Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi là một nhà giáo. Từ khi tôi ra trường đến nay đã hơn chục năm. Cuộc sống của tôi chỉ quanh quẩn từ trường về nhà. Quanh chỗ tôi ở, nhà thì bỏ không, kế là quán nước hoặc cơ quan. Nên hầu như tôi ít có hàng xóm. Tôi sống trong một môi trường mà sự chuẩn mực là thước đo. Tôi cũng vốn là người mực thước.
Giờ chồng tôi tiếp xúc với một môi trường mới do công việc, nhiều người, nhiều tầng lớp. Tôi cũng ít nhiều có giao tiếp, hoặc qua những mẩu chuyện kể của chồng tôi về họ, tôi cực kì khó chịu. Tôi thấy ngôn từ của họ không chuẩn mực, đùa giỡn quá lố nhiều khi đến vô duyên. Thậm chí còn có thói quen khích bác, soi mói chuyện nhà của người khác.
Quan trọng là, dần dà tôi phát hiện chồng cũng "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Nào bạn anh nói thế này, bạn anh nói thế kia, em phải như thế nọ... Nhiều khi tôi thấy rất bực mình. Tôi bắt đầu nhận ra khoảng cách giữa tôi và anh.
Vấn đề là tôi luôn có cái cảm giác bực bội vì những thứ không chuẩn mực. Nhiều lúc tự hỏi sao cuộc sống lại có những người như thế? Nếu cứ tiếp tục mọi thứ sẽ đi về đâu? Tôi phải thoát khỏi nỗi phiền phức này bằng cách nào?
Nguyễn Ngọc Hà My
|
Ảnh minh họa |
Hà My thân mến,
Có câu mình không thể thay đổi được điều gì trong cuộc sống xung quanh, không thể thay đổi được những người sống xung quanh, thì mình chỉ có thể thay đổi chính bản thân mình, để mọi việc được tốt hơn, nhẹ nhàng hơn.
Thay đổi mình, xin đừng nghĩ theo hướng tiêu cực, là mình trở nên xấu đi, đồng hóa bản thân, trở nên giống như những điều mình đã từng không thích, và mình đánh mất chính mình.
Thay đổi mình ở đây là nhìn nhận lại mọi việc một cách khách quan, chọn một thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng, đúng mực với những điều mình thấy không phù hợp với mình.
Kể cả, nếu như mình thấy điều đó là xấu, không thể chấp nhận được, thì mình sẽ không chọn cách im lặng chịu đựng, mà thẳng thắn đối mặt với nó, tìm cách thay đổi, sửa chữa nó, hay đẩy nó ra xa khỏi mình.
Nói tóm lại, nếu mình chọn được cách ứng xử tích cực, đúng đắn, mình sẽ không buồn, không ấm ức, khó chịu.
Những điều làm chị khó chịu về các đồng nghiệp của chồng, về những thay đổi của chồng, vì chị không có tình huống và dẫn chứng cụ thể, nên Hạnh Dung khó biết những phán xét của chị là đúng hay không.
Hạnh Dung chỉ có thể nói một điều, rằng trong cuộc sống mỗi người, vô tình hay cố ý đều có những chuẩn mực nào đó của riêng mình. Và thông thường, nhiều người hay áp cái chuẩn mực đó lên cả lời ăn tiếng nói cách sống của người khác.
Mình có thực sự là "chuẩn mực" của tất cả mọi người hay không, điều đó rất khó nói, nếu không biết cụ thể mọi chuẩn mực mà chị đang đặt ra và muốn chồng chị, hay đồng nghiệp của chồng chị tuân theo. Nhưng Hạnh Dung suy đoán từ những điều chị viết, rằng chị đang lấy chuẩn mực của chị để xét đoán người khác.
Trong khi đó, chính chị cũng nhận thấy rằng cuộc sống của chị khá khép kín, quanh quẩn chỉ nhà và trường học, không giao tiếp với bên ngoài nhiều.
Môi trường học đường, nơi chị là một giáo viên, và môi trường gia đình, nơi chị là một chủ nhân, chắc chắn sẽ phần nào có những kỷ luật, tiêu chuẩn mà chị là người được đặt ra, được lắng nghe, được mọi người tuân theo. Có nghĩa, đó là những giao tiếp về mặt đánh giá, nhận xét có phần "một chiều".
Nhưng cuộc sống bên ngoài không đơn giản như vậy. Nó nhiều chiều, nhiều kiểu, nhiều cách, và cũng không tuân theo, đáp ứng mong muốn của một ai đó duy nhất. Đó mới là cuộc sống.
Và khi hòa đồng vào cuộc sống đó, con người ta sẽ phải học cách sống chung, chấp nhận chúng, khi mà chúng chỉ là cách riêng của mỗi người, không phạm vào những chuẩn mực của xã hội.
Bước ra từ gia đình của chị, trong những chuẩn mực của chị đặt ra, chồng chị đã bắt đầu hòa đồng vào cuộc sống khác. Nếu căn cứ vào những gì anh ấy phản ứng với chuẩn mực của chị, thì có thể hiểu được rằng anh ấy đã nhìn nhận những chuẩn mực khác ổn hơn, đúng hơn. Và điều đó làm chị khó chịu.
Hãy lắng nghe anh ấy, thay vì bực bội. Hãy tranh luận một cách công bằng và thẳng thắn, thay vì phán xét. Hãy thử nhìn những vấn đề của cuộc sống bằng cái nhìn nhiều chiều, một trong những chiều đó là chuẩn mực của mình, nhưng cũng hãy xem xét những chuẩn mực của người khác.
Và thay vì nghĩ như một cô giáo, rằng chồng mình đang "gần mực thì đen", chị hãy tìm hiểu xem lý lẽ thuyết phục chồng mình thay đổi như vậy là ở đâu.
Anh ấy không còn là đứa trẻ, không phải là một học sinh để chỉ nghe một bài giảng. Nếu chị không thể thuyết phục được anh ấy sống theo chuẩn mực chị mong muốn, thì chị cũng xem lại thử, mình có khó khăn, có cực đoan quá ở chỗ nào hay không, chị nhé.
Trường hợp chị có nghĩ mấy cũng chỉ thấy mình đúng, không thể chấp nhận được thay đổi của chồng, thì chị vẫn có những lựa chọn tốt hơn, là tránh xa những điều làm mình thấy cuộc sống không thoải mái.
Theo phụ nữ TPHCM