Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em và chồng lấy nhau được 6 năm, có 2 con. Vợ chồng em dự định lập nghiệp ở Sài Gòn, nhưng vì một vài lý do, nên chồng em muốn về quê nối nghiệp ba mẹ.

Em không đồng ý, bởi con đang đi học. Hơn nữa, em ngại về sống và làm chung với gia đình chồng sẽ không thoải mái và không có dư. Nếu ở Sài Gòn, chồng em ở chung và làm chung với gia đình em, anh cũng không thoải mái và áp lực. Anh nói ba mẹ anh ở quê có việc làm sẵn rồi, mình về tiếp tục và tự lập nghiệp không phải phụ thuộc bên vợ.

Em rất bối rối không biết phải làm sao, về quê chồng cũng không xong, mà ở Sài Gòn cũng không yên. Mong chị tư vấn giúp em. Em cám ơn chị!

Hue Nguyen

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Hue Nguyen thân mến,

Trong hoàn cảnh của tụi em, theo như cách cả hai em đánh giá, hiện giờ chỉ có hai con đường để lựa chọn: một là bỏ Sài Gòn, về quê chồng. Hai là tiếp tục bám trụ ở lại Sài Gòn. 

Con đường nào, theo cách nói của em, thì cũng có cái khó của nó, và không có sự hài lòng chung cho cả hai vợ chồng. Vậy thì chỉ còn cách là so sánh, xem con đường nào ít khó hơn, nhiều thuận lợi hơn, dù chỉ một chút, thì chọn thôi.

Vợ chồng em đã sống ở Sài Gòn mấy năm, đã sinh con ở đây, thế nhưng đến giờ lại phát sinh vấn đề (gì đó, em không viết nên Hạnh Dung không biết), nên chồng em có ý muốn về quê lập nghiệp. Vấn đề đó có phải là chuyện phải sống chung với nhà vợ, và làm với nhà vợ hay không? Hay là vấn đề khác? Nếu là vấn đề khác thì kể như con đường này sẽ khiến xuất hiện thêm vấn đề, cả mới cả cũ cộng lại.

Nếu về quê chồng thì có thể giải quyết được những vấn đề vừa xuất hiện, nhưng lại có thêm vấn đề mới: là em ngại sống chung, làm chung với gia đình chồng và sợ không có dư.

Tính toán cộng trừ thì thấy rằng con đường về quê chồng có thể là ít vấn đề hơn một chút. Nghĩa là nó giải quyết được "vài lý do" mà em đề cập tới ngay đầu thư. Còn nếu các em ở lại Sài Gòn, thì không biết có giải quyết được những lý do đó hay không, khi mà mọi việc cũng chỉ như cũ?

Có một điều khó khăn nữa, là tâm lý ngại về sống chung với gia đình chồng của em có thể còn không nặng nề bằng tâm lý của người đàn ông phải chịu cảnh sống chung và nhờ vả gia đình vợ. 

Dù gì thì phụ nữ chúng ta với chuyện làm dâu cũng không phải gánh chịu những mặc cảm tâm lý nặng nề như người đàn ông trụ cột mà không lo nổi cho vợ con, phải nhờ cậy vào đằng ngoại. 

Tất nhiên, đây chỉ là những lời bàn mang tính "bề nổi" của vấn đề, vì để có được chọn lựa chính xác, thì còn cần phải có những yếu tố quan trọng, như mối quan hệ của cả em và chồng với gia đình hai bên từ xưa tới nay ra sao, những công việc cùng làm chung với hai nhà đó phù hợp với các em về chuyên môn, khả năng, đam mê, sở thích như thế nào? Phải căn cứ vào cả những yếu tố đó mới có thể quyết định được.

Thiếu quá nhiều dữ kiện để có thể có cho em một lời khuyên xác đáng, Hạnh Dung chỉ biết thêm một lời nhắn nhủ: Điều quan trọng là "Đồng vợ, đồng chồng tát biển Đông cũng cạn". Sự "đồng" này không chỉ là cùng chung một ý nghĩ, một lựa chọn; mà nó là sự "đồng" cố gắng cùng nhau, chấp nhận chia sẻ gian khó với nhau, chấp nhận nhường nhịn hy sinh cho nhau, để có thể có được những chọn lựa - nếu không phải là tốt nhất, thì cũng là hợp lý nhất.

Biết đâu khi bàn thật sâu, thật kỹ và lòng tin tưởng mạnh mẽ vào nhau, sẽ cho các em lòng can đảm để có thể có một quyết định thứ 3: tự lực cánh sinh để không phải dựa vào ai, chỉ dựa vào chính mình, miễn là được độc lập, tự do và thống nhất cùng nhau.

Theo phụ nữ TPHCM