Kính gửi chị Hạnh Dung,
Tôi đang làm nhân viên văn phòng của một bệnh viện tư. Lương hiện tại là 8 triệu đồng. Công việc khá nhàn vì tôi chỉ phải tiếp xúc, làm việc với giám đốc, phòng tôi làm cũng riêng, được ngồi một mình. Các phòng xung quanh chị em đều vui vẻ, thân thiện, thoải mái.
Thế nhưng gần đây, chồng tôi muốn tôi ở nhà trông con. Anh nói tôi đi làm, tiền thuê người giúp việc trông con đã hết 6 triệu, tiền biếu thêm cho mẹ vợ để bà sang coi ngó người giúp việc 3 triệu. Vậy là lương tôi là con số âm với đời sống gia đình. Lại còn lúc nào cũng phải chiều chuộng, chăm sóc, nhịn cả mẹ vợ lẫn người giúp việc. Có những điều không ưng ý trong cách dạy con cũng không dám nói. Anh thấy tôi ở nhà thì tốt hơn.
Thế nhưng, tôi thật lòng không muốn ở nhà trông con. Thời gian nghỉ sinh con, tôi thấy mình trở nên ù lì, đầu óc không suy nghĩ được gì. Hơn nữa, tôi cũng không thích sống phụ thuộc vào chồng.
Thà đi làm, lấy tiền đó trả cho người giúp việc, tôi thấy mình vẫn có đóng góp và tự chủ. Còn hơn là ở nhà rồi chồng và gia đình chồng sẽ coi tôi là người ăn bám. Hơn nữa, tôi cũng đang học thêm này kia, để có thể tìm công việc tốt hơn, có khả năng thăng tiến và có lương cao hơn.
Khi tôi nói ra ý kiến của mình thì chồng tôi có vẻ bất mãn lắm. Chồng tôi giờ có được mức lương hơn 20 triệu, anh đã thấy hài lòng vì chúng tôi đã có nhà cha mẹ chồng cho, không cần phải quá cố gắng.
Anh bảo: "Biết đủ là đủ". Anh nói muốn đi làm về có vợ pha cho ly nước, lấy cho cái khăn… chứ như bây giờ, có khi tôi đi làm về còn sau anh (anh hay lợi dụng chuyện ra ngoài công tác rồi trốn về sớm).
Nhưng tôi nghĩ còn tương lai của con, số tiền lương anh làm sao đủ cho việc học hành của con sau này? Tôi muốn con được học năng khiếu như đàn, vẽ, muốn vợ chồng có cái xe hơi đi chơi cho con được thoải mái, an toàn, muốn thậm chí là sau này cho con đi du học… Chồng tôi khó chịu nói tôi là toàn nhìn người ta mà sống, so bì với bạn bè... Nhưng tôi hoàn toàn không có ý như vậy.
Không biết anh nói gì với mẹ chồng, mà mẹ chồng gọi cho mẹ tôi, than phiền là tôi trốn tránh việc nhà, chỉ thích ra ngoài để được khỏe thân, còn con cái thì giao cho người giúp việc, cho mẹ. Bà nói mẹ tôi đừng qua giúp vợ chồng tôi nữa, để tôi phải đồng ý ở nhà. Bà nói nhiều phụ nữ muốn như vậy còn không được.
Mẹ tôi lại khác, bà ủng hộ tôi học hành và phát triển, nên bà cự lại mẹ chồng tôi, nói là bà muốn giúp tôi thăng tiến. Thế là hai bà sui gia cãi nhau, vì mẹ chồng tôi tự ái, nghĩ là mẹ tôi chê con rể làm không ra tiền, rằng mẹ tôi nuông chiều con gái, không biết khuyên con theo đường phải… Thật là mệt.
Giờ tôi không biết nên xử sự thế nào, với chồng và cả mẹ chồng. Không biết nên nhất quyết đi làm và phấn đấu, hay là ở nhà để rồi cuộc sống cứ thế này mãi, không có gì hơn. Xin chị Hạnh Dung cho tôi ý kiến. Có phải tôi quá tham vọng và không biết quý những gì mình đang có hay không?
Mai Linh
Chị Mai Linh thân mến,
Chị có quá tham lam hay chị không biết quý cái mình đang có hay không? Nếu gọi tên sự khao khát được nâng cấp bản thân, nâng cấp đời sống của mình lên là tham lam thì là không đúng rồi. Nhất là trong đời sống gia đình của chị, với mức lương 20 triệu đồng của chồng chị, chắc chắn cuộc sống sẽ mãi ở mức "tạm đủ" mà thôi.
