Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi chỉ có hai chị em. Mẹ mất từ 7 năm trước, nên chị em tôi thành mồ côi, rất cô đơn và ngày càng gắn bó, thương yêu nhau. Nhất là từ khi bố tôi lập gia đình với người khác, thì chúng tôi càng trân trọng và giữ gìn tình cảm chị em ruột thịt.

Cách đây 6 tháng, em gái tôi ly hôn. Chồng nó là người rất tồi tệ, đánh đập vợ con, cờ bạc gây nợ nần khắp nơi, nên tôi ủng hộ em gái ly hôn. Sau khi ly hôn, em gái tôi dọn về nhà bố ở.

Thế nhưng mẹ kế của chúng tôi tính tình rất khó chịu. Bà luôn xét nét, cằn nhằn, thậm chí còn đánh con của em. Em tôi gặp hết đau khổ này tới đau khổ khác, tôi chứng kiến mà lòng xót xa vô cùng.

Nhà tôi ở lúc này cũng khá rộng rãi. Đây là ngôi nhà bên chồng cho khi chúng tôi kết hôn, nên tôi đề nghị chồng cho em tôi tới ở cùng. Tôi cứ nghĩ là chồng sẽ đồng ý, vì bình thường anh rất tốt với em. Khi nghe em bị bạo hành, anh không quản đêm khuya, chở tôi đến nhà em, lên tiếng bênh vực em, và cùng tôi dọn đồ của em về nhà bố ngay lập tức, khi thấy cuộc sống của em không an toàn.

Vậy mà không ngờ chồng tôi lại khăng khăng từ chối, nói là ở chung với em vợ như thế rất không tiện. Anh nói mình đã giúp em rất nhiều và cũng nên để em tự lập, tự lo cho bản thân và con, chứ không thể cưu mang em suốt đời.

Rằng nhà bố có một nửa phần là của chị em tôi, nên em hoàn toàn có quyền ở đó và giữ phần tài sản của mình. Rằng nếu thêm em vào, cuộc sống gia đình mình sẽ bị chia sẻ, không còn riêng tư nữa...

Tôi hết sức bất ngờ và bực tức với chồng, không hề nghĩ là anh lại suy nghĩ ích kỷ, tính toán với người thân của tôi như vậy. Em gái tôi cũng không có ý định sẽ bám vào vợ chồng tôi suốt đời, mà chỉ là một giai đoạn khó khăn này thôi. Rồi em cũng sẽ thu xếp cho cuộc sống của bản thân và con mình chứ.

Giờ đây tôi rất bực bội, tức giận trong lòng mà không biết phải làm sao. Có điều gì đó khiến tôi thấy không còn tin tưởng và muốn gắn bó với chồng. Hơn nữa, tôi cũng đã nói với em chuyện dọn về ở cùng tôi và em rất vui. Giờ tôi không biết phải nói lại với em sao nữa.

Mỹ Hà

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỹ Hà thân mến,

Thật là cảm động cho tình cảm chị em của bạn. Sự đùm bọc, thương yêu của bạn lúc này dành cho em gái thật sự vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Chắc hẳn em gái bạn cũng hiểu điều đó.

Hạnh Dung nghĩ là chồng bạn cũng hiểu và chia sẻ với bạn tình cảm ruột thịt này. Nếu không như thế, anh ấy đã không quản ngại chuyện xông vào gia đình em gái, cùng bạn bảo vệ cô ấy. Không phải ông anh rể nào cũng sẵn sàng làm cái việc đối đầu với anh em cột chèo đâu, bạn ạ.

Nhưng, từ một cái nhìn tỉnh táo của người ngoài cuộc, Hạnh Dung thấy rằng những lo lắng, băn khoăn của chồng bạn hoàn toàn không vô lý, vô tình, vô nghĩa như bạn đang phán xét đâu.

Thứ nhất, từ một góc nhìn đơn giản nhất, việc có người khác tới ở chung nhà, trong một thời gian dài, với nhiều người là chuyện rất khó chấp nhận. Dù người đó có là chị em ruột của vợ mình đi chăng nữa.

Anh rể tất nhiên không thể thoải mái với chuyện ăn mặc, chuyện lời ăn tiếng nói, chuyện cư xử thân mật vợ chồng... khi trong nhà có một phụ nữ lạ. Đó là chuyện ai cũng phải e dè, tất nhiên.

Thứ hai, có biết bao nhiêu chuyện chẳng hay đã xảy ra trong những hoàn cành họ hàng, người thân, bạn gái... tới ở chung nhà của một cặp vợ chồng. Bao tình thân bị rạn nứt bởi những hiểu lầm, thậm chí là những sai lầm không thể nào sửa chữa được. Vậy tại sao ta không tránh những chuyện như vậy ngay từ đầu?

Điều thứ 3, nhỏ thôi, nhưng không phải là không cần nhắc tới. Dù sao thì căn nhà này cũng là nhà của gia đình chồng tặng cho chồng bạn khi anh ấy cưới vợ. Việc anh ấy quyết định thế nào để vợ chồng được thoải mái như mong muốn của gia đình chồng, là điều bạn cần phải tôn trọng và thấu hiểu một cách tế nhị nhất.

Nếu bạn nói rằng việc này chỉ là tạm thời, thì ngay bây giờ em gái bạn cũng có thể chịu đựng tạm thời tình trạng sống ở ngay trong căn nhà mà mình có quyền được ở. Rồi từ từ cô ấy sẽ tính sao cho cô ấy thấy mình được thoải mái nhất.

Cô ấy cũng hoàn toàn có thể cứng rắn và mạnh mẽ đối đầu, giải quyết với mọi rắc rối do người khác mang tới, như lúc trước là chồng, lúc này là mẹ kế. Trốn tránh mọi khó khăn dưới sự bảo bọc của bạn, không phải là cách tốt nhất, bạn ạ.

Hãy động viên, nâng đỡ tinh thần cô ấy. Thương em, bạn có thể trợ giúp thêm về kinh tế, nếu cô ấy trong giai đoạn đầu khó khăn. Nhưng là một người mẹ, cô ấy cũng phải học cách tự mình đứng vững để bảo vệ, chăm sóc, che chở cho bản thân và con cái của mình, bạn ạ.

Theo phụ nữ TPHCM