2 chị em vừa ra tới ngõ thì thấy anh Hoàng “rượt" theo, bấm còi ì xèo. Anh hỏi, giọng ấm ru: “2 chị em đi đâu đó?”. Chị Thủy nói chúng tôi đang sang thăm một người bạn. Anh hỏi han mấy ý, rồi mời 2 chị em vào quán cơm để “ăn trưa đàng hoàng rồi hẵng đi”.

Ít ai hình dung anh Hoàng và chị Thủy đã là vợ chồng suốt 15 năm và đều đã bước vào hàng U50. Anh chị yêu nhau xuyên năm tháng, bất kể việc đã sinh 3 người con với vô vàn vất vả, trục trặc, cùng những rắc rối với gia đình 2 bên.

Nhóm bạn của anh Hoàng hay chê anh “bám vợ". Bạn bè nhiều người “không thể hiểu nổi ông Hoàng. Qua gần 20 năm vẫn có thể giữ nguyên nét yêu, thương, ngưỡng mộ và hào hứng với vợ đến vậy.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
 

Tất cả những lần gặp gỡ bạn bè, anh Hoàng ngồi bên vợ, chém gió tưng bừng với bạn bè nhưng vẫn lịch thiệp, ân cần chăm chút cho chị. Hễ chị Thủy sang ngồi với nhóm phụ nữ, người ta lại bắt gặp cảnh anh Hoàng dừng lại nhìn sang vợ mỗi khi chị Thủy “phát biểu". Hễ chị Thủy di chuyển, anh Hoàng lại ngoái nhìn. Như sợ vợ đi lạc hoặc gặp nguy hiểm, anh phải dõi theo cho đến khi chị đi khuất mới thôi. 

Có lần, chị Thủy lên sân khấu “hát cho nhau nghe" để ca một bài. Chị vừa bước xuống, anh đã tiến lại rồi nói nhỏ: “Không được gì, chỉ được mỗi cái đẹp với hát hay”. Câu tán tỉnh này được một cô bạn trẻ nghe được và “đồn ầm" cả buổi tiệc. Nếu chỉ nghe kể, người ta dễ thấy “sến". Nhưng khi chứng kiến, người ta mới thấy hết sự chân thật, dễ thương và hiểu thật sinh động cái mà người ta gọi là “tình nghĩa vợ chồng".

Người chứng kiến như chúng tôi vừa thấy lạ, vừa thấy “mắc ghét", nhưng cũng lại thấy ngọt ngào, an vui và được truyền cảm hứng từ chuyện tình của anh chị.

Tôi từng hỏi chị Thủy về bí quyết giữ lửa hôn nhân. Chị nói tỉnh rụi: “Bí quyết là ngu si hưởng thái bình". Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chị mới “phụ đề“ bí quyết kia rằng, thực ra chị không có bí quyết, cũng không bao giờ nghĩ đến việc giữ lửa, giữ chồng.

Chị cũng không quan tâm đến việc một người vợ thì nên có những quyền hành gì, hay những rủi ro gì trước một người chồng để mà phải “giữ". Chị chỉ háo hức “sánh đôi" với anh từ những ngày đầu, rồi cứ thế làm bạn với nhau.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Chị hỏi: “Hồi mới “khoái” nhau, cặp nào cũng thích ở bên nhau, đi chơi cùng nhau, làm mọi thứ với nhau mà, đúng không?”. Tôi gật đầu xác nhận. Chị nói: “Thì anh xã và chị cũng vậy thôi. Tụi chị chơi với nhau vui lắm, có chuyện gì trên cơ quan cũng kể cho nhau nghe rồi cùng phân tích.

Anh chị cùng sưu tầm những địa điểm hay ho để đi cùng nhau. Cả sở thích cũng chia sẻ với nhau rất hăng say. Ví dụ anh mê hoa lan, chị thì không, nhưng chị mê cái cách anh say sưa và những kiến thức thú vị anh hay kể về hoa lan nên chị nghe hoài, còn anh thì cứ ưa nói hoài. Kiếm được cây hoa lan nào độc lạ là anh đem về khoe ngay với vợ rồi ba hoa đủ thứ về nó. Vậy đó mà chơi thân với nhau được hoài thôi”.

“Chơi thân" là từ khóa làm tôi suy tư. Rõ ràng, lúc mới thích nhau, đôi nào cũng khao khát được thân thiết với nhau. Nhưng khi đã chính thức là “của nhau", người ta lại theo đuổi những trạng thái khác của mối quan hệ, chứ không còn thiết tha với sự thân thiết.

Nhiều phụ nữ muốn chồng phải nể trọng mình, phải cáng đáng tài chính, chia sẻ việc nhà, quan tâm đến gia đình bên vợ. Nhiều đàn ông đo lường giá trị của người vợ bằng việc quán xuyến nhà cửa, hiếu đễ với nhà chồng… Có rất nhiều giá trị mà người ta gán vào hôn nhân, để đánh giá, xếp loại nhau, rồi sinh ra những thất vọng, bực bội.

Ảnh mang tính minh họa - PressFoto
Ảnh mang tính minh họa - PressFoto

 

Trong khi, tất cả những điều trên (sự nể trọng, sự chăm nom, yêu thương gia đình 2 bên…) đều sẽ tự nhiên xuất hiện khi người ta chú tâm giữ mối gắn bó, tha thiết giữa 2 con người. “Chơi thân" với vợ có nghĩa là thấu hiểu và sẵn sàng đón nhận, sẻ chia mọi tâm tư cùng vợ. Vậy thì hẳn nhiên sẽ có sự tôn trọng, có ý muốn chăm chút, yêu thương những gì vợ yêu thương (bao gồm gia đình bên vợ).

Chơi thân cùng nhau, người ta sẽ tự tìm đến nhau khi có cảm hứng chia sẻ, khi vui, khi buồn, hay khi cần nương tựa.

Và vì chơi thân, người ta cũng sẽ trân trọng nhau bằng tình cảm chân thành chứ không vì những kêu đòi trong tư cách là vợ, là chồng…

Vậy mà, giữa những bế tắc về sự tôn trọng, sự gắn bó, sự đúng giờ, sự chia sẻ… trong hôn nhân, chúng ta đã bao giờ nghĩ về việc vun đắp cho sự thân thiết của mình với vợ, với chồng chưa? 

Theo phụ nữ TPHCM