Có một phép so sánh hôn nhân như thế này: Mối quan hệ trong hôn nhân giống như những mảnh kiến tạo, anh thừa ra một mảnh ở đây, tôi sẽ nhường bớt một chỗ cho mảnh ở đây. Cọ xát, kết hợp với nhau để tạo ra núi cao và thung lũng, tạo ra sự ăn ý hoàn toàn mới.
Hôn nhân giống như một cuộc rèn luyện chính mình, không thể hình thành nên mà không có sự hy sinh và vun đắp của cả hai người. Trên đời này, không có cặp đôi nào hoàn hảo, chỉ có sự thỏa hiệp, cọ xát và nhượng bộ lẫn nhau mà thôi. Cho dù là vợ chồng hay là người yêu, một cuộc tình có thể thực sự đi đến cuối cùng luôn phải trải qua 3 lần buông bỏ này.
Có người nói, gia đình hạnh phúc không bao giờ là tranh giành đúng với sai. Vì tranh cãi đúng sai sẽ chỉ đem lại 2 loại kết quả: Người thắng thì tổn thương tình cảm, người thua thì tổn thương lòng, đến cuối cùng cả hai đều chỉ là kẻ thua cuộc với vết thương đầy mình.
Từ bỏ lý lẽ, từ bỏ tranh cãi đúng sai
Nhà là nơi yêu thương chứ không phải là nơi cãi lý. Đáng tiếc là không phải tất cả mọi người đều hiểu điều này. Chuyên gia tâm lý tình cảm Triệu Vĩnh Cửu từng chia sẻ câu chuyện của chính mình như sau:
Anh nói 2 năm đầu hôn nhân, quan hệ giữa anh và vợ cực kỳ tồi tệ. Thường xuyên cãi vã chỉ vì những chuyện vặt vãnh trong gia đình, khiến cả gia đình chìm trong không khí căng thẳng, u ám. Trí nhớ của vợ anh không được tốt, thường xuyên quên nọ quên kia, ví dụ như ra ngoài quên khóa cửa, dùng máy tính xong quên tắt máy. Vì những chuyện vặt vãnh này, anh đã không chỉ một lần cãi nhau với vợ mình. Nhưng sự chỉ trích và thuyết giáo của anh không hề khiến vợ mình thay đổi, ngược lại còn khiến tần suất quên đồ tăng lên, thậm chí còn rơi vào vòng luẩn quẩn, vậy là anh càng phê bình vợ gay gắt hơn.
Mâu thuẫn giữa hai người ngày một gia tăng, liên tục xảy ra cãi vã, cuộc hôn nhân cũng xuất hiện những vết nứt, có nguy cơ đổ vỡ. Sau này, tình cờ anh đã tham gia một khóa kỹ năng mềm. Trong khóa học, giáo viên yêu cầu chia nhóm để chơi trò chơi, anh được chọn làm nhóm trưởng. Nhưng vì sự khác biệt về việc lý giải quy tắc và việc tự ý hành động một mình, kết quả là cả nhóm thất bại.
Người hướng dẫn khi đánh giá về anh đã nói rằng: "Anh không chịu lắng nghe người khác, cái tôi cao như vậy, thất bại là điều dễ hiểu. Những người có tính cách như anh, nếu như đã kết hôn thì có lẽ cũng chẳng hạnh phúc là bao". Chính câu nói này đã khiến anh hoàn toàn tỉnh ngộ, bắt đầu suy nghĩ lại những vấn đề trong hôn nhân của mình.
Anh học cách thay đổi, khi phát sinh mâu thuẫn với vợ, anh sẽ không hà khắc trách mắng như trước mà sẽ kiểm điểm lại bản thân mình trước. Khi vợ quên đồ đạc, anh sẽ dán giấy note trên cửa để nhắc nhở, chuẩn bị một đoạn audio trên bàn để nhắc nhở vợ tắt máy tính. Dần dần, số lần quên đồ của vợ anh ngày càng giảm, mối quan hệ giữa anh và vợ cũng ngày càng tốt hơn, hôn nhân cũng hạnh phúc hơn rất nhiều.
