Kính gửi chị Hạnh Dung,

Lấy chồng được 2 năm, khi sinh con trai đầu lòng, em đã biết chồng em quý con hơn vợ. Lúc đó em chuyển dạ sinh con gần 20 tiếng, chồng em chờ ngoài khoa phụ sản, thể hiện lo lắng hết sức nhưng nghe báo em sinh rồi, bé mạnh khỏe, anh nhìn mặt con xong là chạy luôn về nhà ngủ bù.

Lúc em từ phòng sinh ra không có một ai, gọi điện thì chồng không bắt máy, em phải nằm trên băng ca ngoài hành lang đợi mấy tiếng đồng hồ mới được chuyển vô phòng. Khi đó em khóc nghẹn.

Nay con em 6 tuổi, đã có thêm em gái, em càng thấy rõ tình cảm của chồng chỉ dành cho các con còn em chỉ như người đẻ thuê. Anh đi làm, chiều về là quấn quýt với con, chở con đi công viên trong khi vợ ở nhà quần quật dọn dẹp nấu nướng. Ăn tối xong, anh mặc kệ vợ lo dọn rửa, cha con cùng chơi game, coi ti vi.

Ngày nghỉ, anh chỉ có 1 chương trình: cả nhà về nội. Em lại tiếp tục nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp, còn mấy cha con thì được cả nhà cung phụng. Anh không cho thuê người làm dù em đi làm xa, nhiều việc.

Vợ chồng em nhiều lần mâu thuẫn trong cách sống, cách nuôi dạy con. Lần mới nhất, anh nói nếu em thấy thiếu thốn, muốn tìm ai khác tốt hơn thì anh sẵn sàng chia tay, giải phóng cho em với điều kiện anh sẽ nuôi cả 2 con.

Em cảm thấy mình bị coi rẻ, xúc phạm. Em chưa nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng thực sự nếu chia tay, em muốn nuôi con. Em biết chắc điều đó sẽ làm anh đau đớn nhưng em là mẹ, em sinh ra chúng, em có quyền, phải không chị?

Khi em nói rõ chuyện này, từ hôm đó tới giờ chồng em có vẻ dè chừng ra mặt. Vợ chồng ly thân, anh đem đồ qua ngủ ở phòng 2 đứa nhỏ. Chuyện nhà càng lúc càng tệ mà em không biết làm sao.

Ngọc Như (TPHCM)

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Ngọc Như thân mến,

Yêu con, chăm lo cho con là ưu điểm của chồng em, nhiều người sẽ nói vậy. Nhưng nếu em đem tình yêu con so sánh với tình cảm dành cho vợ, rồi nhìn thấy sự hơn thua ở đó, mà phần thua thiệt là ở phía mình, nghĩa là em đang biến mọi chuyện thành một cuộc cạnh tranh bất lợi. Kết quả cuộc canh tranh này dù ai thắng ai thua thì cũng đều là thua, em nghĩ kỹ lại coi có phải vậy không.

Tốt nhất là em tập trung tìm cách cải thiện tình cảm vợ chồng, chuyện “chồng không yêu vợ” nên được nhận thức theo cách: chồng chưa thể hiện tình cảm nhiều như vợ mong muốn.

Em có đồng minh là con, các con em là nhịp cầu nối tuyệt vời dẫn vào trái tim chồng em. Em nên trò chuyện với các con nhiều hơn, xem 2 con thích đi đâu, thích gì, rồi thử cùng các con thiết kế một chuyến đi chơi riêng của gia đình vào ngày nghỉ. 2 con sẽ bày tỏ mong muốn, chồng em thương con chắc chắn đồng ý.

Em hãy tận hưởng chuyến đi đó, không nấu nướng dọn dẹp, chỉ dành thời gian chia sẻ với chồng tình yêu thương dành cho con, niềm vui được chơi với con. Em cũng nên nói chuyện với chồng, lắng nghe suy nghĩ của anh về cách nuôi dạy con, những mong muốn của anh dành cho các con. Những chủ đề này đều dễ chia sẻ.

