leftcenterrightdel
Ở tuổi ngoài 60, với chiếc xe phân khối lớn, bà Barthorpe đã trải nghiệm nhiều cung đường trong và ngoài nước Pháp. 

Cách đây 7 năm, khi Joanna Barthorpe thông báo với gia đình rằng bà sẽ học lái xe phân khối lớn, 3 cậu con trai đã trưởng thành của bà là người sốc nhất. “Nhưng mẹ ơi, mẹ không bao giờ cho chúng con lái xe máy mà!”.

Chồng bà cũng tỏ ra không mặn mà. “Anh ấy ghét xe máy. Anh ấy nghĩ rằng nó quá mạnh mẽ, ồn ào và nguy hiểm” - người phụ nữ Pháp kể.

Sống cho riêng mình

Barthorpe thừa nhận rằng nguy hiểm là một trong những lý do khiến cả nhà phản đối, nhưng bà muốn làm điều gì đó cho bản thân sau khi đã nuôi nấng 3 đứa con trưởng thành. “Tôi đã đặt cuộc sống của mình ra phía sau. Tôi trở thành một tấm gương tốt, làm mọi việc vì các con. Bây giờ là lúc tôi sống cho riêng mình”. 

Không có ai trong nhà từng đi xe phân khối lớn và bà cũng chưa từng có bất cứ mối liên hệ nào với loại phương tiện này, nhưng nó thể hiện sự tự do mà bà đang tìm kiếm trong cuộc sống. 

Bà mua một chiếc xe Yamaha TDM850 khi còn đang tập lái. Sau một vài lần thi, bà mới đỗ và có chuyến đi một mình đầu tiên với cảm giác phấn khích tột độ.

"Tôi yêu nó. Tôi rất vui khi ngồi trên yên xe hàng giờ, lâu hơn nhiều so với khi tôi lái ô tô. Mọi người đều nghĩ tôi bị điên! Mọi người hay hỏi: 'Một mình lái xe không sợ sao?' hay 'nếu bạn rơi ra khỏi xe hoặc xe hỏng hóc thì sao?'. Nhưng có một điều mọi người không nhận ra là khi phụ nữ lái xe một mình, mọi người đều muốn giúp bạn, thậm chí trông chừng bạn, đề phòng có chuyện xảy ra”. 

Bà từng gặp một vài người đàn ông đi bám sát theo bà để trông chừng. “Họ thường sửng sốt khi tôi cởi mũ bảo hiểm ra. Họ nhìn thấy một người phụ nữ có tuổi - chứ không phải một cô gái trẻ! Khi tôi đi mua chiếc xe máy thứ hai, một đại lý xe máy thậm chí còn không cho tôi lái thử”. 

Mặc dù bà Barthorpe, hiện đã 67 tuổi, thích lái xe phân khối lớn một mình, nhưng bà đã bị thu hút khi nghe về Hiệp hội mô-tô quốc tế dành cho phụ nữ (WIMA), một câu lạc bộ được thành lập vào năm 1950 với các thành viên tới từ 39 quốc gia.

Bà đã liên lạc với các thành viên ở Vương quốc Anh, ban đầu để hỏi xem có nhóm nào ở Pháp không. Nhưng thật bất ngờ khi họ ngỏ lời mời bà đến London vào cuối tuần đó để tham gia cùng họ một sự kiện lái xe. Ngay ngày hôm sau, bà nhảy lên xe và bắt chuyến phà đến Anh. “Chồng tôi đã rất ngạc nhiên!” - bà kể.

'Mẹ chỉ trở thành chính mẹ ngày xưa'

Chính sự kết nối với WIMA đã đưa bà đến với cuộc phiêu lưu tiếp theo - Women Riders World Relay, một phong trào có sự tham gia của hàng nghìn tay đua mô-tô nữ tới từ 84 quốc gia. Họ muốn chứng minh cho ngành công nghiệp mô-tô do nam giới thống trị rằng, phụ nữ lái mô-tô tạo thành một thị trường đang phát triển, xứng đáng được các nhà sản xuất quan tâm. 

Chuyến đi được thực hiện theo hình thức chuyển dùi cui tiếp sức từ người lái này sang người lái khác trên khắp thế giới. Bà Barthorpe đã đăng ký làm điều phối viên ở Pháp. Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn diễn ra như kế hoạch.

Bà không may gặp tai nạn xe khiến xương chậu bị gãy và phải nằm viện 5 tháng. Vì thế, bà không thể tham gia các phần thi tiếp sức ở Pháp. Thay vào đó, bà đã di chuyển bằng ô tô và tàu hỏa để gặp gỡ các tay đua khác khi họ băng qua nước Pháp.

Nhờ kiên trì tập luyện, bà phục hồi trở lại khi cuộc chạy xe tiếp sức vẫn đang diễn ra. “Vào thời điểm đó, dùi cui đang ở Pakistan, nhưng như thế thì rất khó sắp xếp nên tôi đã xem xét lộ trình và quyết định chọn chặng Úc”.

Tháng 9/2019 - chưa đầy 1 năm sau vụ tai nạn, bà khởi hành từ Perth, lái xe 8.368km xuyên Australia trong 12 ngày. Bà đã được gặp rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời khi tham gia hội phụ nữ lái xe phân khối lớn.

Nhưng ngay từ đầu, sức hấp dẫn chính, cũng là thứ đã kéo bà đến với chiếc mô-tô là sự tự do.

“Tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn, bất cứ lúc nào tôi thích. Bọn trẻ nói với tôi: ‘Mẹ ơi, mẹ đã trở thành một thiếu niên rồi!’. Và tôi nói với chúng: ‘Không, mẹ chỉ trở thành chính mẹ ngày xưa thôi’”.

Theo vietnamnet