Chị Hạnh Dung kính mến,

Em vốn giỏi việc nhà nên lâu nay vẫn quán xuyến mọi thứ. Nhưng đến khi sinh con thứ ba, em dần trở nên căm ghét sự lười biếng của chồng.

Mỗi ngày anh thức dậy, vươn vai một cái, nói: “Mệt quá, không nhúc nhích nổi”. Vì anh nói “mệt”, nên mọi người luôn nghĩ sức khỏe anh yếu. Ba mẹ chồng em rất lo lắng và hầu như miễn trừ mọi trách nhiệm gia đình với anh. Dù sống gần ông bà, nhà có việc gì anh cũng “thoát”.

Mỗi lần về nhà chồng, em đều bị hỏi thăm như người có trách nhiệm chính với sức khỏe của chồng. Mẹ chồng em hay hỏi em “có mua thuốc A, có làm món ăn B” cho chồng không. Bà hay so sánh chế độ dinh dưỡng của người này người kia với chồng em, ý nói anh cần được chăm sóc nhiều hơn. Thậm chí, nếu vợ chồng em cùng có mặt thì mẹ chồng sẽ sai em đi bê hàng nặng.

Nhà chồng ở sát bên, thành ra, em vừa gánh vác công việc trong gia đình nhỏ 5 người của mình, vừa phải làm “người đàn ông" của ba mẹ chồng. Lâu ngày, em ghét và coi thường chồng. Mỗi lần anh than mệt là em muốn bỏ chồng quách cho xong.

Em đã rất nhiều lần góp ý với anh, nhưng hễ bị nói đến là anh lại… làm ra vẻ mệt mỏi. Phải nói là hết thuốc chữa chị ạ. Em thực sự rất mệt nhưng không bao giờ được phép nghỉ ngơi. Em làm sao sống như vậy đến hết đời được.

Ngọc Hoa (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Ngọc Hoa mến,

Sống với nhau lâu ngày, chắc những điều em hiểu về sự mệt của chồng là đúng. Em cũng đúng khi nói không thể sống như vậy cả đời. Vậy ta cần rốt ráo chữa bệnh lười cho chồng, thay vì sống chung trong ấm ức.

Trước hết, hãy giả định rằng chồng em mệt thật để giải quyết, thay vì tấn công vào sự lấp liếm của chồng. Nếu tấn công vào sự lấp liếm đó, em sẽ rơi vào thế đối đầu, mọi sự sau đó khó mà suôn sẻ.

Tiếp đó, em hãy chia sẻ với chồng về thực tế quá tải của em. Hãy kể cho chồng về những công việc hằng ngày em phải gánh và cảm giác mệt mỏi, đuối sức, thậm chí là bất bình của em.

Nên nhớ là “chia sẻ", thay vì than thở, vì ta đang trong kế hoạch “chữa" bệnh mệt của chồng. Đây là cơ hội để chồng nhìn nhận những vất vả vợ đang gánh chịu. Hạnh Dung tin rằng chồng em ít nhiều sẽ chột dạ, thậm chí xót xa về gánh nặng nơi em.

Sau khi chia sẻ, em hãy bày tỏ mong muốn anh phải thật khỏe mạnh để cùng em gánh vác gia đình và hơn nữa là để có thể sống thật lâu dài cùng nhau. Vì vậy, chồng cần đi kiểm tra sức khỏe để biết mình đau ốm ở đâu, điều trị thế nào, cần điều chỉnh những gì trong sinh hoạt, ăn uống để đảm bảo thể chất khỏe mạnh. Hãy thể hiện quyết tâm cải thiện thể lực của chồng, đồng nghĩa với kế hoạch khám, chữa bệnh cho anh ấy.

Việc khám bệnh định kỳ là cần thiết với mọi người. Dù sự mệt của chồng em là giả hay thật, anh ấy cũng cần gặp bác sĩ để hiểu sự thật về thể trạng của mình. Sau khi khám bệnh xong, em và chồng có thể dựa vào đó để bàn kế hoạch cải thiện thể lực (nếu có), và phân chia những việc mà anh có thể gánh vác.

Cứ thế, dựa vào kết quả khám bệnh định kỳ từng giai đoạn, em và chồng phân chia trách nhiệm cùng nhau. Trên cơ sở này, ít nhất, chồng em không thể viện cớ “mệt" được nữa. Vén được tấm màn “mệt" phủ xuống gia đình lâu nay, mọi thứ sẽ sáng rõ hơn và em sẽ dễ “xử" hơn với sự lười biếng của chồng.

Xin chia sẻ thêm, sự lười biếng có một quán tính rất mạnh mẽ. Nếu gặp cơ hội thuận lợi, nó sẽ phát tác mạnh. Cụ thể là khi em còn gánh vác tốt thì người chồng lười giống như gặp đà để “càng lúc càng lười". Và quán tính sống của anh ấy trong gia đình sẽ là quán tính trốn việc, quán tính lấp liếm cho sự trốn việc của mình.

Chính vì vậy, ta cần bày thực tế ra trước mắt họ, thậm chí phải bày sao cho thật ấn tượng, để họ “không thể ngó lơ" thì may ra sẽ đánh động trách nhiệm và cả lòng trắc ẩn nơi họ. Sau khi đánh động trách nhiệm tạm thời, phải nhanh chóng “kế hoạch hóa" sự phân chia công việc. Biến những thay đổi tức thì của họ thành một kế hoạch dài lâu bằng cách phân công công việc, cố định trách nhiệm để họ ý thức mạnh mẽ về việc họ cần làm.

Theo phụ nữ TPHCM