Chị Hạnh Dung kính mến,
Em phát hiện chồng ngoại tình cách đây 2 tháng. Ban đầu anh chối bằng được, sau khi em đưa bằng chứng thì xin lỗi và muốn về với gia đình. Trước đây vợ chồng hay trò chuyện tâm sự. Anh là người cha có trách nhiệm, nhưng với vợ thường vô tâm.
Em chọn tha thứ. Ban đầu anh có hứa sẽ thay đổi, và thay đổi được chừng 1 tháng theo hướng tích cực. Nhưng bản thân em đôi khi không kìm được cảm xúc, em hay nói về chuyện cũ để tìm nguyên nhân ngoại tình của chồng.
Em rất tích cực hàn gắn, nói lời yêu thương, quan tâm thuốc men chăm sóc chồng ốm... Vợ chồng em quan hệ lại bình thường sau khi em đồng ý tha thứ.
Nhưng nửa tháng nay không quan hệ lại. Nửa tháng gần đây, anh vin vào cớ không chịu được dày vò, chỉ trích từ vợ nên bắt đầu lạnh nhạt, thậm chí không cho vợ tình cảm, ôm ấp khi ngủ...
Em nói chuyện, anh im lặng không trả lời, không tương tác, không thích chuyện trò... Em đã cố gắng nhưng dường như không có kết quả.
Em đang tính chuyện ly hôn, dù còn rất yêu chồng nhưng không chịu được tình trạng này kéo dài. Rất mong chị Hạnh Dung tư vấn giúp. Em cảm ơn nhiều ạ!
Khánh Linh
Em Khánh Linh thân mến,
Cách đây vài ngày, Hạnh Dung có trả lời một bức thư bạn đọc, trong đó, người chồng có vẻ rất sốc khi vợ ngoại tình, khi trò chuyện với nhau về tương lai và chồng nói rằng mình chấp nhận tha thứ, thì người vợ có đưa ra một điều kiện: không được nhắc đến chuyện cũ. Nếu nhắc thì sẽ ly hôn ngay lập tức.
Khi đọc điều này, thực lòng Hạnh Dung cảm thấy rất "nể" người vợ ấy. Cô ấy quả là người rất sáng suốt, mạnh mẽ, bản lĩnh. Không giống như mọi người làm nên lỗi lầm, và chỉ mong được tha thứ với bất kỳ sự trả giá nào, cô ấy đã đủ vững vàng để bảo vệ chính mình, và gián tiếp giúp cuộc hôn nhân được hàn gắn một cách lành mạnh.
Cái tâm lý tha thứ nửa vời như của em là điều rất phổ biến trong các trường hợp vợ/chồng ngoại tình. Tha thứ vì nuối tiếc, vì sĩ diện, vì cần gia đình trọn vẹn cho con. Thế nhưng khi tha thứ rồi là tâm lý của kẻ ban ơn, tự cho quyền mình nhắc đi nhắc lại, dày vò, chì chiết người kia, biến cuộc sống gia đình thành địa ngục.
Em nói rằng chồng "vin vào cớ không chịu được dày vò chỉ trích từ vợ" để mà lạnh nhạt, thậm chí không cho tình cảm, ôm ấp... Hạnh Dung nghĩ rằng anh ấy không "vin vào cớ" như em nghĩ đâu, mà đó chính là tâm trạng thật của anh ấy: Không nhìn thấy ở em hình ảnh một người vợ yêu thương, dịu dàng, đáng để khao khát ôm ấp, tình cảm. Và chắc chắn là sợ, sợ nghĩ tới việc phải sống trong mặc cảm tội lỗi và bị hành hạ tra tấn mãi mãi.
Làm sao người ta có thể có niềm vui, hạnh phúc bình thường với một người vừa mới ra tay "hành hạ" tinh thần của mình như vậy? Cái cách xử sự của một người vừa mắng nhiếc, đay nghiến đó, rồi lại ép người đó phải nồng nàn với mình, là một cách khiến người có lỗi cảm thấy bị hạ thấp, bị điều khiển, bị cưỡng ép rất tồi tệ.
Giờ đây, nếu em có thể cảm nhận được tâm trạng của chồng, nhận ra điều mình làm là không giúp hàn gắn hôn nhân, và nếu còn yêu chồng thật sự, em hãy trò chuyện với anh. Hãy một lần cùng nhau phân tích mọi hành động, cảm xúc của cả hai.
Hãy cho anh ấy hiểu rằng em còn yêu thương, nhưng còn đau nên chưa thể bỏ qua hoàn toàn. Hãy làm sao để anh ấy hiểu rằng em và anh ấy vẫn còn cơ hội để sửa chữa, hàn gắn.
Điều quan trọng là em hãy thật sự thay đổi cách cư xử của em. Hãy kiên nhẫn với chính bản thân mình và kiên nhẫn với mối quan hệ. Thay đổi từ từ và chờ đợi những sự hồi sinh của tình cảm trong cả hai.
Đừng hoặc quá nôn nóng, cưỡng ép cảm xúc của nhau, hoặc vội nghĩ tới ly hôn. Mới có 2 tháng sau khi phát hiện sự việc mà em mong muốn vết thương đã lành, trong khi chính em vẫn hàng ngày khoét nó ra thì thật là điều không tưởng.
Theo phụ nữ TPHCM