Anh rất rộng tay giúp đỡ bên nội, còn bên ngoại, anh chẳng hỏi han - Ảnh minh họa

Nhiều người nói tôi có phước vì dịch dã thế này mà kinh tế vẫn ổn. Đúng là tôi may mắn, vì công việc của chồng không bị ảnh hưởng, việc của tôi dù có chút khó khăn nhưng vẫn giữ được 70% lương. 

Trong suốt mùa dịch, cả hai vợ chồng chưa đến nỗi phải vay mượn tiền hay lấy tiền tiết kiệm ra đắp đổi sinh hoạt. Tuy vậy, chúng tôi vẫn có những mối lo canh cánh trong lòng.

Cả hai gia đình nội ngoại, họ hàng chúng tôi đều sinh sống ở TPHCM. Ông bà hai bên đều đã lớn tuổi. Từ khi dịch bùng lên, các thành viên đều hạn chế ra ngoài, chờ có thông tin là tiêm vắc xin đủ đầy. Dẫu vậy, do không làm lụng, buôn bán được như trước nên cuộc sống của người thân đều túng thiếu.

Phía nhà nội, trước kia ông bà sống cùng anh chị hai nên cũng không tốn quá nhiều chi phí sinh hoạt. Mỗi tháng, vợ chồng tôi đều gửi thêm chút tiền để hai ông bà chi xài. Đợt này anh Hai thất nghiệp, vì vậy chồng tôi gánh luôn việc chăm sóc gia đình nội. Anh mạnh dạn tuyên bố chi phí sinh hoạt, điện nước, ăn uống, thuốc thang anh sẽ lo. Chừng nào bớt dịch, anh Hai kiếm được việc làm rồi tính sau.

Chưa hết, anh còn mới đóng cho em gái ruột đang học đại học một khoản học phí không nhỏ. Tôi hiểu tình hình khó khăn nên không cản chồng. Anh cũng làm ra tiền nên chuyện chi tiêu rộng rãi cho họ hàng là điều nên làm.

Nhưng điều tôi buồn nhất là từ lúc dịch tới giờ, anh chưa từng hỏi han hay quan tâm xem bên nhà vợ có cần hỗ trợ gì không. Nhà tôi neo người, chỉ có hai chị em gái, cha tôi lại mất sớm. Mùa dịch này, dù em gái tôi ở bên mẹ suốt, nhưng hai mẹ con không có thu nhập. Tôi là chị lớn, cũng canh cánh trong lòng.

Có mấy lần, biết anh đặt đồ nào tôm, cá, thịt, rau quả các loại giao đến tận nhà nội, tôi tủi thân vô cùng. Đôi lần tôi gợi ý, bảo muốn mua cái này cái kia cho mẹ, anh chỉ ừ à cho qua. Tôi biết anh không muốn, bởi nếu muốn, anh đã hào hứng như cái cách anh làm cho gia đình ruột thịt của mình.

Tuy thu nhập của tôi ít hơn anh, nhưng cũng không đến nỗi tệ. Vậy mà tiền của mình, anh thoải mái giúp đỡ người thân, còn tiền của tôi, anh bảo để xoay xở đồ ăn thức uống cho con, tã sữa, sinh hoạt… Quay đi quay lại, tôi muốn giúp em và giúp mẹ cũng chẳng còn là bao. Trên hết, tôi không muốn phải lén lút giúp đỡ nhà mình. Tôi chỉ hi vọng anh mở lòng mình mà quan tâm đến nhà ngoại một chút.

Một bữa khi nhắn về hỏi thăm nhà, tôi thấy em gái khoe mới nhận được ít đồ cứu trợ từ các anh bộ đội. Con bé vui ra mặt, hào hứng chụp lại từng món khoe tôi. Nào là rau củ, gia vị, gạo trứng… Nhìn hình ảnh ấy, tôi xót xa. Nếu chồng tôi không có điều kiện đã đành, còn đằng này, đều là cha mẹ sinh thành, đều là người thân, nhưng cán cân của anh nghiêng lệch. Một bên được chăm chút nào đồ ngon, đồ bổ, còn một bên, tôi rớt nước mắt nhìn mẹ mình, em gái mình vui mừng khi đón nhận cứu trợ từ người ngoài.

Cái hình ảnh ấy khiến tôi suy nghĩ suốt đêm. Chồng thấy tôi nước mắt vòng quanh thì hỏi. Tôi cũng chẳng nhịn, nói thẳng hết những thứ chất chứa trong lòng. Anh im lặng nghe vợ xả bức xúc. Đêm ấy chúng tôi nằm xoay lưng vào nhau.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy tôi đã thấy em gái báo nhận được quà của anh chị. Thì ra anh gửi đồ ăn cho mẹ, cho em gái tôi. Chưa hết, anh cũng chuyển cho con bé thêm tiền, nói giúp anh chị chăm sóc mẹ. Tôi nguôi giận, thấy chồng cũng chưa đến nỗi. Có lẽ vì trước kia anh vô tâm, còn tôi thì vì ngại nên cứ im im, chẳng đề nghị.

Chỉ mong từ nay chồng tôi hiểu rằng, dù không dư dả, giàu có, dù dịch giã khó khăn thì yêu thương vẫn phải san sẻ với hai bên nội ngoại. Chúng tôi đều vui khi có thể giúp được người thân qua cơn khốn khó. Chỉ cần một chút vô tình, người này sẽ làm người kia chạnh lòng, tủi phận.

Theo phunuonline