Mới đây, chị Nguyễn Thị M., ở quận Gò Vấp, TPHCM tìm đến Báo Phụ Nữ nhờ can thiệp về việc chồng chị giành quyền nuôi 3 đứa con nhỏ nhưng lại bỏ mặc chúng ở nhà.
Chị M. cho biết chị và chồng có 3 con: 11, 9 và 7 tuổi. Khi ly hôn, chồng chị lấy lý do chị không có việc làm ổn định (chị bán hàng online), không chỗ ở ổn định (chị sống nhờ nhà cha mẹ) và không có thời gian dành cho con (chị bán hàng) nên anh giành quyền nuôi cả 3 đứa trẻ.
Thậm chí, chị M. từng bị trầm cảm trong thời gian chung sống. Đến khi tranh giành quyền nuôi con, chồng chị M. lấy bệnh tình của vợ làm lợi thế cho mình.
|
|
Nhiều người tranh giành quyền nuôi con quyết liệt nhưng sau đó "khoán" cho người khác nuôi (Ảnh minh họa) |
Tại tòa, hay hòa giải giữa hai bên nội - ngoại, chồng chị M. cứ khăng khăng với suy diễn: “Vợ tôi bị trầm cảm, nếu cô ấy nuôi con thì con tôi không đảm bảo an toàn. Bởi trên thực tế cho thấy: có nhiều bệnh nhân trầm cảm đã tự tử, thậm chí giết con”.
Một mặt tìm đủ mọi cách để "dìm" vợ, một mặt anh chứng minh viêc làm ổn định, thu nhập 25 triệu đồng/tháng, có nhà riêng và lâu nay các con đã sống, học tập ổn định ở môi trường này. Vì lẽ này, toà đã tuyên quyền nuôi 3 con thuộc về người chồng (chị M. cũng xin nuôi cả ba con, chứ không yêu cầu chia con, vì chị không muốn các con bị chia cắt).
Tranh giành, thu thập bao chứng cứ để chứng minh vợ không đủ tài chính nuôi con, nhưng khi được quyền nuôi con thì chồng chị cho 3 đứa con tự quản - với lý lẽ "rèn các con tự lập".
Thức ăn thì anh đặt giao đến nhà. Học hành thì đứa lớn dạy đứa bé. Tắm rửa, vệ sinh thì tụi nhỏ tự bảo ban nhau. Những tối ba có việc, hay đi nhậu chưa về thì ba anh em lấy điện thoại làm bạn. Hè này, ba đi làm thì ba anh em ở nhà được chơi điên thoại thoả mái.
Chị M. nấu cơm, mang thức ăn cho con, chăm sóc con thì anh lấy cớ "tụi nhỏ không quen thức ăn lạ, dễ bị đau bụng. Mỗi lần gặp mẹ, được mẹ chiều là tụi nhỏ không vâng lời, mất nề nếp, tính tự lập".
Biết mình yếu thế, nên hiện tại chị M. chịu vất vả mua bán và chi tiêu tiết kiệm để có thu nhập ổn định, mua nhà để xin thay đổi quyền nuôi con. Dù đường còn xa và khá ghập ghềnh, nhưng chị M. tâm sự: "Em không bao giờ ngừng hy vọng được nuôi con. Em sẽ làm mọi cách để mẹ con được về bên nhau, cũng như em sẽ không bao giờ cản trở tình cha con".
|
|
|
Con cái sẽ chịu nhiều tổn thương khi ba mẹ tranh đoạt quyền nuôi mình (Ảnh minh họa) |
|
Tranh giành con khi ly hôn, điều đáng buồn là đôi lúc chưa hẳn vì tình thương yêu con trẻ được đặt lên trên hết, mà có người giành vì muốn chiến thắng cựu bạn đời, hoặc đánh đòn chí mạng vào đối phương, vì biết đứa con là núm ruột của vợ/chồng.
Tôi đã từng chứng kiến người hàng xóm và mẹ anh ta đã giành con với vợ bằng tất cả. Nhưng khi tòa tuyên giao quyền nuôi con cho người vợ, thì sau đó, anh ta và cả nhà nội không thèm ngó ngàng, thăm cháu. Thằng bé nhớ cha, vợ cũ nhắn tin anh đến thăm con, thì anh ta và gia đình hả hê nhắn lại: “Không nuôi được thì giao qua đây, chứ không tới lui gì hết”.
Theo phunuonline.com.vn