Chúng tôi đã được bên nhau (ảnh minh họa)
Mãi rồi chúng tôi cũng được thoải mái bên nhau (Ảnh minh họa)

Tôi là người miền núi xuống miền xuôi làm công nhân cho một công ty liên doanh với nước ngoài ở khu công nghiệp. Tại đây, tôi gặp vợ tôi, và sau khi chúng tôi cưới, mẹ vợ khuyên chúng tôi nên sống chung với ông bà, vì nhà ông bà rộng rãi, có vườn thả gà, ao nuôi cá, sinh con ra ông bà trông nom giúp, khi nào tích lũy đủ tiền thì mua đất xây nhà ở riêng.

Tôi có nhiều băn khoăn, vì khi đó nhà còn cô em vợ. Cô ấy còn trẻ, nhưng đã sớm kết hôn tới 2 lần và sớm ly hôn cả 2 người chồng đó, hiện cũng sống cùng cha mẹ. Nhưng vì vợ, vì thu nhập thấp nên tôi vẫn đồng ý sống cùng nhà vợ. Rồi chuyện phiền phức và khó xử đã xảy ra.

Vợ tôi sinh con được vài tháng thì em vợ cũng sinh con. Cô ấy tuyên bố đã đến lúc ổn định cuộc sống rồi. Làm mẹ đơn thân với cô là một quyết định đơn giản, dễ dàng, không phải đắn đo hay giấu giếm như nhiều phụ nữ quyết định làm mẹ đơn thân khác.

2 đứa trẻ đều được cả gia đình chăm lo, tuy con của cô em vợ có phần được ưu tiên hơn, vì "thiệt thòi do không có bố". Nhưng, đứa trẻ đó lanh lợi, mạnh mẽ hơn con trai tôi. Cuộc chiến của chúng, tuy là trẻ con, nhưng ngày nào cũng quyết liệt. Đó là cuộc chiến giành… bố. Tức là tôi.

Không hiểu do cô em vợ dạy, ông bà ngoại dạy, hay gì, nhưng từ lúc bắt đầu biết đi, biết chạy, cháu bé cứ bám riết lấy tôi, và khi cháu biết nói, thì cháu luôn gọi tôi là “bố”.

Chỉ thế thôi cũng không đáng phiền lắm, mà để chứng minh “quyền làm chủ bố” của mình, hễ tôi về nhà là thằng bé tìm mọi cách “chiếm hữu”. Nó đẩy con trai tôi ra xa, cào cấu, đánh và ăn vạ hàng tiếng đồng hồ nếu thấy tôi bế con trai tôi mà không bế nó. Hễ con trai tôi phản ứng, hay giành được “bố”, là em vợ hay ông bà ngoại lại la mắng nó, bảo nó phải nhường em, cho em chơi với bố cùng.

Con trai tôi bỗng dưng bị người khác giành bố, cháu dần xa lánh tôi (Ảnh minh họa)
Con trai tôi bỗng dưng bị giành bố, cháu dần xa lánh tôi (Ảnh minh họa)

Con trai tôi bị em đánh, không được bố bế, không được bố chơi cùng, tự nhiên cháu trở nên xa lánh tôi. Thành ra, chính tôi lại khó xử khi về nhà. Muốn chơi với con, muốn được âu yếm vỗ về con mà không lo con bị đánh, bị cào mặt ăn vạ... Tôi cứ phải vội vàng tắm gội rồi ôm con vào phòng riêng đóng chặt cửa.

Vợ tôi thấy phiền phức và cô ấy ra mặt thể hiện. Nhưng ông bà ngoại, cô em vợ lại không thấy điều đó. Họ mặc nhiên cho rằng việc đứa trẻ kia coi tôi là bố nó là bình thường và tôi có trách nhiệm làm “người cha” của cháu, thậm chí còn phải kiêm nhiệm việc dạy dỗ cháu, chơi với cháu, đối xử với cháu thay thế vai trò của người cha vắng mặt của cháu.

Quanh tôi bắt đầu có lời ong tiếng ve. Mấy cậu bạn cùng tổ sản xuất bóng gió xa xôi “hoa thơm hái cả cụm”, ám chỉ việc tôi cùng lúc sống chung với 2 chị em gái. Vợ tôi cũng phải chịu áp lực khi chị em cùng xưởng liên tục “cảnh báo” mối quan hệ nguy hiểm giữa anh rể và em vợ.

Cuối cùng, một ngày nọ, khi tôi đi làm về nhà, thấy ông bà ngoại mặt hằm hằm đứng chống nạnh. Trong căn phòng của vợ chồng tôi, đồ đạc đã được chuyển đi hết. Thì ra, vợ tôi âm thầm tìm một nơi trọ gần công ty, không muốn tôi khó xử, nên tự nhờ mấy chị em cùng công ty giúp dọn đồ đi ngay trong ngày.

Đến nơi ở mới, dù phải gửi con đi nhà trẻ vì không còn ông bà ngoại trông giữ hộ, nhưng chúng tôi thấy thực sự thoải mái. Mỗi ngày đi làm về, đón con về cả nhà tôi vui vẻ bên nhau, không còn cảnh tranh giành “bố” của 2 đứa trẻ. 

Sau đó, mối quan hệ giữa chúng tôi và ông bà ngoại cũng tốt hơn. Có lẽ ông bà hiểu rằng việc chúng tôi chuyển ra ngoài là đúng. Vài năm sau chúng tôi tích lũy được tiền mua đất, vay mượn thêm bè bạn đôi bên để xây được ngôi nhà nhỏ.

Vợ tôi nói, dù sao cũng cảm ơn em gái. Nếu không có áp lực từ mẹ con cô ấy, chưa chắc chúng tôi đã phấn đấu và có được tổ ấm hôm nay.

Theo phụ nữ TPHCM