Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và anh cưới mới được 3 năm. Chính xác là 3 năm 4 tháng. Gia đình anh có nhà rộng, nhưng anh nói không thích ở chung với bố mẹ khi có gia đình riêng, nên anh đưa em ra ngoài, thuê nhà ở.

Tiền thuê nhà là 10 triệu/ tháng, vì tụi em thuê nguyên căn, nhỏ xinh và ở trong hẻm khá đàng hoàng. Sau khi ra ngoài và thu xếp tạm ổn xong, chồng em có yêu cầu em hàng tháng góp tiền thuê nhà với anh. Anh nói em góp 3 triệu, còn lại anh lo. Anh bảo phân chia thế, vì anh biết lương anh gấp 3 em (lương em là NVVP chỉ có 8 triệu/tháng).

Thế rồi, từ đó đến nay, tháng nào anh cũng nhắc nhở em đưa tiền cho anh. Em rất khó chịu với chuyện này, vì lương em thấp, đưa cho anh là chỉ còn 5 triệu, không đủ cho các chi phí riêng như mua sắm, làm đẹp của em.

Khi em nói với anh như thế, rằng lương anh dư sức lo trọn mọi việc, tại sao lại tính toán với em? Chồng người ta còn đưa thêm tiền cho vợ đi mua sắm, làm đẹp, còn anh, đã không đưa thì thôi, lại bắt em đóng góp, trong khi anh cũng biết là lương em rất thấp.

Anh nói rằng anh đã phải đưa tiền hàng tháng nhờ mẹ mua sắm thực phẩm, là do em không chịu đi chợ, sợ nắng, sợ xấu da mặt. Tiền điện nước sinh hoạt hầu như anh lo, em chỉ thỉnh thoảng trả tiền đồ ăn (khi tụi em đặt đồ ăn trên mạng). Anh cũng cần tích lũy chút ít và đang phấn đấu tìm cách để kiếm việc thêm, tăng thu nhập rồi còn mua nhà.

Cãi nhau một hồi, anh nói rằng nếu em cho là anh tính toán với em và không muốn đóng góp, thì khi anh mua nhà được, hai đứa cũng phải thỏa thuận rằng nhà đó là nhà của anh, em không có phần đóng góp gì, để nếu có ly hôn thì mọi việc được công bằng, rõ ràng, bớt tranh cãi.

Em nói rằng anh tính toán thế với em thì làm sao sống được, nên ly hôn ngay từ bây giờ tốt hơn. Anh bảo rằng muốn thì ly hôn, anh thấy em yếu đuối, không ai lo lắng, chăm sóc (mẹ em mất sớm, ba lấy dì ghẻ về không thương em nên em mới phải bỏ học, không học được lên tới đại học) nên muốn chăm lo cho em. Nhưng đã là cuộc sống chung thì ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp chung, anh không có ý định nuôi một con búp bê...

Em nghe rất tức giận, vì em cũng có đi làm, tự lo được cho bản thân. Còn anh hơn em gần 10 tuổi mà còn muốn vợ trẻ phải chia sẻ gánh gia đình thì quả là người chồng không xứng đáng.

Em cũng muốn ly hôn ngay, nhưng còn chút chần chừ, phân vân, vì bạn bè em người bênh anh, người bênh em. Ai nói nghe cũng có phần có lý.

Bạn gái em nói rằng cứ tạm thời sống với anh đi, góp hàng tháng 3 triệu cũng được, còn rẻ hơn ra ngoài tự thuê nhà sống. Chừng nào tích cóp được vốn liếng thì hãy ly hôn. Ít ra bây giờ cũng không phải lo tiền ăn uống, sinh hoạt thông thường. Nhưng em nhìn mặt người đàn ông không đáng đàn ông đó ghét quá.

Theo chị em nên làm gì ạ?

Hoài Hương

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Hoài Hương thân mến,

Em không nói độ tuổi của mình, nhưng Hạnh Dung đoán em còn rất trẻ, một phần rất lớn lý do của phỏng đoán này là vì cảm nhận qua những dòng thư em viết, em thật sự chưa trưởng thành, em chưa hiểu được ý nghĩa của gia đình, hôn nhân và vai trò của mỗi thành viên trong gia đình đó, đặc biệt là của người chồng và người vợ.

Em có một điều may mắn hơn những cô vợ trẻ khác, là chồng em tự quyết được việc ra ngoài sống riêng, để vợ chồng được độc lập, tự chủ. Điều này nhiều cô dâu trẻ mơ ước cũng không có được.

Mới về làm dâu, nhất là với một cô dâu trẻ, ít kinh nghiệm, lại không quen chịu vất vả chăm sóc gia đình như em (không chịu đi chợ vì sợ nắng), thì mâu thuẫn khi sống chung với nhà chồng có lẽ là điều không tránh khỏi. Chồng em có lẽ cũng đã vì thế mà muốn sống riêng.

Việc chồng em yêu cầu em có những đóng góp tối thiểu cho đời sống chung của hai vợ chồng là chuyện theo chị cũng không có gì gọi là tính toán hay keo kiệt như em nghĩ. Thật ra, chính em cũng phải thấy rằng mức đóng góp của em, anh ấy đã tính toán hợp lý, chỉ là vừa đủ để em thể hiện vai trò của mình, sự trách nhiệm của mình với đời sống chung mà thôi. Còn lại, mọi thứ khác thì anh ấy đã tự lo cả.

Thật ra, Hạnh Dung cũng hơi thắc mắc là vì sao anh ấy lại yêu cầu ở em một mức đóng gần như tượng trưng, chẳng đáng gì so với những chi tiêu lớn của một gia đình? 3 triệu đó, nếu cố một chút, anh ấy có thể bao sân được hết cho em, tránh những phiền não, gây gổ.

Nhưng cũng chính vì vậy mà Hạnh Dung nghĩ chồng em thật sự muốn em trưởng thành, tự lập và biết sống có trách nhiệm thông qua việc đóng góp tiền hàng tháng. Dù chỉ là tượng trưng, nhưng nó cũng cho em vai trò trong gia đình, để em có được sự tự tin, đàng hoàng về vị trí của mình, chứ không phải là một con búp bê như anh ấy nói.

Phân tích với em về những điều này, nhưng Hạnh Dung không khẳng định rằng em nên hay không nên ly hôn với người chồng đó. Bởi tình cảm, sự tôn trọng, yêu thương giữa hai người không tùy thuộc vào chuyện ai đúng ai sai. Nó còn tùy vào quan niệm, suy nghĩ, cách sống... của mỗi người, và cách họ cảm nhận rằng người kia có phù hợp với những điều mình mong muốn, những tiêu chuẩn của mình hay không.

Tuy nhiên, những lời bạn em khuyên em vì sao không nên ly hôn lúc này, thì Hạnh Dung thấy em không nên nghe theo. Nếu em cảm thấy người chồng này không đáp ứng được nhu cầu của em, một cô gái trẻ xinh đẹp, và giữa em với người đó chẳng có gì để gắn bó với nhau nữa, ngoài những tính toán thiệt hơn về một sự tạm bợ gắn bó để "chờ thời", thì Hạnh Dung nghĩ em nên có những quyết định dứt khoát sớm.

Không phù hợp nhau, nhìn nhau thấy ghét, không có hướng nào tích cực hơn để phát triển mối quan hệ, để nó trở nên tốt đẹp hơn và có ý nghĩa hơn, thì thà sớm chia tay nhau, mỗi người sẽ có sự vui vẻ, thanh thản của mình, và có thêm những cơ hội để tìm được những điều phù hợp với mình.

Theo phụ nữ TPHCM