leftcenterrightdel
Két sắt chứa tài sản tích góp cả đời của vợ chồng, quản lý thế nào cần sự đồng thuận của cả hai (Ảnh minh họa)

Thông tin về người chồng đục két sắt nhà mình, lấy đi số tiền lớn để trả nợ, ăn chơi hoang phí khiến nhiều người giật mình. Nhiều người tự hỏi, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chồng lấy như vậy có bị xem là tội phạm? Liệu người chồng có bị truy tố hình sự? Liệu luật pháp có giúp vợ thu hồi tài sản?

Pháp luật xã hội công bằng, xét đúng người đúng tội nhưng mỗi gia đình cũng có “luật” riêng, do vợ chồng tự ngầm hiểu với nhau. Tiền chung do vợ (chồng) quản lý, sẽ chi ra khi hợp lý. Chồng cần thì nói vợ đưa, kiểu lén lút đục két sắt nghe có vẻ… rất giống tội phạm. Tư cách người chồng có vấn đề, hoặc hôn nhân có vấn đề nên chồng mới hành xử kiểu vậy.

Gia đình chị Lành bạn tôi là một ví dụ. Anh Thành chồng chị kinh doanh xe máy cũ, còn chị mua xoài ở nhà vườn mang ra chợ bán. Anh Thành chê vợ "lụm bạc cắc" nên không ủng hộ.

Việc mua bán ngày càng phát triển, chị Lành mở vựa thu mua tại nhà. Công việc không xuể, chị thuê thêm hơn chục công nhân phụ giúp. Thấy vợ ăn nên làm ra, anh Thành mới chịu phụ một tay. Mỗi khi chị Lành bận kiểm hàng, giao hàng, anh phụ trách thu chi. Két sắt của chị Lành chỉ mỗi chồng chị có chìa khóa. Nhiều lần chị Lành phát hiện số tiền trong tủ không khớp với sổ sách, nhưng vì chỉ là con số nhỏ nên chị cho qua, nghĩ chắc nhầm lẫn đâu đó.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng mất lòng tin vào nhau, hạnh phúc sẽ chông chênh (Ảnh minh họa) 

Chị Lành rất rộng lượng với chồng. Mỗi khi anh Thành ra ngoài, chị dúi cả xấp tiền dằn túi. Nhà nội có việc, chị chi bộn tiền để anh đẹp mặt. Nhà nội và bạn bè anh vẫn hay khen chị “biết điều, giỏi hết phần thiên hạ…”.

Bữa anh Thành vắng nhà, ngăn tủ riêng của anh không khóa. Tò mò mở xem, chị tá hỏa khi thấy số tiền mặt hơn 300 triệu đồng. Đương nhiên chị tịch thu trước rồi nói chuyện sau.

Anh Thành gãi đầu gãi tai phân bua: “Tui cũng cần ít tiền phòng thân chớ”. Chị Lành không chấp nhận lý do đó, bởi tiền chị đưa không bao giờ ít hơn anh yêu cầu. Sau việc đó, chị Lành bắt đầu đề phòng chồng. Nhưng số lượng tiền ra vào mỗi ngày rất lớn, chị không tránh khỏi sơ suất.

Bữa có người phụ nữ tới tìm anh Thành to nhỏ. Lát sau, hai người xảy ra cự cãi. Anh Thành ngoắc vợ: “Bà giải quyết vụ này giùm tui. Bả vay của tui 500 triệu đồng mà cù nhây hoài không trả, giờ đòi vay thêm”. Chị Lành chưng hửng. Thì ra anh Thành lấy tiền nhà cho vay, còn dặn người kia “không được để vợ tui biết”. Người ta biết rõ đó là quỹ đen của anh Thành nên mới giở trò.

Hai lần bị chồng qua mặt, chị Lành… bó tay. Điều chị buồn là tại sao chồng phải lén lút giấu giếm tiền riêng. Anh "khôn" ở chỗ không lấy một lần, mà rút đều đặn, nhỏ giọt, tích thành số tiền lớn nên chị chẳng hay.

Nghe tin chồng nhà người ta đục két sắt, lấy đi hết tiền dành dụm, chị Lành phấp phỏng lo. Bởi nếu anh Thành lỡ dại bài bạc hoặc "nuôi gái" thì không cần đục két sắt, vẫn có thể đường hoàng lấy sạch tiền. Chị Lành kể với tôi, giờ rất muốn đổi mật khẩu két để "khóa tay" anh Thành, nhưng chị lo anh tự ái, lo vợ chồng lục đục. Còn để vậy thì chị chẳng yên lòng.

Vợ chồng nghi kỵ nhau, mất lòng tin vào nhau, chắc chắn tình thương đã rạn nứt. Sống cùng nhà mà phải đề phòng lẫn nhau sẽ ngột ngạt vô cùng.

Tôi khuyên chị Lành nên cởi mở với chồng, tìm hiểu xem tại sao anh phải thủ riêng. Có thể anh không có cảm giác an toàn. Hoặc anh muốn làm ăn riêng để không phụ thuộc vợ… Cởi được nút thắt đó, chị và anh mới có thể dung hòa.

“Luật” riêng của mỗi gia đình cũng phải công bằng, xem xét yếu tố cá nhân để mỗi người đều thấy bình đẳng, thỏa đáng. Có như thế các thành viên mới tự giác tuân theo “luật”. Khi ai đó xé rào, e rằng “luật” chưa bám sát đời sống. Người cảm thấy bị thiệt thòi, oan ức… nên tìm cách lách “luật”. Xây dựng “luật” trên cơ sở đồng thuận của các thành viên là cần thiết, bởi “luật” gia đình được gìn giữ không phải bằng hình phạt, mà bằng sự tự giác, ý thức vun vén của cả hai vợ chồng.

Theo phunuonline