Rằm Trung thu đã sát gần, không thấy tôi nói đến chuyện biếu bánh Trung thu cho ông bà nội và các em, các cháu bên chồng, chồng tôi hỏi: “Năm nay vợ không biếu ông bà và bên nội mấy chiếc bánh làm thảo ư”?

Tôi trả lời: “Vợ không biếu, vì ông bà có ăn đâu, lại để bánh mốc, vứt đi phí hoài. Số bánh đó bao trẻ em nghèo, trẻ vùng cao khát khao mà không dễ có”.

leftcenterrightdel
 Không sử dụng, nhưng họ vẫn nhận quà rồi vứt bỏ (Ảnh minh họa)

Chẳng là mấy năm nay tôi học làm bánh Trung thu để kiếm thêm thu nhập. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên tôi không sử dụng chất bảo quản. Do đó, hạn sử dụng của sản phẩm là rất ngắn. Năm nào tôi cũng biếu bố mẹ chồng một đôi hộp bánh, các em chồng mỗi nhà một hộp. Ai cũng vui vẻ nhận. Tôi cứ ngỡ hàng "handmade” thì dễ được lòng mọi người lắm. Có biết đâu...

Đầu thu năm nay, Loan, cháu ngoại lớn nhất của bố mẹ chồng tôi bảo: “Bác Thư ơi, năm nay bác có làm bánh trung thu handmade nữa không? Nếu bác làm, thì đừng cho nhà cháu nữa, mẹ cháu toàn vứt đi thôi”.

Khỏi phải nói tôi choáng thế nào. Thấy mặt tôi nghệt ra, mẹ nó, tức là cô em chồng tôi vội bào chữa: “Tại mẹ không cho bọn em ăn. Mẹ bảo chị làm bánh cho hóa chất gì ấy, ăn vào độc hại lắm. Mẹ bảo thấy chị làm bánh dẻo, bột khô mà chị chỉ cần đổ nước gì vàng sánh vào là bột chín. Chỉ hóa chất mới thế. Nên mấy năm nay mẹ toàn vứt hết đi, cũng bắt bọn em vứt đi luôn”.

Tôi rất giận. Mặc dù mấy năm nay tôi đã ngờ ngợ về việc bố mẹ chồng, các em chồng có ăn bánh tôi tặng hay không, vì không thấy họ phản hồi gì. Nhưng tôi không ngờ họ lại làm như thế. Nếu họ hỏi, tôi sẽ nói rằng thứ nước “hóa chất” mà tôi dùng thực ra chỉ là nước đường chưng lên. Bột làm bánh dẻo là bột nếp được nghiền mịn từ gạo nếp đã được sấy chín, hoặc bung chín dạng bỏng gạo, nên bản thân bột đã là bột chín, chỉ cần ngào với nước đường là có thành phẩm để đóng khuôn bánh dẻo.

Điều tôi buồn nhất là nếu họ không ăn và không muốn nhận thì chỉ cần nói họ không quen dùng, để số bánh đó tôi đem biếu tặng người khác, sao lại đem vứt đi như thế.

Mẹ chồng, em chồng tôi trước nay là những người "tôn thờ" thực phẩm không hóa chất. Bất cứ thứ gì được bày bán ngoài chợ hay đóng hộp, họ đều cho rằng thực phẩm đó bị dùng thuốc ngâm tẩm bảo quản. Thấy cái gì họ cũng bảo "đừng có ăn, độc đấy".

Nhưng nực cười là họ lại rất chuộng các kiểu nước uống đường phố. Mùa hè, ngày nào bà cháu mẹ con cũng uống ít nhất một ly trà sữa, chè cháo các kiểu ở vỉa hè. Tôi không nói trà sữa, chè cháo đó có hóa chất hay không, nhưng không hẳn chỗ nào bán cũng đảm bảo vệ sinh.

leftcenterrightdel
 Quà tặng chỉ có giá trị với những người trân trọng chúng (Ảnh minh họa)

Còn bánh Trung thu. Mấy năm mẹ chồng tôi hay khoe những hộp bánh mà cô em chồng được tặng, thứ bánh người ta sản xuất từ đầu tháng 6 âm lịch, để bán suốt hơn hai tháng cho đến rằm Trung thu. Lúc nào mẹ chồng tôi cũng bảo cô em chồng hay được tặng bánh xịn xò. Hóa ra bà chê tôi làm bánh có “hóa chất”.

Năm nay tôi quyết định không tặng bánh tôi làm cho gia đình bên chồng, không chỉ vì họ đối xử tệ với bánh của tôi. Trước đây, vì quý mến thông gia, mẹ đẻ tôi thường dành biếu những món quà nhỏ bà tự làm, và rất vất vả để làm được, như đậu xanh, đậu đen, gạo nếp, bột sắn dây... (những ai từng tự tay làm bột sắn dây thì biết các công đoạn để có được một bát bột trắng mịn vất vả như thế nào).

Nhưng mẹ chồng tôi không bao giờ dùng. Bột sắn để cả năm không bảo quản cẩn thận, mốc rồi đổ đi. Các loại đậu cũng vậy, để mọt ăn rỗng rồi cũng vứt bỏ. Thật kỳ lạ, không dùng, nhưng mẹ chồng vẫn nhận, với vẻ hân hoan, khiến cho mẹ tôi năm nào cũng biếu hàng cân nông sản tự trồng. Khi biết công sức và tấm lòng của mình bị đối xử tệ bạc như thế, mẹ đẻ tôi buồn lắm. 

Không tặng bánh tự làm, nhưng tôi vẫn chuyển tiền vào tài khoản biếu ông bà nội của các con tôi. Thôi thì lòng thảo của vợ chồng tôi, ông bà tiêu gì tùy ý. Quà tặng, dầu sao chỉ có giá trị với người biết trân trọng chúng mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM