Chị Hạnh Dung thân mến,
Cuộc sống của tôi là một vòng lẩn quẩn. Tôi muốn thoát ra nhưng lại cứ thấy tội với 2 đứa con. Chồng tôi hầu như ai rủ đều lẹ làng đi nhậu. Ngày nghỉ là anh nhậu từ sáng cho tới tối mịt mới về.
Mỗi lần về, anh năn nỉ ỉ ôi vài câu là lăn ra ngủ. Nếu hôm sau tôi còn giận hờn thì anh ấy sẽ kiếm chuyện, to tiếng với tôi. Tôi vì còn thương chồng, lại tội con nên đã nhiều lần bỏ qua.
Riết rồi tôi có cảm giác mình bị xem thường quá mức. Có lần, tôi đưa tờ đơn ly hôn, anh ta năn nỉ, bỏ nhậu được chừng 2 tuần thì lại chứng nào tật nấy. Nếu thật sự thương một người, mình sẽ không bao giờ để cho người đó phải buồn, phải khóc.
Tôi sẽ không bao giờ đứng sau những tiệc nhậu của anh. Bạn nhậu anh, tôi nói chạm đến một câu không được. Tôi muốn chấm dứt mọi thứ. Tôi muốn bản thân tôi được tôn trọng. Chị cho tôi một lời khuyên đi chị Hạnh Dung.
Kim Ngọc
|
Ảnh minh họa |
Chị Kim Ngọc thân mến,
Đúng đấy chị, nếu thật sự thương một người, mình sẽ không bao giờ muốn người đó phải buồn, phải khóc vì mình. Và như vậy, chị cần xác định một điều rõ ràng: chồng chị có thật sự thương chị, thương con chị hay không, để có thể quyết định được mọi việc một cách dứt khoát, trước khi cuộc sống của mẹ con chị bị hủy hoại hoàn toàn bởi chuyện nhậu nhẹt của anh.
Để xác định được điều này, chị cần thể hiện cho chồng thấy rõ sự mệt mỏi vượt quá giới hạn chịu đựng của chị. Chồng chị cần biết rằng việc năn nỉ, ỉ ôi không còn tác dụng nữa, và anh ấy phải lựa chọn giữa chị và chuyện nhậu, bạn nhậu.
Nếu chị cứ bỏ qua hết lần này đến lần khác, chồng chị sẽ hiểu rằng chị còn chịu đựng được, sẽ chẳng có gì đáng sợ xảy ra hết. Nếu mọi việc dễ dàng thế, thì việc gì phải bỏ một thói quen đang làm anh ấy thích thú, và anh sẽ tiếp tục nhậu, vì biết sẽ lại được bỏ qua thôi.
Có thể là chị đã làm hết những điều này: năn nỉ, khuyên can, nói nhỏ nhẹ, chỉ ra những tác hại của rượu với gia đình, với sức khỏe... Nhưng dù sao, hãy xem lại một lần nữa, rằng chị đã làm đúng cách hay chưa?
Đừng bao giờ cằn nhằn hay năn nỉ khi chồng chị không tỉnh táo. Hãy chọn lúc nói chuyện bình tĩnh nhất, để anh hiểu rằng chị đang nói bằng lý trí chứ không phải là chuyện cằn nhằn thông thường. Hãy kiên nhẫn, hết sức kiên nhẫn thêm một thời gian, nhưng phải có giới hạn về thời gian đó.
Có một điều nhỏ trong bức thư của chị khiến Hạnh Dung nghĩ rằng chị chưa làm hoàn toàn đúng cách. Đó là việc chị nói "chạm" đến bạn nhậu của chồng chị. Chồng chị nhậu là do ý muốn của anh ấy, chứ không phải do bạn anh.
Nói xấu, nói nặng những người bạn nhậu của chồng không giúp chị giải quyết vấn đề. Với chồng chị, đó là một cách gián tiếp chị mắng chửi, sỉ nhục anh (chứ chẳng phải anh ấy yêu thương hay tôn trọng bạn mình đâu).
Hãy đưa ra cho chồng những thỏa thuận cụ thể, về việc hai người sẽ xử lý vấn đề này ra sao, nếu chồng tiếp tục lặp lại chuyện này. Cho chồng tự nguyện chọn hình thức giải quyết vấn đề khi anh đang tỉnh táo. Nếu anh ấy tái diễn thì chị cứ thế mà thực hiện.
Nếu đã làm tất cả những điều Hạnh Dung vừa liệt kê, mà mọi việc vẫn không thay đổi, thì khi đó, chị đã có thể kết luận chồng có thương yêu chị, con chị hay không?
Chị cũng có thể thấy rõ ràng cuộc sống của chị sẽ mãi mãi như thế hoặc tệ hơn, khi sống với một người không coi trọng gia đình, một người không cần đến những cơ hội chị trao cho để có cuộc sống đàng hoàng, tử tế.
Khi đó, chị hãy tự thương lấy bản thân, thương cả con mình nữa. Sống với một người cha rượu chè và một người mẹ đau khổ, chẳng đứa con nào hạnh phúc cả.
Theo phụ nữ TPHCM