Chị Hạnh Dung kính mến,
Em năm nay 38 tuổi, ly hôn được gần nửa năm và hiện sống với ba mẹ ruột. Con gái em học lớp Năm, chọn sống với ba. Đây hoàn toàn là ý nguyện của cháu và chúng em tôn trọng.
Những năm con còn nhỏ thì em hy sinh ở nhà nuôi con cho anh chăm lo sự nghiệp, đến khi con bắt đầu đi học - bắt đầu có ký ức thì thời gian này anh lại gần gũi chăm sóc, đưa đón con cho em trở lại công việc, phấn đấu vì sự nghiệp.
Có lẽ vì vậy mà cháu có cảm giác gần gũi với ba hơn mẹ. Chuyện ly hôn và để con gái theo ba khiến em chịu không ít điều tiếng không hay của người xung quanh.
Từ ngày một mình nuôi con (anh chưa có người mới), anh hay bóng gió nói xấu em trên trang cá nhân. Nghe sinh viên kể lại (anh là giảng viên đại học), những khi lên lớp, anh còn tranh thủ kể chuyện nhà, lồng ghép những chuyện tiêu cực về em để minh họa cho bài giảng.
Những cuộc nhậu với bạn bè hay tâm sự cùng đồng nghiệp, anh cũng không chừa cơ hội nào để nói xấu em, khiến mọi người hình dung em là loại phụ nữ thực dụng, lăng loàn, vô trách nhiệm, ham hư danh bỏ chồng con.
Em rất bức xúc nhưng không biết giải quyết thế nào. Em cũng lo với tâm trạng oán trách, hằn học như vậy, anh sẽ gieo vào đầu con những suy nghĩ không tốt về mẹ. Giờ em phải làm sao?
Kim Thanh (Đồng Tháp)
|
Ảnh minh họa |
Em Kim Thanh thân mến,
Chuyện của em liên quan đến văn hóa hậu ly hôn mà ngày nay nhiều người hay đề cập. Trong thư em không chia sẻ về nguyên nhân chia tay, nhưng dù lý do gì, có lẽ thời gian sau ly hôn còn khá ngắn - chỉ mới vài tháng - nên đôi bên vẫn chưa lấy lại được trạng thái cân bằng khi bắt đầu một hành trình mới.
Riêng với chồng em, anh ấy còn phải gánh vác trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con gái. Có thể vết thương lòng và áp lực mới khiến anh có những hành vi thiếu chuẩn mực. Nói như vậy không phải bênh vực việc chồng cũ nói xấu vợ cũ, nhưng Hạnh Dung mong em nhìn sự việc một cách đa chiều để sáng suốt tìm ra giải pháp.
Người xưa có câu “thanh giả tự thanh”. Nhân cách em ra sao, lối sống thế nào, tự nhiên người khác sẽ hiểu, không hiểu bây giờ thì mai này cũng hiểu. Trong trường hợp này, em không cần phải thanh minh hay cải chính ở bất kỳ kênh nào; vì càng thanh minh, có khi càng phản tác dụng, khiến thiên hạ thêm chú ý xì xào chuyện của mình.
Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, dù ở góc độ nào, người trong cuộc vẫn có phần trách nhiệm, đừng đổ lỗi cho một phía. Thanh minh cho mình rồi vô tình đẩy tiếng xấu trở lại cho người cũ - đó hoàn toàn không phải cách xử lý tốt trong tình huống này. Hãy im lặng và cố gắng sống đàng hoàng, tử tế, chuẩn mực hơn nữa. Rồi thời gian sẽ trả lời tất cả.
Về phía chồng cũ, em cũng đừng vì hành xử của anh mà lơ là trách nhiệm cấp dưỡng cũng như kết nối với con gái. Với con, em cứ hãy dành tất cả tình cảm để con không cảm thấy thiếu thốn tình thương. Dù ba có nói xấu mẹ, nhưng mẹ không bao giờ nói xấu ba, luôn quan tâm thăm nom, liên lạc, chia sẻ vui buồn và bên con khi con cần. Con em đã lớn, cháu sẽ có suy nghĩ và nhận định của bản thân, em không cần quá lo.
Trong trường hợp chồng cũ làm quá lố, nhiều lần công khai bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của em trên mạng xã hội hoặc nơi đông người, em nên thu thập, lưu lại bằng chứng, đề nghị anh chấm dứt. Nếu anh ấy vẫn tiếp tục, em có thể làm việc với cấp trên, đề nghị đoàn thể tại cơ quan anh vào cuộc, nhắc nhở.
Thậm chí, nếu hành vi của chồng cũ đến mức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của em thì em có quyền nhờ pháp luật can thiệp. Tùy mức độ, tình hình mà em lựa chọn giải pháp, sao cho nhẹ nhàng và hiệu quả nhất, vì dù gì các em vẫn có chung 1 bé gái cần chăm lo. Dù không còn là vợ chồng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa ba và mẹ vẫn rất quan trọng, có lợi cho sự phát triển của con, em nhé.
Theo phụ nữ TPHCM