Chị Hạnh Dung ơi,

Em phân vân một chuyện không biết làm thế nào? Xin chị giúp em. Chồng em có lập 1 nhóm trên Zalo, trong đó có mẹ chồng, chồng và 2 em chồng để dễ liên lạc và tiện trao đổi về các công việc của gia đình. Nhưng chồng lại không cho em vào nhóm.

Em thấy buồn vì không được tham gia vào các hoạt động của gia đình chồng. Em có ý kiến về chuyện đó thì anh nói rằng nếu gia đình có việc, thì anh sẽ báo lại, không cần vô nhóm làm gì.

Chị thấy em có suy nghĩ quá nhiều không?

Trần Thị Mỹ Hạnh

leftcenterrightdel
 

Em Mỹ Hạnh thân mến,

Đúng là em suy nghĩ quá nhiều rồi đấy. Chuyện rất bình thường trong các gia đình hiện nay: Vợ có nhóm Zalo của gia đình bên vợ, chồng có nhóm Zalo của gia đình bên chồng. Mỗi gia đình đều có những câu chuyện riêng, vấn đề riêng của mình.

Họ cũng có những truyền thống, những cách cư xử, những quá khứ, hiện tại, tương lai riêng của gia đình, mà nếu có người ngoài tham gia vào, họ sẽ thấy ngại ngùng.

Có lẽ, em sẽ càng ấm ức hơn khi Hạnh Dung dùng chữ "người ngoài", nhưng thực tế cuộc sống là như vậy. Hạnh Dung nhớ thời còn nhỏ, đi học toán, có một bài tập tính diện tích phần giao nhau của hai hình tròn, không biết em còn nhớ không?

Em hãy hình dung là gia đình em và gia đình chồng cũng như hai hình tròn đó, chỉ có thể giao nhau ở một phần nhỏ, chính là cuộc sống của em và chồng. Những phần còn lại vẫn luôn riêng rẽ, tách biệt. Bài toán chỉ yêu cầu chúng ta quan tâm đến phần giao nhau mà thôi.

Và nó thú vị, đáng quan tâm là như vậy. Chứ nếu hai vòng tròn đó trùng khít lên nhau thì còn gì để nói nữa đâu.

Vậy thì, em chỉ nên quan tâm đến phần giao nhau của mình với gia đình chồng: là cuộc sống của em và chồng, gia đình riêng của các em. Chăm sóc nó, hiểu rõ nó và yêu thương nó là đủ.

Với phần riêng rẽ kia, em chỉ cần biết đến đúng như mình phải biết, thông qua những mong muốn chia sẻ, tư vấn... của chồng.

Tất nhiên, tuyệt nhất là cả ba cụm gia đình, bên nội, bên ngoại và gia đình nhỏ có thể "chụm" lại đoàn kết, nương tựa vào nhau, coi chuyện của mỗi nhà là chuyện chung. Thế nhưng thật tình, đó là điều không tưởng.

Bởi thật tình, khi mọi thứ quá "chung" như thế cũng phức tạp, rối rắm nhiều vấn đề. Người ta bảo "chín người mười ý". Em hãy tưởng tượng là chuyện của ai (kể cả chuyện riêng của gia đình nhỏ của em) cũng sẽ phải nghe quá nhiều ý kiến, nhất là ý kiến của những người không hoàn toàn biết rõ mọi chi tiết của cuộc sống mình, em có mệt không?

Chồng em và gia đình chồng có một nhóm riêng và không đưa em vào đó, Hạnh Dung nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường. Mà thậm chí, nhiều người vợ còn thấy như thế là hay, là nhẹ gánh cho mình. Chuyện gì cần biết thì chồng sẽ cho mình biết. Còn chuyện riêng của đại gia đình chồng thì mình không cần can thiệp vào.

Hạnh Dung nghĩ em cũng chẳng nên ấm ức làm gì. Hãy nghĩ theo chiều hướng tích cực: chồng muốn mình được nhẹ đầu, không phải lo nghĩ, quan tâm quá nhiều việc. Nghĩ như thế em sẽ thấy rất nhẹ nhàng, thậm chí là biết ơn chồng nữa là khác.

Theo phụ nữ TPHCM