Cô bạn gửi tới một bức ảnh chồng tôi đứng báo cáo giữa hội nghị quốc tế và nhận xét: “Chồng bà xịn nhỉ! Đúng là người có tri thức!”.
Bạn lấy ảnh từ trang Facebook chồng tôi trong khi tôi thậm chí còn không kết bạn với anh. Tôi nhìn chồng đĩnh đạc, tự tin, ngồi giữa bàn tròn với lãnh đạo nhiều cơ quan trong nước và các chuyên gia đến từ nhiều nước... nhưng không hiểu sao nước mắt tôi lại rơi.
Tôi tủi thân và ganh tị với chồng mình. Quanh tôi lúc này là nhà cửa bừa bộn, đứa con 15 tháng tuổi vừa khóc toáng lên vì bị đập đầu vào cạnh bàn.
Khoảng cách giữa hai vợ chồng tôi ngày càng xa. Chồng tôi hơn tôi 4 tuổi. Thời điểm kết hôn, anh là thạc sĩ còn tôi là cử nhân. Nhưng đến hiện tại, khi tôi vẫn dậm chân tại chỗ thì anh đã là tiến sĩ, đang tiếp tục phấn đấu để sang năm sẽ thành phó giáo sư.
Nếu không bàn chuyện học vấn thì chuyên môn và sự nghiệp của anh cũng vượt tôi nhiều bậc. Vì được tích lũy đều đặn qua các năm nên công việc anh tốt dần lên, mục tiêu thăng tiến rất rõ ràng. Ngược lại, tôi ra trường đi làm được vài năm thì nghỉ việc ở nhà trông con, đến nay là đã 10 năm. Thi thoảng, tôi lên mạng để tìm hiểu thì thấy tuổi của mình đã quá tuổi tuyển dụng ở những vị trí công việc cũ.
Nguyên do là tôi cứ lỡ kế hoạch rồi sinh con hết lần này đến lượt khác, đều đặn 2 năm một đứa. Nhiều khi nhìn 4 đứa con, tôi tự nhủ mình đang có một gia tài, phải cố gắng lên. Dù thực ra, cái chữ “gia tài” này cũng là nhiều người nói chứ tôi không cảm nhận được. Mỗi ngày đối với tôi luôn là sự vất vả, bế tắc.
Thu nhập chính trong gia đình tôi là từ chồng. Tôi làm việc dịch thuật, viết bài cho một số nơi, nhưng đầu việc ít, tiền công nhận được cũng không là bao. Chồng tôi dù có công việc tốt nhưng anh lại muốn đầu tư và chỉ đưa cho tôi một khoản thiếu trước hụt sau mỗi tháng. Anh luôn nói cần phải nhìn về tương lai, còn hiện tại thì phải chịu khó nhẫn nhịn, tiết kiệm. Tôi chỉ góp được ít tiền nên cũng không dám ý kiến gì. Nhiều khi thiếu tiền, tôi phải tự xoay xở, vay mượn bạn bè.
Vì những điều khó nói như vậy, tôi luôn có cảm xúc tiêu cực khi ở bên chồng. Tôi trách anh vô tâm, chỉ biết lo sự nghiệp mà không biết đến gia đình. Thế giới của tôi là loanh quanh nơi góc nhà, lo chuyện bỉm sữa. Thế giới của anh là rộng lớn ngoài kia, là những hội thảo, những cuộc họp, những bữa tiệc chiêu đãi trong khách sạn sang trọng...
Anh về muộn, tôi không có quyền trách cứ, vì rõ ràng anh có lý do là đang phấn đấu kiếm tiền cho cả gia đình. Còn tôi, dù muốn ra ngoài một bữa với bạn bè thôi cũng rất khó. Hết đứa nhỏ rồi đứa lớn đều cần mẹ, lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Dù ở bên cạnh con, tôi cũng không khác gì một “kho thuốc súng”.
Tôi tìm đọc trên mạng về những dấu hiệu của hội chứng trầm cảm. Nếu hội chứng ấy có 13 dấu hiệu thì tôi dính đến 8, chỉ là chưa đến mức muốn tự làm đau mình.
Không chịu được nữa, tôi đề nghị anh ngồi xuống nói chuyện. Tôi sa vào than vãn, kể lể về những lần anh vô tâm, về nỗi bế tắc, chán nản với tình trạng của bản thân. Tôi nói muốn đi làm, muốn phấn đấu, nhưng con còn nhỏ quá, đứa nào cũng cần mẹ. Tôi muốn anh tìm ra giải pháp nhưng không những không an ủi vợ, chồng tôi thản nhiên nói: “Em không hiểu sao, đó là lựa chọn của em mà!”.
Tôi im bặt. Câu nói của chồng đập tan mọi hy vọng, khiến bên trong tôi là rất nhiều sự tan vỡ. Tôi thấy mình hoàn toàn bất lực, người đàn ông ấy không hề hiểu gì cho tôi. Tôi mỉa mai hỏi ngược lại: “Anh nghĩ một mình tôi có thể sinh con được chắc?”. Rồi tôi không nói gì tiếp nữa, anh cũng thôi…
Suốt nhiều ngày, tôi cứ nghĩ về câu nói của chồng. Tôi đã luôn trốn tránh rằng hiện thực này là lựa chọn của tôi. Tôi đã không thực hiện kế hoạch hóa gia đình, lần nào tôi cũng nói: “Lỡ thì đẻ!”. Và cái ngày mà tôi quyết định nghỉ việc, chồng tôi cũng từng phản đối. Anh nói anh muốn tôi có công việc để tự tin, vui vẻ hơn, nhưng tôi cứ khăng khăng: “Em muốn ở nhà trông con”…
Với tình cảnh xộc xệch hiện tại, tôi hỏi mình rằng đã bao nhiêu lâu tôi còn không có ý thức chải tóc mỗi sáng?
Chính tôi từng đặt ra kỳ vọng về bản thân, nhưng rồi sự lười biếng, lần lữa, cẩu thả khiến tôi không đạt được. Câu nói của chồng dù chua chát nhưng đúng, mọi thứ xảy ra trong cuộc đời tôi là do tôi lựa chọn. Tôi phải tự chịu trách nhiệm và tự tìm giải pháp, thay vì đổ lỗi và trách móc chồng. Tôi cũng đâu thể đòi hỏi anh bước chậm lại để đợi tôi. Tôi nghĩ, đã đến lúc tìm lớp cho con đi học và lập lại kế hoạch phát triển bản thân...
Theo phụ nữ TPHCM