Chị Hạnh Dung kính mến,

Chồng em có một cái tật rất lớn khiến tụi em không thể kết nối được với nhau là tật hay đổ lỗi. Chuyện gì xảy ra cũng đổ lỗi cho vợ, dù việc đó thật sự có khi chẳng liên quan gì đến vợ.

Kiểu như hôm trước, em phát hiện anh nhắn tin nói chuyện với người yêu cũ và tức giận, thì anh nói là vì cãi nhau với em, do em làm anh buồn, bức xúc, nên anh mới nghĩ tới người yêu cũ mà nhắn tin với cô ta.

Mà không phải chỉ những chuyện lớn như vậy, cả những sinh hoạt nho nhỏ trong nhà, khi em chỉ ra những điều sai của anh, thì anh không bao giờ chấp nhận chuyện mình sai, mà luôn quật ngược lại là do em.

Thí dụ anh làm vỡ cái ly, cái bát thì không phải do anh vô ý, mà là do em tự dưng để nó không ở chỗ anh thường thấy. Nếu anh không tìm ra cái áo cái quần, thì là do em xếp không đúng theo thói quen của anh. Con bị ho là do em không biết cách chăm sóc con, chứ không phải do anh cho con ăn kem khi trời lạnh....

Ngay cả những chuyện lớn hơn, như là chọn nơi đi du lịch, nghỉ mát, chọn trường học cho con, mua xe, mua nhà, mua đất... Bất cứ chuyện gì khi có vấn đề, là anh nói rằng do em bàn và quyết định sai.

Nhiều lần cãi nhau về những chuyện như vậy, em không thể chịu đựng được sự vô lý của anh, và thấy rằng nếu không tìm đúng nguyên nhân của sự việc, thì vấn đề không bao giờ được giải quyết triệt để. Em ngày càng thấy khó chịu, thất vọng về chồng mình: một người đàn ông không dám chịu trách nhiệm về bất cứ chuyện gì.

Riết em hết muốn nói chuyện với chồng, hết muốn cùng chồng bàn bạc chọn lựa góp ý bất cứ điều gì, việc gì. Nhưng như vậy cũng không làm cho mọi việc tốt hơn, khi chồng em vẫn đổ rằng do em không có ý kiến gì...

Em phải làm sao để xử tật xấu này của chồng đây chị? Bởi vì ngoài điều này ra thì anh là người chồng tốt, rất quan tâm gia đình, yêu thương con cái và biết cư xử với ba mẹ, anh chị của em. Nên em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ly hôn.

Mỹ Hằng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Mỹ Hằng thân mến,

Lời kết thúc bức thư của em khiến Hạnh Dung vô cùng nhẹ nhõm và yên tâm trò chuyện, đưa ra lời khuyên cho em. Quan trọng nhất nằm ở đó: Dù có bao nhiêu điều khiến em khó chịu đi chăng nữa, thì em cũng không muốn ly hôn, và vẫn luôn nhìn thấy những mặt tốt của chồng.

Như vậy thì, câu đầu tiên có thể "an ủi" sự tức giận của em, là "nhân vô thập toàn", làm gì có ai hoàn hảo ở trên đời, phải không em? Người được cái này, chắc cũng sẽ mất cái kia. Những điều quan trọng nhất, cần thiết nhất cho việc xây dựng một mái ấm gia đình, thì chồng em đã có, là được rồi.

Tính hay đổ lỗi này chẳng phải mình chồng em có. Rất nhiều người chọn cách này để cảm thấy mình bớt đi được những gánh nặng tâm lý. Nó có thể đã hình thành từ rất lâu, trong những nếp sống cũ, ảnh hưỡng cũ với gia đình riêng, từ cha mẹ, anh em, khi còn nhỏ...

Cho nên sửa chữa nó là điều hết sức khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung của người cùng chung sống. Để có thể bắt đầu sửa chữa nó, hay đúng hơn là sửa chữa tình trạng hiện tại, em cần phải có được tinh thần "chấp nhận" những gì đang có, dù mình không hề thích điều đó.

Sau nữa, khi bất kỳ sự việc nào xảy ra, em hãy cố gắng hướng sự tập trung của cả em và chồng vào việc giải quyết vấn đề đó, chứ không phải là tranh cãi xem ai là người có lỗi. Để cho sự việc đã qua, lắng lại thì hãy ôn tồn phân tích cùng chồng một cách cặn kẽ hơn, xem nguyên nhân phát xuất của những vấn đề đó nằm ở đâu.

Cách em chọn hiện nay "tránh né" bàn cãi, chia sẻ các vấn đề với chồng thực chất là một cách hết sức tiêu cực. Bởi vì còn những vấn đề lớn trong gia đình, không thể để một người quyết định được.

Chỉ có điều, việc bàn bạc, chọn lựa cách giải quyết vấn đề cần phải được thực hiện trong một tinh thần hết sức rõ ràng: cả hai bên đều có thể nói thẳng, nói rõ, và có lý lẽ cho những ý kiến của mình. Kể cả khi "chốt hạ" được điều gì, thì cũng phải có phần "note" cùng nhau: đây là ý kiến quyết định chung của hai người, cả hai đều cùng đồng ý về việc này.

Hay thậm chí, nếu một người phải đồng ý với sự quyết đoán của người kia, thì việc đó cũng nên được nhấn mạnh và thể hiện rõ phần trách nhiệm của người đó, cộng với sự đồng lòng chịu trách nhiệm về mọi điều.

Gia đình là một nơi có nhiều thành viên chung sống cùng nhau, dù yêu thương nhau đến mấy thì cũng không phải lúc nào cũng nhìn cùng một hướng, nghĩ cùng một nhịp. Nên hãy cứ bỏ qua cho nhau, linh hoạt trong xử lý các vấn đề chung, tin tưởng vào nhau, và bao dung cho nhau, em nhé.

Theo phụ nữ TPHCM