Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng cưới nhau 20 năm, đã trải qua biết bao buồn vui, sướng khổ. Chồng em rất thương yêu gia đình, chỉ mỗi tội anh làm gì cũng không bao giờ nói thật với em. Lâu ngày em đâm ra nghi ngờ, không còn dám tin tưởng vào bất cứ việc gì anh ấy nói.

Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, là anh bỏ nhà đi vài ngày, chờ em năn nỉ mới chịu về, dù người có lỗi là anh chứ không phải em. Những lần như vậy, em cảm thấy nhục lắm, thấy mình nhu nhược, yếu đuối, luỵ chồng, trong khi tài chính em hoàn toàn độc lập chứ không phụ thuộc vào anh ấy.

Bây giờ em hoang mang lắm. Ly hôn thì không được, còn tiếp tục sống chung thì cứ thấy mặt chồng, là em bắt đầu suy nghĩ đến những việc anh ấy dối gạt mình. Em phải làm sao hả chị Hạnh Dung?

Nguyễn Thị Thảo

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Em Thảo thân mến,

Điều quan trọng nhất trong đời sống vợ chồng, chính là lòng tin vào nhau. Nên bức thư của em khiến Hạnh Dung... hoang mang không kém sự hoang mang của em, vì không biết nói sao về những điều em kể: một người chồng rất thương gia đình, nhưng lại không bao giờ nói thật, hễ cãi nhau thì bỏ đi vài ngày, chờ vợ năn nỉ mới về.

Quan trọng là em và chồng đã có 20 năm hôn nhân, "trải qua bao buồn vui, sướng khổ cùng nhau", như em viết. Vậy thì khi chỉ toàn dối trá nhau, khi không có chút lòng tin vào nhau, thì trong 20 năm đó, có bao nhiêu buồn, bao nhiêu vui? Để cho đến giờ này em vẫn có cảm giác tủi nhục, thất vọng về bản thân vì thấy mình nhu nhược, yếu đuối? 

Từ những điều em kể, và suy từ tâm lý chung của phụ nữ, Hạnh Dung đoán là những việc chồng em nói dối có lẽ là không lớn lắm, và chắc chắn chúng không ảnh hưởng ghê gớm tới hạnh phúc của em, cho nên gia đình em vẫn đủ "buồn - vui" suốt 20 năm.

Vì nó là những điều vặt vãnh và không thường xuyên, nên chồng em không thấy đó là điều to lớn, không thấy lỗi của mình. Và việc cằn nhằn, trách móc của em khiến chồng hết sức mệt mỏi, bực bội, nên anh ấy mới bỏ đi, để tránh bị nghe nói dai, nói dài, nói mãi.

Một điều khác nữa, Hạnh Dung nghĩ là trong đời sống gia đình, có thể anh ấy không tin tưởng em trước, anh đề phòng những cãi vã khi em không thông cảm, không chấp nhận những điều anh ấy làm. Cho nên anh ấy mới phải nói dối vài vấn đề nhạy cảm giữa hai người.

Cũng vì những điều đó không ghê gớm, nên em đành chấp nhận xuống nước năn nỉ chồng quay về nhà. Để rồi sau đó, theo tâm lý thông thường, em lại thấy bực bội, tức tối vì mình phải xuống nước. Điều quan trọng là mọi việc sẽ cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Từ những suy đoán và phân tích trên, Hạnh Dung nghĩ em nên xem xét lại tất cả những bực bội, giận dỗi của mình, xem xét lại nguyên nhân nói dối của chồng, để thấy rằng chúng có nghiêm trọng không, có khiến em mất đi lòng tôn trọng anh ấy không, có là nguy cơ cho việc đổ vỡ gia đình không (kiểu như ngoại tình, bài bạc...)

Nếu đó vẫn chỉ là những việc nhỏ, có thể bỏ qua được, thì hãy bỏ qua. Đừng tạo cớ cho chồng bỏ nhà đi rồi lại phải năn nỉ anh ấy quay về. Hoặc em chọn cách trò chuyện đàng hoàng, dứt khoát với chồng, để hiểu vì sao anh ấy nói dối, anh ấy có thể tin tưởng em để không phải giấu diếm chuyện này chuyện kia nữa hay không?

Khi có những chuyện không hay xảy ra, nên cùng nhau tìm cách giải quyết ngay, đừng để mọi chuyện dẫn dắt chúng ta từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, từ đúng thành sai, khi so bì, tị nạnh cách đối xử với nhau, em nhé!

Theo phụ nữ TPHCM