Sau gần 2 tuần im lặng, tôi nhắn tin đề nghị chồng ngồi lại để nói chuyện tháo gỡ những khúc mắc, bất đồng. Chồng tôi đồng ý ngay. Có lẽ anh cũng khó chịu đủ rồi. Đây là thời gian chiến tranh lạnh lâu nhất trong cuộc hôn nhân 8 năm qua của chúng tôi.

Ảnh minh hoạ
Tôi tự tin nghĩ chồng sẽ nhượng bộ... (ảnh minh hoạ)

 

Mọi lần, khi có giận dỗi, thường chồng tôi là người chủ động làm lành, tuy nhiên lần này anh "thi gan" cùng tôi. Dù bề ngoài tỏ ra cứng cỏi, nhưng trong bụng tôi hơi run. Anh vẫn về nhà đúng giờ, vẫn chơi vui vẻ với các con và cùng làm việc nhà với vợ, chỉ có điều anh không hề có dấu hiệu “xuống nước”. 

Tôi sợ đàn ông khi bị vợ làm mặt lạnh lâu đến vậy, ra ngoài dễ bị cám dỗ. Một lời chia sẻ, một sự cảm thông hỏi han của người khác phái... rất dễ dẫn đến sa ngã. Vậy nên tôi quyết định nói chuyện trở lại. Với bản tính mạnh mẽ, tự tin, tôi nghĩ chồng phải nhượng bộ như lâu nay anh vẫn thế.

“Anh giữ nguyên mong muốn được học lên cao. Công việc của anh phải học nữa mới phát triển được. Không phải là em luôn đòi hỏi chồng tiến bộ và thu nhập tốt hơn sao?”.

“Anh đã học cao học, và em nghĩ vậy là ổn rồi. Học nữa rất tốn kém, phải dùng hết số tiền tiết kiệm của cả nhà. Mà anh có chắc học xong, anh sẽ kiếm lại được số tiền đó không?”.

Vợ chồng tôi mới ngồi xuống đã tiếp tục rơi vào tranh luận căng thẳng. Vẫn là chuyện chồng muốn học lên nữa để phát triển, còn tôi thì không muốn. Thu nhập của anh hiện khoảng 20 triệu đồng/tháng, của tôi nhiều hơn thế, nhưng phần tích luỹ của gia đình không bao nhiêu.

Chúng tôi có 2 con, tôi nghĩ ngoài lo cho cuộc sống hiện tại mình cần tích cóp để có chút tài sản cho chúng. Còn tương lai nữa, ai biết ngày mai sẽ ra sao nếu vợ chồng về già không dành sẵn một khoản tiền. Bây giờ chồng đi học thì bao giờ kinh tế gia đình mới lại dư ra được.

Đã nhiều lần tôi động viên chồng tìm công việc khác, vì khả năng của anh có thể nhận mức lương cao hơn hiện tại nhiều lần, nhưng anh nói chỉ thích làm chuyên môn ở công ty hiện tại. Do cơ chế, anh dù có giỏi đến mấy, thì thu nhập bao năm vẫn chỉ có vậy, trừ khi học lên tiến sĩ.

Chồng nói anh không muốn tiếp tục tranh cãi, mà anh muốn tôi lựa chọn. Một là anh đi học và tiền đi học anh tự lo, thời gian này anh sẽ khó có thể đưa tiền sinh hoạt như trước, nên mong tôi cố gắng ủng hộ. Anh cũng yêu cầu tôi đừng hỏi bao lâu sau khi học xong anh mới kiếm tiền bù lại được. Hai là chúng tôi tạm ly thân, anh muốn tập trung hoàn thiện mong ước học hành, bởi lâu nay anh thấy vợ quá chú tâm chuyện tiền bạc, vợ chồng ngày càng xa lạ với nhau, không có tiếng nói chung.

Anhr minh hoạ
Tôi không ủng hộ chồng đi học, vì sẽ rất tốn kém... (ảnh minh hoạ)

 

Tôi sốc đến không thể nói nên lời. Hoá ra anh đã nghĩ rất nhiều để nói với tôi về quyết định của anh. Từ một người chồng mà tôi nghĩ luôn yêu thương, chăm sóc gia đình, nay anh nói chuyện ly thân nhẹ bẫng. Tôi đã sai từ chỗ nào, lúc nào?

Ba tôi nghe xong chuyện của con gái thì nói ngay: “Lần này ba không đứng về phía con được. Con cần hạ cái tôi xuống để lắng nghe nó. Tiền quan trọng nhưng đàn ông cần có sự nghiệp, sự tôn trọng...”. Tôi thêm sốc, không nghĩ người yêu thương tôi nhất là ba cũng phản đối. Tôi đã sai hay sao khi chỉ nghĩ đến cho lợi ích gia đình?

“Có điều này ba tính nói với con mà chưa có dịp. Lâu nay con nhắc tới tiền nhiều quá. Con không thấy mệt à?”, ba tôi vẫn nhỏ nhẹ trong điện thoại.

Tôi ngây người nghe ba nhận xét. Tôi đã thành bà vợ chỉ biết "tiền, tiền" như trong mấy bộ phim truyền hình hay sao? Ba tôi xưa nay chưa hề trách móc con gái bao giờ. Ông đã nói đến thế thì chắc "bệnh" của tôi cũng đã nặng lắm.

Từ cơ quan, tôi nhắn tin cho chồng, tôi muốn trở về nhà sớm, để nghe anh nói kỹ hơn về căn bệnh "tiền tiền" của tôi. Nếu quả thật mọi thứ không ổn, tôi phải tập trung chữa "bệnh", phải nhượng bộ trước yêu cầu anh, bởi tôi không hề muốn mất anh, muốn mất gia đình...

Theo phụ nữ TPHCM