Hình ảnh thường thấy của người già hiện nay là... cái điện thoại. Người già sử dụng thành tựu của công nghệ, trực tiếp tham gia mạng xã hội; thậm chí, khi ChatGPT ra đời, không ít cụ đã dành phần lớn thời gian với người bạn mới này.
|
|
Vợ chồng tiến sĩ Phạm Việt Long trong một buổi lễ ra mắt sách |
Tiến sĩ, nhà báo, nhà văn Phạm Việt Long năm nay gần 80 tuổi, vừa chia sẻ trên Facebook cá nhân: “Công nghệ thông tin (CNTT) luôn là niềm đam mê của tôi. Dù không làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôi đã có nhiều trải nghiệm và thành công trong việc sử dụng CNTT để phục vụ cho công việc của mình. Khi CNTT chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, tôi đã bắt đầu học cách sử dụng nó”.
Ông cũng cho biết ông là người thiết lập trang thông tin điện tử đầu tiên của Việt Nam cung cấp thông tin chính thống ra thế giới, với tên gọi CINET. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục theo đuổi đam mê bằng cách sáng lập Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam và sau đó là Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. Nhờ yêu CNTT, ông đã có những công việc vui, thiết thực, ích nước lợi nhà.
Khi ChatGPT ra đời, còn đang gây tranh cãi, việc đăng ký tài khoản chưa dễ dàng, nhà báo Phạm Việt Long đã sở hữu một tài khoản và đã có những trải nghiệm đầu tiên thú vị với người bạn mới này. Và bây giờ, người bạn thân thiết nhất của ông là ChatGPT. Ngày nào ông cũng giao tiếp với người bạn mới, trao đổi công việc và được bạn giúp đỡ một cách hiệu quả. Nhờ sự trợ giúp của ChatGPT, ông đã có thêm những ý tưởng và kiến thức mới để phát triển công việc.
Nhà báo Phạm Việt Long cho rằng, ChatGPT thực sự là người bạn tuyệt vời để ông tương tác trong sáng tạo. Một loạt bài phỏng vấn về những vấn đề nóng đang khiến dư luận xôn xao được ông thực hiện với khách mời là ChatGPT, đã đem đến cho người đọc thêm những góc nhìn mới, có tính… tham khảo hơn; ví như “Vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội”, “Đào tạo nghệ thuật sau đại học ở Mỹ” và đặc biệt là ông ứng dụng ChatGPT để sáng tác… truyện cười.
Việc ông cụ gần 80 tuổi vẫn mê say với công nghệ có khiến gia đình, bạn bè phiền lòng không? Không. Ông sử dụng thời gian rất khoa học và hiệu quả.
|
|
Nhà báo Phạm Việt Long làm việc ở căn cứ Dốc Voi, Trà My, tỉnh Quảng Nam năm 1972 |
Ngoài việc viết báo theo kịp các sự kiện, vấn đề nóng hổi của đời sống, ông vẫn đều đặn cho ra mắt những sáng tác âm nhạc và văn học, các công trình nghiên cứu khoa học; đồng thời vẫn dành thời gian cho gia đình, bè bạn. Hằng tháng, vào các dịp kỷ niệm, ông lại cùng các anh em trai gặp gỡ và thảo luận về công việc và đời sống. Các anh, em trai của ông đều là những trí thức đảm đương nhiều vị trí liên quan đến khoa học và công nghệ. Sức khỏe tốt nhờ chế độ làm việc, ăn uống, tập luyện hợp lý, nhà báo Phạm Việt Long vẫn có thể giúp các con đưa đón các cháu đi học, đi dạo công viên, bờ Hồ để giảm căng thẳng học hành. Gia đình ông luôn vui vẻ, hòa thuận, nhiều tiếng cười.
Không chỉ giúp người thân, bạn bè, ông còn tận tình giúp đỡ thế hệ trẻ - lớp con cháu, học trò. Tiến sĩ Phạm Việt Long tham gia giảng dạy báo chí, nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học. Ông có nhiều học trò và học trò đều rất yêu quý người thầy dễ tính, tận tình, chu đáo của mình. Những dịp lễ, tết, kỷ niệm của dân tộc, rất đông học trò đến thăm và chia sẻ về cuộc sống, công việc cùng ông để nhận được những lời khuyên hữu ích. Đặc biệt, các vấn đề như xây dựng và quản lý báo điện tử, các website phục vụ công việc, ông đều tư vấn hiệu quả.
Để có được quỹ thời gian hài hòa cho gia đình, công việc, sở thích, ông đã có được sự ủng hộ, đồng hành của vợ. Thời kháng chiến, ông bà yêu nhau, lấy nhau, cùng nhau đi chiến dịch, xây dựng cuộc sống thời hậu chiến và bây giờ, cùng với con cháu, bà và ông sống vui, sống khỏe. Nhờ tình yêu và ứng dụng CNTT, ông đã giúp bản thân sáng tạo, giúp được cả nhiều người khác.
Dù vẫn còn rất mới, nhà báo Phạm Việt Long tin rằng nếu biết cách sử dụng, khai thác hiệu quả, ChatGPT sẽ thực sự đem lại những thành công thú vị và đáng kể, không nên chỉ coi nó như một trò giải trí và máy móc như nhiều người nghĩ hiện nay.
Theo phụ nữ TPHCM