Có câu nói: “Một người hạnh phúc thực sự không phải là có được càng nhiều càng tốt, mà là bớt so đo tính toán đi”. Hôn nhân là vô vàn những điều vụn vặt, nếu như mỗi một việc đều phải so đo tính toán, tranh giành đúng sai, vậy thì cuộc hôn nhân đó sẽ không đi được bao xa. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp, không phải là không có mâu thuẫn, mà là từ bỏ việc cãi lý, nói lý, từ bỏ việc phê bình và chỉ trích, học cách suy nghĩ ở góc độ khác, biết cách mềm mỏng, nhượng bộ, thỏa hiệp.
Từ bỏ quá khứ, không lật lại quá khứ
Trong một cuộc hôn nhân, tình cảm là thứ đặt nặng hơn lý lẽ. Cuộc hôn nhân chỉ nói lý thì không có tương lai, cuộc hôn nhân tràn ngập yêu thương, mới có thể đi được xa hơn, bền vững hơn. Việc cứ lôi lại chuyện cũ mà trách móc, nếu giải thích từ góc độ tâm lý học thì thực ra đó là một hiệu ứng phụ thuộc cảm xúc. Phụ thuộc cảm xúc trên thực tế là trạng thái cảm xúc hiện tại của chúng ta, là quá trình lấy ký ức từ não bộ. Nói một cách đơn giản tức là khi một người đang tức giận, buồn bã, họ sẽ dễ liên tưởng tới những ký ức đau khổ trong quá khứ.
Trên đời này, hiếm khi có cặp vợ chồng nào không cãi vã. Hai người ở bên nhau lâu rồi, va chạm nhiều, cãi cọ là điều không thể tránh khỏi. Đối với mỗi một người trong hôn nhân mà nói, điều đáng sợ nhất đôi khi không phải là cãi vã, mà là việc liên tục nhắc lại chuyện cũ. Và nhắc lại chuyện cũ giống như rạch vào vết sẹo đã lành, không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm tổn thương cả chính mình.
Trong bộ phim “Nhân thế gian” có một cảnh như thế này: Châu Dung và Phùng Hóa Thành vì chuyện chia phòng ở cơ quan mà cãi nhau. Châu Dung oán thán Phùng Hóa Thành vô dụng, đến căn phòng 12 mét vuông cũng không lấy được. Còn Phùng Hóa Thành cũng không chịu yếu thế, anh phản bác Châu Dung như thế này: “Nếu cố mà giỏi thì đã chuyển đến cái nhà to rồi, đáng tiếc cô không kiểm soát được cái tật bốc đồng của mình. Hơn 2 năm rồi, tôi cũng không hiểu nổi, sao cô lại chạy tới trước cửa nhà người ta, đòi lại quà đã tặng cho người ta từ trước”.
Châu Dung nghe vậy liền nổi cáu, cũng bắt đầu lật lại chuyện cũ: “Tôi ích kỷ, tôi không bình tĩnh. Anh bình tĩnh, anh toàn diện, anh tài giỏi quan hệ xã giao, anh tặng đồ cho người khác chẳng bao giờ thèm đòi tặng lại, thế sao chẳng thấy chút hữu ích nào cả?”. Cả hai cứ như thế, anh một câu tôi một câu, cãi nhau om sòm không ai chịu ai.
Đôi khi chúng ta cứ liên tục bới móc lại chuyện cũ là vì nó chưa từng được giải quyết một cách thỏa đáng. Vì thế, trong cuộc cãi vã tiếp theo, những chuyện từng khiến mình khó chịu, không vui thì đều sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta. Nhưng vẫn cần phải nói rằng, việc lật lại chuyện cũ không thể giải quyết được vấn đề hiện tại, ngược lại nó sẽ khiến mâu thuẫn ngày càng gay gắt hơn.
So với việc cứ lật lại chuyện cũ mỗi lần cãi vã, thà rằng hãy cho bản thân thời gian để bình tĩnh lại, sau đó hãy nói chuyện, giải quyết vấn đề một cách tử tế, thỏa đáng. Thấy uất ức thì phải nói, có chuyện thì cần giải quyết, không đè nén cảm xúc, không tích tụ thất vọng. Không lật lại chuyện cũ, học cách cho qua, như vậy mới dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc trong hôn nhân.