Em đừng vội vàng tranh cãi chê bai, hãy lắng nghe trước. Khi hiểu được suy nghĩ của chồng, em sẽ tìm được cách giải quyết. Các con em ngày càng lớn, chỉ riêng chồng em không thể lo được hết, việc chia sẻ giữa 2 người sẽ thắt chặt mối dây tình cảm gia đình, cân bằng mọi chuyện.

Đừng biến những đứa trẻ thành công cụ để giải quyết chuyện bất hòa giữa vợ chồng. Thay vì vậy, em có thể đề nghị chồng hôm nào đó để 2 con chơi ở nhà nội, vợ chồng có thời gian nói chuyện với nhau trọn vẹn hơn, nhiều hơn. Những chuyện như lần sinh con đầu lòng, em nên kể cho chồng nghe, cho anh hiểu cảm giác của em.

Đàn ông vô tâm, đôi khi không hiểu hết, trong khi mình cứ ghim chuyện trong lòng như một vết thương không liền miệng. Em hãy nói hết ra cho nhẹ lòng. Chúc em tìm thấy và giữ chắc được hạnh phúc trong gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Dung

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Ngọc Tuyết (Huyện Hóc Môn, TPHCM): Chồng chịu dành thời gian cho con là điều đáng mừng

Khá nhiều ông chồng, sau giờ làm việc thường tụ tập, ăn nhậu với bạn bè bên ngoài; nếu có về nhà sớm thì cũng nằm ườn ra giường hoặc sô pha để bấm điện thoại, xem ti vi. Chồng bạn chọn về nhà cùng con chơi game, chở con đi công viên, cuối tuần đưa con về nhà nội… là một hành động tích cực, thể hiện anh ấy là người cha có trách nhiệm.

Mỗi người có cách thể hiện tình cảm khác nhau. Có lẽ anh ấy quan niệm rằng đàn ông chỉ cần ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình, chung thủy với vợ, về nhà giúp đỡ vợ thông qua việc chăm sóc con cái, còn vợ là người tề gia nội trợ. Do đó, việc anh ấy để bạn một mình nấu nướng, dọn dẹp không đồng nghĩa anh ấy chỉ yêu con, không yêu vợ.

Nếu bạn cảm thấy tổn thương về những hành động của chồng, hãy nói chuyện thẳng thắn với anh ấy, nhẹ nhàng nhờ anh ấy phụ giúp một số công việc trong nhà như đổ rác, quét nhà… để có sự chia sẻ từ chồng.

Phi Long (Đức Hòa, Long An): Đề nghị ly hôn chỉ là lời nói nóng giận nhất thời

Tôi nghĩ, đề nghị ly hôn và giành quyền nuôi con là lời nói trong phút nóng giận, có thể bạn đã so sánh chồng mình không biết phụ giúp việc nhà như chồng người khác, nói những lời gì đó khiến chồng tổn thương. Thật tâm anh ấy không muốn gia đình tan vỡ.

Việc anh ấy giành quyền nuôi con không có nghĩa anh ấy chỉ thương con. Chồng bạn chỉ muốn các con không phải xa cách nhau. Hơn nữa, sau đổ vỡ hôn nhân, một phụ nữ không bị ràng buộc bởi con cái sẽ dễ đi thêm bước nữa hơn đàn ông. Thật ra, chồng bạn đã nghĩ cho bạn chứ không hoàn toàn coi rẻ, xúc phạm bạn như bạn nghĩ.

Hãy thẳng thắn chia sẻ những gì bạn nghĩ, nhờ chồng cùng chia sẻ công việc nhà để giảm bớt gánh nặng cho bạn. Thay vì chờ đợi chồng bộc lộ tình cảm, bạn có thể hâm nóng tình cảm vợ chồng thông qua việc thường xuyên nói lời yêu thương, ôm hôn chồng, khen ngợi khi chồng phụ giúp việc nhà. Khi bạn có sự cố gắng, chồng bạn sẽ tự khắc nhìn nhận, cố gắng thay đổi để giữ hạnh phúc gia đình.

Theo phụ nữ TPHCM