Chị Hạnh Dung kính mến,

Ngày hôm qua, em và chồng có một trận cãi nhau rất lớn. Bởi vì chồng em đi làm về muộn. Bình thường anh làm 5 giờ về, nhưng hôm qua 8 giờ mới về, làm cho em phải chờ cơm rất mệt mỏi.

Khi anh về, em giận quá nên cằn nhằn thì anh nói em quản chồng như con. Nhưng yêu cầu của em chỉ là nếu về trễ thì gọi điện báo em một tiếng, em sẽ không chờ nữa. Nhưng không hiểu vì sao chồng em không muốn làm điều đó. Và lần nào về trễ anh cũng không báo.

Còn nhiều việc nữa cũng rất khó chịu. Thí dụ em thấy chồng có vẻ tư lự, buồn bã. Em sợ chồng có việc gì ở chỗ làm nên hỏi anh đang nghĩ gì, đang lo lắng gì, thì anh lại nổi quạu nói em muốn kiểm soát cả suy nghĩ của anh. Nhưng em không có ý kiểm soát gì, chỉ là em lo lắng cho anh ấy thôi.

Có nhiều việc kiểu như vậy lắm chị. Thí dụ như em muốn biết anh ấy ăn gì ở công ty buổi trưa, mặc gì khi đi làm. Vì sao có hôm xịt dầu thơm, có hôm không... Cũng chỉ là em quan tâm thôi chứ không có ý theo dõi nghi ngờ gì cả. Thế nhưng anh ấy cũng khó chịu, nói là em theo dõi, nghi ngờ anh ấy.

Khi cãi nhau, anh ấy nói rằng em làm cho anh ấy ngộp thở, chỉ muốn được quay lại thời độc thân, không bị ai kiểm soát. Cãi nhau xong thì tụi em cũng làm hòa. Nhưng câu nói của anh ấy làm em bị ám ảnh hoài. Em không biết nên sống thế nào cho đúng, để anh ấy không cảm thấy ngộp thở mà em cũng được thoải mái, nhẹ nhàng.

Hà My

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Hà My thân mến,

Quan tâm và kiểm soát khác nhau nhiều lắm em à, dù rằng cái ranh giới đó nhiều khi rất mong manh, rất khó để xác định. Quá quan tâm thì thành kiểm soát. E ngại bị nghĩ rằng mình kiểm soát thì lại thành không quan tâm gì đến nhau, dần dần thành không biết gì về nhau, xa lạ với nhau.

Khi quan tâm là người ta thật sự nghĩ cho nhau, lo cho nhau, muốn người kia chia sẻ cuộc sống, chia sẻ tâm trạng, chia sẻ các vấn đề của mình. Nhưng sự chia sẻ đó phải là tự nguyện và thoải mái, nên người hỏi phải rất tế nhị, rất chừng mực, để người kia không thấy mình bị làm phiền, mất tự do.

Còn kiểm soát là khi người ta hỏi han, theo dõi, tìm cách biết mọi thông tin về người đó để chính mình được an tâm, cảm thấy an toàn. Khi kiểm soát, người ta bất chấp tâm trạng, sự thoải mái hay đồng ý của người kia.

Chỉ với những gì em kể và lời tâm sự của em, thì Hạnh Dung nghĩ rằng em thật sự không có ý muốn kiểm soát chồng. Nhưng có lẽ chồng em cũng là người không thích bị quan tâm, chăm sóc quá nhiều, không muốn phải thường xuyên trình bày, kể lể mọi sinh hoạt của mình. Hơn nữa, có thể là những hỏi han của em không đúng lúc, rơi vào thời điểm anh ấy mệt mỏi và không thuận tiện, khiến anh ấy thấy phiền toái. Nên em cũng cần phải cân bằng sự quan tâm của mình với cá tính, với công việc và cảm xúc của anh ấy.

Tuy nhiên, vợ chồng vẫn nên có những quy định nho nhỏ với nhau, thí dụ trong việc đi về sớm trễ của chồng. Anh ấy phải hiểu rằng đó là việc nhất định phải làm trong đời sống chung của hai người, vì tùy vào giờ giấc đi về của nhau còn sắp xếp thời gian cho khoa học và hợp lý. 

Đời sống vợ chồng tất nhiên không phải là sự cầm tù, kiểm soát, nhưng cũng có những điều phải thay đổi, để mọi sinh hoạt chung riêng được nhịp nhàng, thuận tiện và thoải mái cho tất cả mọi người. Và anh ấy cần phải hiểu điều đó.

Nếu lập gia đình rồi mà vẫn cứ muốn sống như thời còn độc thân, khiến đời sống vợ chồng mất đi những kết nối tối thiểu, sự quan tâm chăm sóc cần thiết, và làm rối loạn đời sống của người chồng hay vợ mình, thì đó là sự ích kỷ cần phải thay đổi. Em cũng nên chọn lựa thời điểm thích hợp và thái độ thích hợp để bàn bạc cùng chồng những vấn đề này, để cả hai được thông cảm và chia sẻ với nhau.

Theo phụ nữ TPHCM