Từ bỏ chiến tranh lạnh
Trong một chương trình tình cảm, có một cặp vợ chồng đã kết hôn 10 năm. Khi MC hỏi nguyên nhân tham gia chương trình, người vợ đã trả lời rằng: "10 năm hôn nhân khiến cô ngày càng lạnh lòng". Vì chồng cô bình thường ở nhà rất ít khi giao lưu với cô, họ không cãi cọ, cũng chẳng nói chuyện gì. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, cách xử lý của người chồng chính là né tránh, không nói chuyện, cũng không trả lời.
Lần khiến cô ấn tượng sâu sắc nhất chính là vào ngày sinh nhật của bạn thân của cô mời cô tới tham dự. Cô biết chồng không biết nấu ăn, trước lúc đi cô đã nấu sẵn đồ ăn, đồng thời còn dặn dò anh hâm nóng lại như thế nào rất nhiều lần. Kết quả là khi cô về tới nhà, anh chẳng thèm động một chút nào vào đồ ăn cô đã nấu mà trên bàn là vài miếng pizza còn thừa lại. Thấy cảnh này, cô vô cùng tức giận, hỏi chồng tại sao lại làm như vậy?
Nào ngờ chồng cô chẳng thèm trả lời cô, đột nhiên cầm túi rồi bước ra ngoài cửa, đi liền 5 ngày không về cũng chẳng gọi lấy một cuộc điện thoại. Nói tới nguyên nhân, người chồng chỉ nói: "Vì không biết phải nói chuyện như thế nào, thế nên mới muốn né tránh”. Và chuyện như vậy vẫn còn rất nhiều. Trong miêu tả của người vợ, sự im lặng trong ngôi nhà khiến người ta nghẹt thở. Bởi người chồng công việc cũng khá bận, 9 giờ tối mới về tới nhà, cho dù về nhà cũng không nói chuyện gì với cô.
Trong một bài báo từng tổng kết những đặc trưng thường thấy của bạo hành lạnh: Không hề quan tâm, hạ việc giao tiếp bằng ngôn ngữ tới giới hạn thấp nhất, cố tình né tránh sự tiếp xúc giữa hai người; nói lời cay nghiệt, châm biếm đối phương, dừng hoặc hời hợt quan hệ tình dục, không chịu trách nhiệm những việc trong gia đình. Có người thậm chí còn đột nhiên biến mất một khoảng thời gian, hoàn toàn không quan tâm tới cảm nhận của người nhà, để mặc cảm xúc của bản thân, làm một số chuyện theo cảm giác của chính mình, không chịu trách nhiệm gánh vác những nhiệm vụ vợ chồng và gia đình,…
Có một số nghiên cứu cho thấy, lạnh nhạt không nói còn khiến hôn nhân bị tổn thương lớn hơn cả việc cãi vã, càng dễ khiến hôn nhân đổ vỡ. Cãi cọ to tiếng ít nhất cũng là một cách giao tiếp, còn bạo hành lạnh lại hoàn toàn khép lại những cánh cửa để hai người giao tiếp với nhau. Cuộc hôn nhân không có giao tiếp giống như một vũng nước đọng, ở trong đó chỉ cảm thấy ngột ngạt và tuyệt vọng. Hôn nhân là thứ cần có sự tương tác và phản hồi. Từ bỏ bạo hành lạnh, kịp thời nói chuyện, trải lòng mình, như vậy mới là cách vun đắp hôn nhân chính xác.
Thứ thúc đẩy tình yêu thực sự không phải là tình cảm nồng nhiệt, mà là ánh nắng rực rỡ. Còn thứ làm hao mòn tình yêu cũng chính là những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hôn nhân không dễ dàng, hai người yêu thương nhau nắm tay nhau xây dựng nên một gia đình thì càng cần phải trân trọng hơn.
Khi xảy ra tranh chấp, từ bỏ việc cãi lý, suy nghĩ cho nhau, hiểu cho nhau hơn. Học cách cho qua, từ bỏ việc lật lại việc cũ, hôn nhân là cần phải nhìn về phía trước mà bước tiếp, chứ không phải là ngoảnh đầu nhìn lại. Không né tránh vấn đề, từ bỏ bạo hành lạnh, trò chuyện nhiều hơn, tương tác nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn.
Hôn nhân là một quá trình rèn luyện có được có mất. Từ bỏ những thứ nên từ bỏ, kiên trì những thứ nên kiên trì, cả hai người vun đắp cho hôn nhân bằng cả trái tim mình, tự nhiên sẽ không bị phụ lòng.
Theo ngoisao.vn