Chị Hạnh Dung thân mến,

Em năm nay 32 tuổi, chồng 31 tuổi. Chồng em rất hay chửi và nguyền rủa ba mẹ em, lúc tỉnh cũng như lúc say, thậm chí còn đánh cả em nữa. Anh thường lôi chuyện cũ bị mẹ em đối xử không tốt ra nói, nhai đi nhai lại khiến em rất mệt và tổn thương. Khi uống say, anh cứ đòi đánh người, chửi bới, thậm chí đánh vợ và đập đồ đạc trước mặt con trai.

Giờ ba mẹ em đều đã già, ba em lại bị cưa một chân, sức khỏe rất yếu, chồng em thì ngày càng hung hăng hơn và không coi họ ra gì. Khi rượu vào, anh hay cầm dao đòi giết ba mẹ em, và tự rạch dao vào bản thân, tự đấm ngực mình.

Em muốn kết thúc cuộc hôn nhân này và nuôi con một mình. Thực sự em mệt mỏi lắm rồi, liệu có được không hả chị?

Nat Goengoen

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Nat Goengoen thân mến,

Những hành động của chồng em khiến Hạnh Dung cảm thấy rằng anh ta thật sự cần đến bác sĩ trị liệu tâm lý. Chửi bới vợ, đánh vợ, đập đồ đạc thì cũng nhiều người đàn ông làm như vậy. Tức giận ba mẹ vợ vì từng bị coi thường, cũng không thiếu, nhưng hành động tự rạch dao vào bản thân và đấm ngực, thì lại khiến Hạnh Dung nghĩ chồng em có những vấn đề về tâm lý cần phải được điều trị, giúp đỡ.

Khi Hạnh Dung nói vậy, em đừng vội hoảng hốt. Các nhà tâm lý học nói rằng, hầu như ai cũng sẽ có những vấn đề nào đó về tâm lý, nhẹ hay nặng, quan trọng là có biết kiềm chế và kiểm soát hay không mà thôi. Cuộc sống vốn dĩ có nhiều điều và nhiều chiều áp lực, sợi dây thần kinh của con người thì mỏng manh...

Việc đâm hay rạch dao vào bản thân của chồng em khá giống với triệu chứng của những người mắc hội chứng "Tự hủy hoại bản thân". Họ là những người bị mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực quá lâu, và việc làm mình đau bằng dao hay tự đánh đập bản thân giúp họ giải tỏa nỗi đau tinh thần.

Họ cũng là những người đau khổ hay thất vọng gì đó về bản thân, họ làm đau chính mình để lấy được sự quan tâm của người khác. Họ cũng có thể là người rất cô đơn, cảm thấy mình vô giá trị trong mắt những khác.

Trên đây là vài điều về hội chứng "Tự hủy hoại bản thân" mà Hạnh Dung trích dẫn cho em đọc, để em thử áp dụng nó vào trường hợp của chồng, xem trong tâm lý chồng có những vấn đề đó hay không?

Tìm hiểu sâu xa từ trong quá khứ đời sống của chồng khi còn nhỏ hay khi đã chung sống với em có những gì gây ức chế trong tâm lý của chồng, dẫn đến những hành động khiến em không hiểu nổi và sợ hãi hay không?

Khi em hiểu và thông cảm được, có thể em sẽ có những cách giúp chồng được bình tâm và giải tỏa những ức chế trong tâm lý, để có thể tự kiểm soát, hay có sự giúp sức của em mà kiểm soát được những hành động của mình?

Tất nhiên, một trong những điều quan trọng nhất là em cần phải làm sao bảo vệ sự an toàn của cha mẹ già, bản thân và con cái. Vì điều này chỉ mình em có thể quyết định được nên làm gì ngay và luôn bây giờ, người ngoài khó lòng chỉ dẫn, khuyên nhủ, khi không biết cụ thể mọi mặt của cuộc sống gia đình em.

Ly hôn hay tiếp tục sống chung, chỉ an toàn khi em có cách nào đó kiểm soát và hạn chế những vấn đề tâm lý bất thường, hung hăng và bất cần của chồng. Hãy tìm đến mọi sự trợ giúp có thể, và hãy thật sự khôn ngoan, bình tĩnh, đừng để bất cứ quyết định nào có thể đẩy tới cao trào không kiểm soát được của sự bất ổn trong cảm xúc của chồng, là điều vô cùng quan trọng lúc này.

Theo phụ nữ TPHCM