Chị mơ ước được đi làm, được học hỏi thêm, được có vị trí trong xã hội và có tiền để sau này lo cho tương lai của con, tất cả những điều đó đều không có gì sai, và nó là cuộc sống, mơ ước, mục tiêu phấn đấu của mọi phụ nữ hiện đại hôm nay.
Có thể cái nhìn của Hạnh Dung hơi tiêu cực về vấn đề này, nhưng có lẽ nó là do ảnh hưởng của rất nhiều trường hợp Hạnh Dung đã được tiếp xúc: những người vợ khi lấy chồng hay sinh con xong, bỏ việc, ở nhà nuôi con và làm việc nhà. Đại đa số những người phụ nữ đó sau này đều hối hận vế quyết định của mình. Nhất là trong trường hợp những người chồng không hiểu, không đánh giá đúng công sức của vợ khi cô ấy chấp nhận ở nhà nuôi con. Và rất nhiều người chồng như vậy.
Tất nhiên, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Hạnh Dung cũng không "vơ đũa cả nắm" mọi người, mọi trường hợp. Cũng không phải không có những người chồng biết trân trọng công sức của vợ khi họ ở nhà nuôi dạy con cái và chăm chút cho tổ ấm.
Khi mong muốn vợ ở nhà, họ hướng tới việc con cái sẽ được mẹ chỉ dạy, gần gũi nhiều hơn, và đó là điều tuyệt vời cho lứa tuổi từ sơ sinh đến khi trưởng thành của con người. Họ không so đo chuyện tiền bạc khi vợ ở nhà.
Tuy nhiên, khi đã biết sự việc có thể sẽ diễn ra theo khuynh hướng xấu, rằng người chồng sẽ phủ nhận và coi thường công sức của vợ, thì người phụ nữ trước khi quyết định nghe theo lời chồng mà ở nhà chăm con sẽ cần phải cân nhắc thật kỹ. Và sau đây là 3 phương án mà tôi nghĩ chị cần cân nhắc:
- Cương quyết giữ kế hoạch và dự định của mình. Trò chuyện với chồng và mẹ chồng về mọi kế hoạch của mình, thuyết phục chồng hiểu được và ủng hộ những kế hoạch của mình. Chấp nhận mọi khó khăn và "thương đau" có thể xảy đến trong một khoảng thời gian thực hiện kế hoạch tìm con đường thăng tiến và lương cao hơn, chứng minh cho chồng và mẹ chồng thấy sự đúng đắn của mình.
- Nếu tình hình quá căng thẳng và cảm nhận rằng chồng chỉ chưa hiểu và lo cho con, chứ không phải là khăng khăng không muốn hiểu và muốn cản con đường phát triển của vợ, thì có thể lùi một bước nhỏ: chấp nhận ở nhà với con trong một khoảng thời gian nào đó (có quy định trước) để chăm sóc con, cho đến khi cho con đi học. Trong thời gian đó có thể tận dụng mọi khả năng để học thêm và tìm kiếm cơ hội có một công việc tốt hơn, thu nhập tốt hơn.
- Trường hợp xấu nhất, khi chị nhận thấy rằng giữa chị và chồng có quá nhiều điểm khác biệt về cách sống, lối sống, mục đích sống... chị cần phải lên kế hoạch dài hạn cho việc thay đổi sự khác biệt đó. Bởi đó là chuyện lâu dài, ảnh hưởng đến cả một đời chung sống cùng nhau chứ không chỉ ngắn hạn là việc chăm con.
Có một thời gian, Hạnh Dung công tác ở một đất nước khá tiên tiến nhưng vẫn giữ truyền thống về gia đình rất mạnh mẽ, Hạnh Dung đã trò chuyện với một nữ giáo sư của họ và bà bày tỏ quan điểm sau: Phụ nữ khi còn trẻ nên đi học và học cao, nếu có thể. Khi làm vợ, làm mẹ, trình độ hiểu biết nhận thức của cô ấy sẽ giúp ích rất nhiều cho hai vai trò này, đặc biệt là làm mẹ.
Và nếu xã hội đánh giá cao công sức của người mẹ, thậm chí trả lương cho một người mẹ ở nhà trong một khoảng thời gian cần thiết cho sự phát triển của trẻ, dùng tri thức và nhận thức đó để nuôi dạy, giáo dục con cái, thì đó là một điều hết sức tuyệt vời. Vì những đứa trẻ được nuôi dạy tử tế, đàng hoàng sẽ là những công dân tốt của đất nước.
Hạnh Dung thấy điều chị ấy nói không phải là không có phần đúng. Và ước gì những người chồng, và sau đó là xã hội, sẽ tới lúc hiểu được, đánh giá được một cách đúng đắn công sức của một người phụ nữ dành cho gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM