Chị bàng hoàng khi phát hiện ra tin nhắn đòi nợ của một cô đồng nghiệp trong điện thoại chồng. Chị tìm hiểu thêm thì biết anh đã vay một khoản tiền 10 triệu đồng trong 2 tháng với 800.000 đồng tiền lãi. Giờ cô ấy nhắn tin nhắc anh trả dần tiền gốc vì quá hạn.

Chị chụp lại tin nhắn, cố gắng giữ bình tĩnh để hỏi chồng: “Anh có nợ nần gì ai không?”. Lúc đầu anh khẳng định không vay nợ, khi vợ đưa tin nhắn ra, anh mới thừa nhận.

Anh nói mượn tiền để lo việc xây nhà thờ họ bên nội, chị nghe mà hoảng hốt. Bởi trước đó, vợ chồng chị đã đóng góp 15 triệu đồng cho việc này, theo số tiền quy định cho từng gia đình. Về sau, chị mới biết anh đã cao hứng hứa sẽ hỗ trợ thêm một cặp bình gỗ để trang trí, mới phát sinh chi phí và phải đi mượn.

Chị sốc khi biết chồng đi vay nặng lãi. (ảnh minh họa)
Chị sốc khi biết chồng đi vay nặng lãi (ảnh minh họa)

Vợ chồng chị đã nhiều lần cãi nhau vì lối sống của anh, khi nào cũng thể hiện mình là người có tiền. Trước khi lấy chị, anh từng đi xuất khẩu lao động và từng có một số vốn nhỏ trong tay. Nhìn cách anh chi tiêu phóng khoáng nên mọi người nghĩ anh giàu, nhưng không ai biết, khi cưới nhau trong tay anh chỉ còn 10 triệu đồng do trước đó tham gia buôn bán gỗ thua lỗ nên mất sạch vốn. 

Anh xin vào lái xe cho công ty với mức lương 5 triệu đồng. Khổ nỗi, cha mẹ chồng và họ hàng nhà nội cho rằng anh có tiền nên có việc gì cũng gọi anh đóng góp đầu tiên. Trong khi đó mọi việc trong nhà đều do chị tính toán lo liệu, ngay cả vay mượn mua đất làm nhà.

Tính chị ít than thở, kể khổ với ai nên mặc nhiên nhà nội đinh ninh nhà đất của anh chị đều nhờ vốn liếng của anh mà có. Nhiều lần chị định nói thẳng với nhà chồng về hoàn cảnh của anh chị, nhưng anh can ngăn vì không muốn cha mẹ buồn. Chị nghĩ, nếu nói ra cũng chẳng ai giúp gì mình mà thêm mang tiếng nên thôi. Nhưng càng ngày, cách cư xử của chồng càng làm chị không chịu đựng được.

Có lần, anh nói dối chị công ty nợ lương, nhưng sau đó, chị phát hiện ra chồng lấy tiền lương để phụ xây hàng rào cho nhà nội. Điều chị thấy bất công là trong mắt cha mẹ chồng thì nhà chị khá giả còn nhà 2 chú em đều khó khăn. Mảnh đất của cha mẹ cũng chia làm 2 một nửa cho chú Ba làm nhà, còn ngôi nhà đang ở của chú Út. Vậy mà bất cứ chuyện gì liên quan đến sửa sang nhà cửa đều gọi đến anh đóng tiền lo liệu.

Nếu anh chị giàu có thì chị không tiếc gì, đằng này lương anh thấp, chị phải xoay xở làm thêm buôn bán mới đủ chi tiêu gia đình và trả nợ. Nhiều lần chị nói với chồng cứ sống thật với hoàn cảnh của mình, đừng “gồng” quá làm gì mà khổ. Nhưng tính anh sĩ diện vừa muốn làm vui lòng cha mẹ vừa thích thể hiện bản thân.

Sau mấy lần anh giấu diếm chuyện tiền bạc, chị đề nghị chồng đưa thẻ lương cho mình quản lý và lại sinh chuyện anh đi vay lãi này. 

Vợ chồng chị đã nhiều lần cãi nhau vì cách sống sĩ diện của anh, khi nào cũng thể hiện mình là người có tiền
Vợ chồng chị nhiều lần cãi nhau vì anh hay thể hiện mình là người có tiền (ảnh minh họa)

Nếu như cha mẹ chồng đau ốm, chị sẵn sàng chi tiền để lo thuốc thang, nhưng trong khi tiền học tiền mua sữa cho con không có mà anh vung tiền để làm bể cá hòn non bộ, đóng trần nhà cho nhà nội... chị thấy uất ức.

Lần này chị quyết định im lặng, không càm ràm trách móc chồng, nhưng trong đầu nung nấu ý định ly hôn.

Chị tâm sự với mẹ ruột, bà nói: “Chồng con vay tiền không hỏi ý kiến vợ là sai nhưng nó không phá phách gì, chỉ là lo cho cha mẹ nên không đáng trách. Vợ chồng phải biết dung hòa, nghĩ đến điểm tốt của nhau thì trong ấm ngoài êm được chứ bản tính rất khó thay đổi”.

Chị cũng hiểu điều đó, nhưng lẽ nào chị sẽ phải chấp nhận tính cách này của chồng. Như thế thì một đời sẽ rất dài…

Theo phụ nữ TPHCM