Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi có người chồng tốt, anh rất hiền, sống rất tình cảm, yêu thương gia đình, vợ con. Thu nhập của anh và tôi như nhau, cả hai vợ chồng gom lại cũng được khoảng 50 triệu một tháng.

Nếu chỉ là gia đình tôi, nghĩa là vợ chồng và 2 đứa con, thì số tiền này không chỉ đủ chi tiêu mà còn có khoản dư để dành. Thế nhưng sống chung cả 10 năm nay, mà chúng tôi không dư đồng nào, cũng vì anh quá thương cha mẹ, anh em của anh. Tôi không lên án điều này vì nó không sai, hơn nữa anh cũng đối xử tốt với cha mẹ, anh em tôi. Nhưng cách anh chiều chuộng gia đình anh quá vô lý thì tôi khó chấp nhận.

Ngày trước, chúng tôi ở chung với gia đình chồng. Mẹ chồng và em chồng luôn hà hiếp tôi. Lúc đó anh nói rằng anh biết mọi người sai với tôi, nhưng anh không thể cãi mẹ, làm buồn lòng gia đình. Anh chỉ xin tôi ráng chịu đựng.

Cuối cùng thì ba mẹ tôi cũng vì thương tôi, thương anh nên cho chúng tôi tiền mua nhà riêng để tôi được sống thoải mái theo ý mình mà chồng tôi thì cũng nhẹ lòng. Thế nhưng đã ra ở riêng, tôi cũng chẳng yên với bên chồng. Nay họ đòi cái này, mai họ yêu cầu cái kia. Biết nhà tôi khá giả, họ liên tục vòi vĩnh và muốn kiểm soát thu nhập của chồng tôi.

Hôm qua, khi biết chồng lén vay tiền lên tới nửa tỉ để trả nợ cờ bạc cho em gái, vì mẹ chồng khóc lóc, đòi tự tử, tôi không còn muốn chịu đựng thêm nữa. Tôi nói với chồng một cách mạnh mẽ rằng, nếu anh tiếp tục sống phụ thuộc vào gia đình anh thế này thì tốt nhất là chúng ta ly hôn.

Không ngờ anh nói: "Nếu em thương anh thì xin em ráng chịu đựng cùng anh. Ba mẹ dù sao cũng là ba mẹ, ba mẹ cũng chẳng sống cả đời với mình được, còn báo hiếu được lúc nào thì anh phải làm lúc đó. Anh không thể bỏ ba mẹ được, không thể làm ngơ được. Còn nếu em không chịu được thì mình đành chia tay. Anh cũng không muốn làm em khổ hơn nữa".

Bây giờ tôi không biết nên xử trí ra sao? Có phải là anh biết tôi không thể bỏ anh nên anh nói cứng như thế, hay là với anh thì tôi và con không bao giờ có thể so sánh được với mẹ và gia đình anh?

Vũ Hà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Vũ Hà thân mến,

Câu hỏi của chị với ngầm ý muốn biết sự so sánh trong lòng anh "ai hơn ai?" là sai rồi chị. Hạnh Dung có thể chắc chắn với chị một điều rằng, anh chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi như vậy cho mình đâu. Anh chỉ có thể nghĩ được một điều, rằng anh không thể buông tay nhìn mẹ mình vật vã, khóc lóc, đòi hỏi. Anh sợ sau này có gì đó khiến mình phải ân hận.

Cũng không loại bỏ điều chị nghĩ, rằng anh biết chị sẽ không bao giờ rời bỏ anh vì chị cũng đã có đến 10 năm cảm thông và chấp nhận. Vì thế mà anh thử nói cứng như vậy, để qua được tình huống khó khăn lúc này.

Anh biết chị có thể giận đó, có thể nói chuyện chia tay đó, nhưng về cơ bản, chị vẫn hiểu lỗi lầm của anh không có gì là quá nặng nề. Chỉ là anh yếu đuối và bế tắc không có cách giải quyết tốt hơn.

Cũng có thể, như chị nghĩ, nhưng điều này Hạnh Dung mong là không đúng, anh nghĩ rằng chị có gia đình, chị vững vàng và được yêu thương, chị không thể gục đổ. Còn phía anh, mẹ và gia đình không có anh, thì họ sẽ thế này thế kia thế nọ. Và anh đành chọn lựa quyết định mà anh nghĩ có thể ít tổn thất nhất.

Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa thì anh cũng sai trong cả trường hợp 1 lẫn trường hợp 2. Anh không nhìn thấy sự hy sinh, tổn thương và ngưỡng chịu đựng của chị.

Anh cũng không hiểu rằng gia đình anh, với cách sống sai đó, đang tự chìm xuống. Còn anh thì tự nguyện chìm theo họ, bỏ mặc những người yêu thương anh thực sự, là vợ và con anh. Vì cái tình thương yêu không lý trí, không suy xét đó, mà anh lại chấp nhận đánh mất gia đình nhỏ thân yêu của mình, là anh sai rồi.

Người xưa có bài hát "Giận thì giận, mà thương thì thương... Anh sai đường em không chịu nổi...". Biết anh sai, nhưng cái sai đó không phải là cái sai về đạo đức, về lòng chung thủy với vợ con. Biết anh vẫn là người chồng tốt... Nỡ nào chị để cho gia đình mình phải tan vỡ?

Giờ đây, chị có 2 cách để giúp anh và cũng là giúp mình: Hãy phân chia tài chính gia đình cho rõ ràng: phần nào chi tiêu, phần nào để dành, mỗi người đóng góp bao nhiêu... Phần còn lại của anh để anh được tự do giúp ba mẹ trong khả năng đó của anh.

Tuy nhiên, hãy nhắc anh rằng anh nên sáng suốt và minh mẫn trong việc giúp cha mẹ. Báo hiếu nằm ở việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và vật chất của cha mẹ, chứ không phải là chiều theo mọi ý thích vô chừng của người thân. Điều đó chỉ hại họ.

Cũng như việc anh trả nợ cờ bạc cho em gái, hãy phân tích để anh hiểu rằng đó chính là sự tiếp tay cho thói hư tật xấu đó phát triển. Chị nên khuyên và giúp anh cứng rắn cả về ý chí lẫn tình cảm với những trường hợp như vậy.

Còn với khoản nợ anh đã tự vay, chị hãy để anh tự trả, bằng cách của anh, không được để ảnh hưởng tới đời sống gia đình. Tuy nhiên, chị cũng hãy luôn kiểm soát và hỗ trợ tinh thần anh trong việc này, để không xảy ra những điều tệ hại hơn.

Anh không mạnh mẽ thì chị cần phải mạnh mẽ. Hãy khéo léo dẫn dắt, góp ý, khuyên bảo, thậm chí là ra mặt cứng rắn một phần nào đó (có kiểm soát để nằm trong khuôn khổ lý lẽ) với nhà chồng, để giữ gìn gia đình nhỏ của mình, chị nhé.

Theo Thanh niên