Tôi hoàn toàn bất ngờ và không kịp phản ứng gì. Tôi đoán mọi người đã bàn bạc với nhau từ trước, bây giờ nói ra nhằm mục đích thông báo cho tôi mà thôi.

Mẹ chồng hợp tính với tôi hơn các con ruột. (hình minh hoạ)
Mẹ chồng hợp tính với tôi hơn các con ruột (Ảnh minh họa)


Nhà chồng tôi có 4 anh chị em, 2 trai, 2 gái, chồng tôi là con trai lớn. Vợ chồng tôi lấy nhau gần 20 năm thì anh đột ngột qua đời vì tai nạn. Lúc ấy mẹ chồng đã từ quê lên ở chung với gia đình tôi được vài năm. Thời điểm đó, tôi đã có nhà cửa cộng với số vốn chồng để lại nên tạm đủ để nuôi con. Các em của chồng đã có gia đình và ở cách nhà tôi không xa nhưng rất ít lui tới.

Sau khi chồng tôi mất, mẹ chồng chuyển về sống với vợ chồng chú Ba nhưng do không hợp tính nên quay trở lại nhà tôi. Tôi không suy nghĩ nhiều, vẫn lo lắng chăm sóc cho mẹ chu đáo như lúc chồng còn sống. Tôi nghĩ, dù chồng mất đi nhưng bà còn các cháu nội, sống cùng mẹ con tôi cho đỡ buồn.

Mẹ con tôi rất hợp nhau về chuyện ăn uống, sinh hoạt. Mẹ còn kể cho tôi nghe chuyện vợ chồng chú Ba đối xử với mẹ không hiếu thuận và mong muốn được sống cùng tôi. Sau này bà mất đi thì có con trai tôi là cháu đích tôn lo việc thờ cúng. Khi còn khỏe, mẹ phụ tôi việc nhà cửa cơm nước, nhưng 2 năm nay, sức khỏe bà yếu, thường xuyên đi viện nên tôi rất vất vả. Các em chồng nghe tin mẹ ốm cũng chỉ đến thăm chứ không phụ chăm sóc được ngày nào.

Vài tháng gần đây, bỗng dưng các em chồng qua lại nhiều hơn, mua đủ thứ để bồi bổ sức khỏe cho mẹ. Mẹ chồng tôi vui hẳn lên vì được các con quan tâm săn sóc. Thỉnh thoảng gia đình chú Ba đi chơi cũng qua đón mẹ đi cùng, chứ không bặt tăm như trước đây. 2 cô em gái liên tục chưng yến, hầm cháo bồ câu mang qua cho mẹ. Mỗi lần đến, các cô chú vào phòng mẹ đóng cửa nói chuyện khá lâu. Tôi cứ nghĩ giờ điều kiện kinh tế của các em ổn định hơn nên mới có thời gian dành cho mẹ.

Tuy nhiên, câu chuyện hôm đám giỗ đã giúp tôi hiểu rõ phần nào sự thay đổi trong cách cư xử của các em chồng. Khi còn ở quê, mẹ tôi sống nhờ trên đất của ông bà ngoại nên khi lên ở với vợ chồng tôi, mẹ không có gì tài sản gì. Mới đây, cậu ruột của chồng tôi thực hiện di chúc của ông bà, cắt và sang tên sổ đỏ cho mẹ mảnh đất ở đầu làng. Hiện tại dự án làm đường được triển khai nên giá bán đất tăng rất cao. Sự chăm sóc của các em chồng với mẹ có lẽ xuất phát từ lợi ích từ mảnh đất này.

Khi mẹ ốm đau, chỉ một mình tôi chăm sóc còn các em chồng rất ít lui tới. (hình minh hoạ)
Khi mẹ ốm đau, chỉ một mình tôi chăm sóc còn các em chồng rất ít lui tới (Ảnh minh họa)


Quyết định chia đất của mẹ làm tôi suy nghĩ rất nhiều, dù chồng tôi đã mất nhưng vẫn có cháu trai, chưa kể mẹ đang sống cùng mẹ con tôi, không hiểu sao mẹ tính toán và công khai như thế. Tôi đoán có lẽ một phần do sự thúc giục của các em chồng.

Tôi không biết có nên hỏi thẳng mẹ về việc này hay im lặng cho qua. Khi hỏi ý kiến anh chị em bên ngoại thì mọi người đều khuyên nếu mẹ chồng đã không công bằng như thế thì nên “trả” mẹ về ở với chú Ba, tôi không có trách nhiệm phải nuôi mẹ chồng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn áy này dù sao mẹ cũng quen sống ở nhà tôi, giờ tự dưng thay đổi cũng khó coi. Tôi chưa nói chuyện này với 2 con vì muốn chúng giữ đúng sự hiếu thuận với bà nội. Tuy nhiên nếu im lặng chấp nhận mọi việc thì mẹ con tôi quá thiệt thòi trong chuyện này...

Theo phụ nữ TPHCM