Chị Hạnh Dung kính mến,
Em lấy chồng mới nửa năm thì đã có 3 lần cho người thân bên chồng mượn tiền. Số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Mới đây, chị chồng mượn 300 triệu đồng, hẹn 2 năm sau sẽ trả. Em nói hiện em có vàng, có thể cho chị mượn số vàng bằng với 300 triệu đồng kia. Nhưng chị sợ vàng đang lên giá nên không mượn.
Tưởng chuyện chỉ dừng ở đó. Nhưng sau đó, nhà chồng thay đổi thái độ hoàn toàn với em. Ba mẹ chồng còn gọi em ra nói chuyện, rằng họ không ngờ em là người tính toán, muốn “đầu tư” trên sự khó khăn của chị Hai.
Chồng em rất hiểu vợ nên động viên em “từ từ ba mẹ sẽ hiểu”. Bản thân em thấy mình không làm gì sai, ngay cả khi đề xuất cho mượn vàng, em cũng rất thật lòng.
300 triệu đồng là số tiền lớn, lại cho mượn trong thời gian lâu thì người mượn phải chủ động nghĩ đến phương án để người cho mượn không phải chịu thiệt. Đằng này em đã tự đề xuất mượn bằng vàng để công bằng cho cả hai, nếu chị thấy không cần thì sao lại đi rêu rao, rồi nhà chồng lại nghĩ về em nặng nề đến vậy?
Sau chuyện này, em cũng không còn mặn mà với nhà chồng. Chỉ thấy thương chồng, sợ anh khó xử nên em có đề nghị anh cứ đem tiền cho chị mượn, coi như là tiền riêng của anh. Anh nói không cần, nhưng em vẫn rất day dứt, khó chịu. Em có nên tự liên hệ với chị Hai và chủ động đưa chị ấy mượn tiền không?
Bảo Ngọc (TPHCM)
Bảo Ngọc mến,
Tiền bạc vốn là chuyện quan trọng, luôn cần rõ ràng, sòng phẳng. Nhưng có không ít gia đình xem việc bảo bọc, vay mượn giữa anh chị em là bình thường; thậm chí họ xem đó là trách nhiệm. Trong những gia đình này, việc cho mượn, thậm chí tặng tiền người thân được xem là biểu hiện của tình thân. Nói vậy để thấy, nếu không hiểu “văn hóa gia đình” của nhau, rất dễ nảy sinh hiểu lầm, phán xét.
Những gì em đã làm không sai. Nhưng phản ứng của nhà chồng cho thấy họ có quan điểm khác với em trong việc vay mượn người thân. Khi đã không có cái nhìn tách bạch về tiền, mọi người rất dễ đồng nhất giữa tình cảm với việc cho vay mượn. Theo cách nhìn đó, một khi em đã cân nhắc về sự “công bằng”, sẽ dễ bị quy là xem nhẹ tình cảm hơn tiền bạc.
Sau khi phân tích, hẳn em cũng hiểu hơn về logic tâm lý của nhà chồng, để thông cảm nhiều hơn là bức xúc. Hiểu về sự khác biệt này, em cũng có thể chủ động lựa chọn xem mình có cần thay đổi bản thân để “hòa nhập” với nhà chồng hay không. Nếu có thì thay đổi ở mức độ nào, đâu là giới hạn. Hoặc nếu không thì cần chuẩn bị tâm lý thế nào cho những xung đột ban đầu về chuyện tiền bạc, để bản thân không quá nặng lòng với những trách cứ từ nhà chồng.
Về câu hỏi “em có nên chủ động liên hệ và đưa chị chồng mượn tiền hay không”, em hãy cân nhắc dựa vào tâm ý thực sự của mình. Nếu em chỉ miễn cưỡng đưa mượn cho xong chuyện thì không cần thiết.
Khi em không đồng cảm và không muốn thay đổi cách hành xử với chuyện tiền bạc, hãy dừng lại ở chỗ tôn trọng sự khác biệt. Còn nếu em có thể đồng cảm với cách nghĩ của nhà chồng và cảm thấy những thiệt thòi (nếu có) của mình khi cho mượn tiền cũng xứng đáng thì em có thể cho mượn.
Bên cạnh đó, em có thể chia sẻ với mẹ chồng những hiểu lầm từ chuyện vay mượn đã làm em ray rứt thế nào. Dù phản ứng của mẹ ra sao, chia sẻ đó cũng cho mẹ một cơ hội để hiểu em và giúp em giải tỏa những điều bức bối trong lòng.
Sau tất cả những nỗ lực trên, điều quan trọng vẫn là thiện chí để thấu hiểu và chấp nhận những khác biệt, để có thể sống bên nhau. Khi một chuyện ngoài ý muốn xảy ra, người ta dễ có những phản ứng cực đoan. Nhưng một khi đã là người nhà, ta có rất nhiều cơ hội để hiểu lòng nhau. Vậy nên một khi đã có lòng, đừng quá nặng nề vì một lần “sứt mẻ”, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM