Chị Hạnh Dung kính mến,

Cách đây 3 năm, tôi có cho em chồng mượn 200 triệu đồng để làm nhà. Năm ấy, ai cũng khó khăn vì dịch bệnh nên tôi rất thông cảm. Nhưng đến năm ngoái, cậu ấy cũng không trả, cũng không nói năng gì khi năm hết tết đến. Tôi khá phiền lòng nhưng cũng tránh dịp tết, rồi lại tránh những tháng đầu năm nên không đòi.

Mới tuần trước tôi mới nhắc cô em dâu, cô ấy cũng “dạ” và hứa sẽ tính toán để gửi cho tôi sớm. Thế nhưng, qua hôm sau, cả nhà chồng tôi dậy sóng, trách tôi “ích kỷ với em chồng”.

Mẹ chồng gọi điện dạy tôi cách sống với anh em. Mẹ nói tôi dư dả, có điều kiện hơn các em nhiều thì sao lại nỡ đòi nợ ngay lúc các em đang gặp khó. Theo mẹ, việc em dâu tôi bệnh nặng (em phát hiện bệnh K vào năm ngoái và đã vượt qua giai đoạn điều trị tích cực, đi làm lại) đủ để được cả gia đình nâng đỡ, nên việc đòi nợ của tôi là không có tình người.

Tôi bị mắng mà như trên trời rớt xuống. Tôi đã cho em mượn số tiền lớn suốt 3 năm mà vẫn chưa đủ rộng rãi hay sao? Khi tôi nói vậy, mẹ chồng tôi nói “đã là tình thương sao còn đo đếm”. Mẹ nói các em chưa có tiền trả ngay, nhưng mẹ sẽ rút tiền tiết kiệm để đưa trước cho tôi.

Điều khiến tôi buồn là mẹ chồng tôi vốn rất hiểu chuyện. Suốt 20 năm hôn nhân tôi chưa thấy mẹ sai lầm hay vội vàng buộc tội ai bao giờ, nhưng giờ mẹ lại buộc tội tôi. Tôi không cần lấy tiền của mẹ, mẹ cũng thừa biết tôi không cần tiền, cái tôi cần là một cái nhìn công bằng về tình cảm lẫn trách nhiệm của từng người.

Nhưng tôi biết nói sao cho thấu, trong khi chính chồng tôi cũng nói tôi vội vàng, thiếu suy nghĩ? Cuối cùng thì tôi đã sai ở đâu?

Thúy Nga (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Thúy Nga mến,

Nếu xét riêng về số tiền 200 triệu đồng kia thì hành động của bạn không có gì sai. Về lý, bạn có quyền đòi lại số tiền đã cho mượn. Về tình, bạn cũng đã giúp em chồng khi cần và đã để em mượn suốt 3 năm.

Phản ứng của mẹ chồng và gia đình bên chồng bạn có lẽ còn do nếp nhà, với những văn hóa đùm bọc riêng biệt. Ta khó mà đem lý lẽ thông thường với những đúng, sai rạch ròi để áp vào họ. Bạn không kể nhiều về gia đình chồng nên Hạnh Dung không có cơ sở để phân tích thật xác đáng. Nhưng “nếp nhà” ở đây có thể là những nguyên tắc ngầm trong việc đùm bọc, giúp đỡ, chở che nhau.

Nói cụ thể vào trường hợp của bạn, có lẽ, mẹ chồng đã kỳ vọng bạn thấu hiểu và ứng xử “có tình” hơn với các em. Ai cũng biết bạn đã giúp em thế nào, nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi các em còn chưa vượt khó được, em dâu mới điều trị bệnh nan y xong và quay lại với công việc chưa lâu thì lời nhắc nợ cũng trở thành gánh nặng. Trong khi đó, mẹ biết bạn không hề túng thiếu để phải đẩy vào em một gánh nặng (dù hợp lý) như vậy.

Nói như vậy không phải là bạn đã sai, nhưng ta cần nhìn sâu vào bản chất vấn đề để hiểu xung đột đến từ đâu, để biết cách hóa giải và hành xử theo hướng giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Theo bạn, bạn không cần tiền, mà chỉ muốn công bằng về tình cảm và trách nhiệm của các bên. Theo nguyên lý này thì “nợ 3 năm là phải trả”.

Vậy, lý lẽ của bạn là lý lẽ của luật vay - trả, của nguyên tắc xã hội, còn cái mà mẹ chồng bạn đang mong chính là sự thấu cảm giữa người một nhà.

Bạn hãy tạm đặt những lý lẽ của mình sang một bên, tập trung nhìn nhận lại kỳ vọng của từng bên. Sau đó, hãy tự ngẫm nghĩ về văn hóa nhà chồng bạn từ trước tới nay để hiểu hơn về nguồn cơn của mâu thuẫn.

Sau khi ngẫm kỹ, Hạnh Dung tin bạn sẽ biết cách ứng xử để hóa giải mâu thuẫn hoặc ít nhất là hóa giải những nặng nề trong lòng bạn.

Theo phụ nữ TPHCM