Phu-Nu-Noi-Nhieu

Vợ say sưa kể "chiến tích" đi họp lớp (Ảnh minh họa)

Vừa đi làm về nhà, đang bức xúc chuyện cơ quan vì bị sếp mắng, tôi đã nghe vợ khoe nhặng lên chuyện họp lớp.

Váy áo vẫn còn xúng xính, mặt chưa tẩy trang, vừa lướt điện thoại xem ảnh vợ tôi vừa mở đầu: “Cuộc đời thật chả hiểu nổi. Thằng X, hồi xưa đẹp trai, học giỏi nhất lớp. Lớp có 20 đứa con gái thì phân nửa thích nó. Theo trend bọn trẻ bây giờ gọi là soái ca đó. Nó còn chuyên cho bọn em nhìn bài, trong đó có cả thằng H. Thế mà anh biết không, giờ bị vợ bỏ, con cũng không được nuôi, trông ất ơ như thằng mất sổ gạo. Đau nhất là bọn bạn trêu hồi xưa học toán giỏi thế mà đếch biết… giải bải toán cuộc đời. Được cái nó lành, bạn cũ trêu chỉ cười trừ”.

Nghe vợ kể chuyện tôi ngao ngán phụ họa thêm: “Anh thì khác gì nó đâu. Học cũng giỏi nhưng…hành kém nên giờ cũng chỉ là tay viên chức quèn. Hơn thằng H bạn em mỗi cái chưa bị vợ bỏ”.

Như không nghe thấy gì, cô vợ tôi vừa khoe ảnh quàng vai bá cổ với đám bạn trai vừa kể tiếp: “Anh nhớ thằng T không, cái thằng từng là đối thủ của anh hồi tán em đó. Thằng này chỉ học Văn giỏi chứ Toán cực dốt. Hắn từng đứng trước cổng nhà em cả đêm chỉ làm thơ tỏ tình nhưng em không thèm tiếp. Người ngợm trông như que củi, chân như tay, tay như tăm. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao giờ lại thành dân… kinh doanh bất động sản khét tiếng trong Sài Gòn. Họp lớp, nó đòi tài trợ cả đấy, còn tặng các thầy cô giáo cũ mỗi người một vé du lịch nghỉ nghĩ dưỡng 5 sao nữa. Khiếp thật! Đời không biết đâu mà lần. Thời đến đúng là cản cũng không được”.

Nghe đến đó, tôi bắt đầu khó chịu. Đàn ông bị so sánh với đối thủ cũ, chả ông nào thích cả, nhất là khi đối thủ giờ lại hơn mình.

“Giá mà ngày xưa em chọn thằng T có phải hay hơn không. Chứ anh đến bao giờ thời mới đến mà cản với trở”, tôi thở dài ngao ngán.

Không cần biết tâm trạng của chồng, vợ tôi chuyển chủ đề sang đám bạn gái: “Cái L, anh còn nhớ không. Còn gọi là L. béo mà em hay nhắc đấy. Thi trượt đại học, nó học trung cấp rồi vào nam làm công nhân. Lớ ngớ thế nào vớ được ông chồng đại gia. Vừa rồi ông con rể về quê xây cả nhà thờ cho bên ngoại, trần đời chưa thấy ai tốt thế bao giờ. Lâu nay nhìn hình ảnh vợ chồng nó đi du lịch nước ngoài như đi chợ, bọn em cứ tưởng nó làm màu. Giờ tận mắt chứng kiến mới thấy, đúng là con người có số! Khét thật!

Nhưng ngon nhất vẫn là con X! Nhà nghèo nhất xã, được mỗi cái chăm chỉ. Hồi đi học suốt ngày bị bắt nạt, lúc nào cũng nước mắt ngắn nước mắt dài. Đúng là thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Ra trường lấy được ông chồng 2 bằng tiến sỹ. Nghe nói làm ở viện nghiên cứu gì gì ấy. Sáng chế cứ đều đều lấy tiền. Sướng nhất là 2 đứa con nhà nó đều đỗ thủ khoa trường chuyên. Chẳng bù cho mấy đứa nhà mình, bố mẹ chưa nói hết câu là cãi như chém chả”, kể đến đây, giọng vợ tôi chùng hẳn xuống.

Sợ mình làm mất hứng trong ngày vui của vợ, tôi động viên: “Em phải tự hào vì có những người bạn vừa may mắn vừa thành công như thế chứ”

Nghe tôi nói, vợ tôi bỗng đổi giọng: “Nói thật, đi họp lớp mới thấy, các cụ nói cấm sai: cờ bạc ăn nhau về sáng. Đứa hồi đi học nhiều giấy khen nhất giờ đi làm thuê. Đứa nghịch ngợm, phá phách nhất giờ thành đại gia. Cho nên trường đời nó còn quan trọng hơn trường học.

Chắc anh còn nhớ thằng lớp trưởng lớp em. Cái thằng hay khoe dọn nhà cho vợ trên facebook đó. Nhìn tướng mạo ra phết, thế mà giờ ở nhà nội trợ cho vợ đi làm kiếm tiền. Đi họp lớp thì cứ tý lại nhìn đồng hồ xem đến giờ về đi đón con chưa, nhìn phát chán.

Nhưng bi kịch nhất vẫn là cái G, giáo viên trường huyện. Không biết ai xúi dại mà bỏ ngang đi bán hàng đa cấp. Giờ ôm một cục nợ, chồng đang dọa đâm đơn ra tòa. Nó đến họp lớp mà cứ chìa hết hợp đồng này đến sản phẩm nọ ra chèo kéo, ai cũng phiền. Nói thì như cái máy không nghỉ, mắc mệt.

Tính ra như mấy đứa dưới quê lại hay, làm mấy hecta cây ăn quả, nuôi trăm con gà, hít không khí trong lành, chả vay mượn, nợ nần gì, tối ngủ ngáy khò khò. Chứ mấy tay trên phố, nhìn hào nhoáng thế thôi, biết đâu siêu xe với hàng hiệu đang cắm trong ngân hàng”.

Nghe đến đó tôi không kìm nén được nữa bèn lên giọng: “Anh không hiểu nổi em đi họp lớp để làm gì? Tại sao cứ phải sân si. Mình có sống thay cuộc đời cho họ được đâu. Đi họp lớp đơn giản là để trở về ký ức tuổi học trò. Để bỏ lại phía sau những địa vị, phẩm hàm, cơm áo. Dù là ai thì bạn vẫn là học trò nhỏ của thầy cô, là bạn học của nhau. Thế thôi là đủ!”.

Tôi chưa kịp dứt lời thì bắt gặp ngay cái liếc xéo đầy giận dữ: “Chuyện đang hay! Mất cả hứng! Thế anh đã đi chợ và đón con chưa?”

Buổi tối, trước khi đi ngủ, vợ tôi lại tiếp tục xem ảnh và tra tấn:

- Anh nhìn này! Nói gì thì nói, vợ anh vẫn nổi nhất trong đám bạn. Váy có 300k mà đứng cạnh váy hàng hiệu vẫn nổi hơn cả. Quan trọng là người mặc nhỉ?

- Ừ! Công nhận! Nhan sắc cũng là một sự… thành đạt mà! Thôi ngủ đi lấy sức tuần sau còn họp lớp… thể dục thẩm mỹ - tôi cố nói bằng giọng ngái ngủ.

Theo giadinhonline.vn