Chị Hạnh Dung thân mến,

Hôm qua, em nói với chồng, mai là ngày 20/10. Anh trả lời em rằng ngày đó là ngày gì, anh không biết. Em nói anh là ngày đó là ngày Phụ nữ Việt Nam. Anh hỏi em: "Sao phụ nữ tụi em lắm ngày thế? Hết ngày Quốc tế Phụ nữ, tới ngày Phụ nữ Việt Nam".

Anh nói rằng anh chẳng biết đến ngày đó, rằng giờ em nói anh mới biết. Anh còn bảo mấy ngày đó là ngày để cho người ta bán quà tặng, hoa hoét mà thôi. Cách trả lời của anh làm em rất tự ái. Nó có vẻ như anh nghĩ rằng em đang muốn đòi quà.

Mà thật tình, em cũng không biết nên nghĩ thế nào. Ngày yêu em, anh thường tặng quà, tặng hoa. Cưới nhau 5 năm nay, anh gần như không còn tặng quà cho em nữa. Em biết dạo này anh làm ăn rất khó khăn, anh cũng không có nhiều tiền. Hàng tháng đưa cho em tiền chi tiêu là anh cũng chỉ còn lại chừng 2 triệu để đổ xăng và ăn sáng, uống cà phê với bạn bè.

Nhưng em nghĩ, nếu thật sự thương yêu và hiểu em, thì anh có thể nhín vài trăm mua hoa hay mua một món quà nhẹ nhàng gì cũng được. Anh cũng biết tính em thích những hành động lãng mạn, chăm chút. Nhưng anh mặc kệ em.

Nhà em thì bênh anh, nói em phù phiếm. Chồng nghèo nhưng biết chia sẻ việc nhà, làm bao nhiêu đưa hết lương cho vợ, còn muốn gì nữa. Nhưng em thì nghĩ thà đừng đưa hết rồi chuyện gì cũng vin vào lý do: Đưa hết tiền rồi còn gì.

Giờ em nên tập chấp nhận chuyện anh không mua quà gì cho em vào những ngày lễ, hay là nên thử thay đổi anh, nói ra mong muốn của mình hả chị? Em chỉ sợ anh lại gượng gạo, rồi mất vui.

Mỹ Thu

 

Em Mỹ Thu thân mến, 

Cả hai điều của em, thử thay đổi chồng hay là chấp nhận, Hạnh Dung thấy đều nên làm. Hãy cứ cố gắng thử thay đổi chồng, thủ thỉ, nhõng nhẽo, gợi ý... cách nào cũng được, miễn là đừng làm anh ấy căng thẳng.

Rồi nếu mà mãi không thể thay đổi được, nhưng ngoài điều đó ra, anh ấy vẫn là chồng tốt của em: Vẫn đóng góp tích cực vào cuộc sống gia đình bằng cả tiền bạc lẫn công sức, thì đành... tạm chấp nhận vậy.

Tuy nhiên, cứ thỉnh thoảng, vào những giai đoạn khác nhau, em lại thử nói ra mong muốn của mình với chồng. Có thể biết đâu là lúc này anh ấy đang khó khăn, gia đình cũng còn chưa dư giả, nên anh ấy đành "đánh trống lảng" như thế cho đỡ... quê. Nhưng khi đời sống nâng cao, anh ấy sẽ muốn chiều vợ hơn, làm vợ vui hơn.

Tuy nhiên, dù chọn cách nào trong hai cách mà em nói, em cũng đừng để tâm trạng buồn, thất vọng, khó chịu, tủi thân... làm xấu đi không khí vợ chồng. Đừng buồn vì cách anh ấy tránh né, chê bai, bài bác việc tặng quà hay ý nghĩa một ngày lễ... Nó chỉ là một cách để làm nhẹ đi sĩ diện của người đàn ông thôi.

Những cách nghĩ, cách đánh giá mọi việc của anh ấy, em đều có thể nhẹ nhàng, từ tốn trò chuyện, giải thích cho anh ấy hiểu rằng, tình cảm thì đã có, thương yêu lo lắng cho nhau cũng đã thành chuyện thường làm. Nhưng khi cả thế giới đều coi việc tặng quà nhau là điều tốt đẹp, thì chắc chắn nó phải có ý nghĩ đẹp mới thuyết phục được mọi người. Và việc bán hàng phần nhiều bắt đầu từ việc đáp ứng nhu cầu của xã hội. Có cầu mới có cung chứ, phải không em?

Những ngày lễ này kia chính là dịp, là cái cớ để tô đậm hơn một chút mọi thương yêu, chăm sóc, lãng mạn hóa cuộc sống vốn dĩ khi bên nhau lâu ngày sẽ thành nhàm chán. Có đôi khi, người ta tranh thủ những dịp này để làm những điều bất ngờ, mang đến cho nhau những niềm vui nho nhỏ khi mua một món quà đúng ý nhau, đúng nhu cầu của nhau.

Có thể những điều đó không thật sự quan trọng vào lúc này, nếu trong gia đình còn nhiều việc quan trọng hơn. Nhưng khi cuộc sống nhẹ nhàng, "dễ thở" hơn, thì mình sẽ nâng cấp cuộc sống từ nhu cầu đủ ăn, đủ mặc lên thành sống đẹp, sống vui... 

Còn bây giờ, em hãy biến những ngày lễ thế này thành ngày vui gia đình mà em tự tổ chức, cũng hay vậy. Mua vài bông hoa về cắm, nấu một món ăn ngon, chẳng có ông chồng nào lại từ chối một cuộc vui nho nhỏ, dễ thương như vậy. Và biết đâu, đó cũng là cách để chồng dần dần quen với việc tổ chức một ngày lễ gia đình với những món quà cho nhau.

Theo phụ nữ TPHCM