Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi 34 tuổi, chồng 40 tuổi, sống tại Hà Nội. Chúng tôi có 2 con gái: 5 tuổi và 3 tuổi. Hai vợ chồng đều ở quê lên thành phố, cha mẹ ở xa nên suốt 2 lần sinh con (lần sau phải sinh mổ), chúng tôi phải tự lo liệu mọi thứ.
Thu nhập của tôi không cao, nên khi sinh con thứ hai, chồng nói tôi ở nhà trông con, để mình anh đi làm được rồi. Tiền thuê người giúp việc và nuôi họ ăn ở, có khi còn cao hơn tiền lương của tôi, mà lại phiền ra.
Thấy anh nói hợp lý, tôi đồng ý. Dù chăm hai đứa con nhỏ không người hỗ trợ, tôi vô cùng vất vả, nhưng biết chồng đi làm cực khổ, rồi còn nhận việc về làm thêm, tôi chẳng dám than van, vẫn cố gắng giữ nhà cửa sạch sẽ, cơm ngon canh ngọt cho chồng vui.
Thế nhưng chồng thấy tôi vén khéo như vậy, thì lại nghĩ mọi chuyện dễ dàng. Anh vừa bàn với tôi, hay mình sinh thêm đứa nữa, mà lần này canh cho được con trai để cha mẹ anh yên tâm. Anh nói bạn anh mới canh thành công. Anh muốn sinh luôn một lần rồi nghỉ cho khỏe.
Dường như anh không nhận ra sự vất vả của tôi. Hơn nữa, ở nhà quá lâu, tôi thấy cuộc sống của mình thật đáng chán. Chỉ mong con đi mẫu giáo để có thể xin đi làm, vừa có thu nhập, được ra ngoài.
Tôi đi làm, chồng cũng bớt được gánh nặng, để vợ chồng kết nối với nhau. Chứ như bây giờ, vợ chồng gần như không có thời gian trò chuyện. Cả anh và tôi đều quá mệt vào buổi tối, khi các con đã ngủ, anh và tôi đã làm xong việc.
Nhưng chồng tôi không chịu, anh nói anh mệt, anh chịu được, sao em không chịu được. Anh còn có ý nói là tôi không đẻ con trai thì anh sẽ đi kiếm con trai bên ngoài. Khi đó ai thiệt thì biết.
Anh nói tôi sung sướng mà không biết hưởng. Vợ người ta đi làm đầu tắt mặt tối, tôi ở nhà lúc nào cũng tinh tươm, không va chạm ai, chồng thì lo lắng chu toàn mọi thứ. Nhưng tôi đâu có mong như thế. Tôi chỉ muốn đi làm và nuôi dạy 2 con gái cho ngoan, giỏi là được rồi.
Tôi nên thuyết phục chồng như thế nào đây?
Hoa Lan
|
Ảnh minh họa |
Chị Hoa Lan thân mến,
Thẳng thắn mà nói, việc chồng chị hay ba má chồng chị thích có một đứa con trai, một đứa cháu trai thì cũng chẳng có gì là sai trái cả. Nếu không nói về ý thức hệ phong kiến, trọng nam khinh nữ, thì hầu như ai cũng thích gia đình có đủ cả con trai lẫn con gái.
Bởi thật sự là tình cảm của con trai và con gái đối với cha mẹ có những cách thể hiện khác nhau, và nếu có được cả hai, thì đó là sự trọn vẹn dễ thương nhất.
Thế nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn hay đủ điều kiện để có cả trai lẫn gái, cũng không phải vợ chồng nào cũng cùng mong muốn có được cả trai lẫn gái, dù điều kiện sống đang khó khăn hay sức khỏe của cả hai không phù hợp.
Khi những mong muốn của vợ chồng khác nhau, thì giữa hai người cần phải có sự bàn bạc với nhau trên tinh thần thấu hiểu và thông cảm.
Người nào thấy rằng mình không muốn điều đó thì cũng phải nói rõ lý do vì sao mình không muốn. Người nào rất muốn thì phải lắng nghe lý do của người kia, và đưa ra những phương án giải quyết những lý do của người kia. Có như thế, mọi việc mới được thông cảm và chấp nhận một cách hòa bình, tốt đẹp.
Ví như bây giờ, chị có những lý do quan trọng nhất: chị muốn có thời gian cho mình, muốn chồng hiểu sự vất vả, cực khổ khi một mình chăm 2 con nhỏ, muốn đi làm kiếm tiền, có giao tiếp xã hội... Tất cả những mong muốn của chị đều chính đáng và anh phải nghe, phải hiểu.
Để anh có thể dễ dàng hiểu những khó khăn của chị trong một ngày, chị có thể yêu cầu anh thử ở nhà một mình chăm con 1, 2 ngày. Hãy giao cho anh một cái list những việc cần làm với các con, rồi tự hẹn hò bạn bè đi cà phê, hay về nhà bố mẹ nghỉ ngơi. Xem anh thu xếp mọi việc thế nào. Cam đoan với chị là anh sẽ sợ tái mặt!
Hãy cho anh biết rằng chị có nhu cầu đi làm, kiếm tiền cho những chi tiêu riêng của mình, đi chơi, mua sắm... Chị đã phải hy sinh hết thời gian, sự ham muốn của mình, vì nhìn anh phải vất vả cả làm chính lẫn làm thêm mới đủ cho gia đình.
Hãy hỏi xem anh có khả năng giải quyết mọi vấn đề của chị hay không? Có đủ khả năng lo cho 3 đứa con và cả chị hay không?
Một điều hết sức tệ hại ở đây, là anh có ý nói rằng sẽ ra ngoài kiếm con trai. Đó là một phát biểu rất thiếu tôn trọng chị, tôn trọng gia đình, và thể hiện con người anh trong một góc độ rất xấu. Anh cần phải hiểu điều đó không xứng đáng được thốt ra, dù chỉ là dọa dẫm hay đùa cợt.
Thuyết phục bằng lời nói và lý lẽ, nhưng chị cũng phải thể hiện cả thái độ cương quyết, cứng rắn, dù rất ôn hòa. Hãy hướng mong muốn của anh vào việc giải quyết các vấn đề, và thể hiện thiện chí chờ đợi sự giải quyết ổn thỏa của anh, để có thể nâng cao đời sống gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM