Chi là người gọn gàng. Hoàng lại bừa bộn. Có thể nhận xét nhanh như vậy khi nhìn vào cuộc sống của họ. Hoàng là kiến trúc sư, chuyên tạo ra những không gian đẹp, nhưng bản thân anh luôn khiến không gian sống xung quanh mình mất đẹp vì sự bộn bề.
Chi cũng bận rộn. Nhưng cô luôn có đủ thời gian để bỏ giày vào tủ mỗi lần về nhà. Khi nấu ăn, cô làm đến đâu, dọn đến đó. Chi làm cơm xong xuôi thì bếp núc sạch bóng. Buổi sáng, trước khi Chi bước ra khỏi nhà, ngôi nhà tinh tươm như một tổ ấm thực sự.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nhưng đến chiều về, cô lại thấy căn nhà biến thành… chuồng gà. Bàn ăn để đầy những vật dụng “chẳng biết đâu ra”. Quần áo xuất hiện trong phòng khách, trong bếp. Tủ quần áo bừa bộn vì “anh vừa kiếm bộ đồ để đi tắm”.
Hôn nhân đến chừng năm thứ tư, Chi đã bắt đầu mệt mỏi. Tan làm, cô không muốn về nhà. Cô liên tục than phiền với đồng nghiệp rằng đã chán ngấy cảnh ông chồng ngồi làm việc giữa những lon nước vứt đi, đồ ăn ăn dở và lưng ghế luôn vắt một mớ khăn, áo.
Chi đã lên án sự bừa bộn của chồng từ thuở mới yêu nhau. Nhưng mỗi lần sang nhà chơi, cô dọn loáng một cái là gọn gàng nên cũng không thấy quá nghiêm trọng. Đến khi về sống cùng, cô mới bắt đầu chấn chỉnh. Nhưng nhà cửa chỉ gọn đâu chừng 1-2 ngày là đâu lại vào đấy.
Công việc của Hoàng là sáng tạo, anh làm việc tại nhà là chính. Vậy nên mỗi ngày, khi bước ra khỏi cửa, Chi lại cảm giác mình đang “giao trứng cho ác”, căn nhà chắc chắn sẽ trở thành chiến địa của một “ông thần” bạ đâu quăng đó.
“Sửa chồng” hoài không xong, Chi chuyển sang… mặc kệ. Thế nhưng, cô chỉ có thể mặc kệ trên hành động, tức là không thèm nói, không thèm can thiệp. Nhưng cảm giác chán ghét càng lúc càng nặng nề.
Sáng, khi thấy chồng thức dậy với vẻ ngáo ngơ, vừa đánh răng vừa để nước văng tứ tung lên gương và xuống sàn, cô đã bực bội. Hoàng rất thích nấu ăn và gần như anh lo hết các bữa ăn tối của 2 vợ chồng. Nhưng với Chi, đó lại là điểm trừ, vì anh “càng nấu, cái bếp càng dơ”. Hoàng rất hay quên, lại không để đồ đạc có trật tự nên anh luôn trong tình trạng phải đi tìm đồ. Hình ảnh chồng sấp ngửa tìm đồ cũng khiến Chi thấy… ngứa mắt.
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Thường, khi Chi nhăn nhó, Hoàng lại cười xuề xòa, tự nhận mình “ngớ ngẩn”. Nhưng về sau, khi Chi không còn góp ý, mối quan hệ vợ chồng cũng lạnh nhạt đi hẳn. Hoàng vẫn vui vẻ, vẫn nấu nướng và pha trò. Nhưng Chi không còn hưởng ứng khi đập vào mắt cô trước tiên luôn là sự xộc xệch, thiếu ngăn nắp.
Căng thẳng cũng nổ ra khi Hoàng nêu ý kiến về việc dành thời gian cho ba mẹ 2 bên. Theo Hoàng, càng về sau, họ càng cắt giảm thời gian dành cho ba mẹ. Anh cho rằng vợ chồng chưa có con thì nên tập trung hơn cho ba mẹ, đặc biệt là ba của Chi đang những năm tháng chống chọi với bệnh ung thư.
Thế nhưng, ngay thời khắc nghiêm túc hiếm hoi của Hoàng, Chi trút ra tất cả những bức xúc về sự bừa bộn “không thể chấp nhận nổi” của chồng. Theo cô, hễ có chút thời gian rảnh là cô phải dọn dẹp nhà cửa mới có không gian để thở, cô cho rằng cô “đang sống trong một địa ngục của sự bừa bộn thì mọi điều cao đạo khác đều là xa xỉ”. Chuyện chỉ có vậy, nhưng căng thẳng đến mức họ đồng thuận ly hôn.
Mỗi sáng, đến văn phòng, Chi thấy thoải mái và khoan khoái hình dung đời sống độc thân của mình. Cô khoe khắp nơi rằng mình sắp ly hôn. Nhiều người cho rằng cô còn quá trẻ, bây giờ làm lại tập 2 thì vẫn sớm chán. Chỉ có mẹ Chi là nói khác. Bà hỏi: “Con thấy ngộp thở vì nhà cửa bề bộn, con có nghĩ là chồng con cũng ngộp thở không?”. Trong lúc Chi đang chống chế thì bà nói, nhà cửa bừa thì có thể dọn được, nhưng sự soi mói, đòi hỏi, chỉ trích của Chi thì Hoàng chỉ còn cách chịu đựng.
Mỗi lần vợ chồng Chi về thăm, bà đều “thót tim” vì những pha “sửa lưng” chồng của con gái. Theo bà, nhất cử nhất động của Hoàng đều bị Chi lên án. Chi bêu riếu Hoàng khắp nơi, “dán” cho anh cái “nhãn” là một kẻ lề mề, bừa bộn.
Trong khi, trong mắt mọi người, Hoàng cũng tháo vát, giỏi giang, vui vẻ và không bao giờ làm ai phật lòng. Mẹ nói: “Nó chỉ bừa bộn trong nhà, còn con thì đem sự bừa bộn đó gieo rắc khắp nơi”. Mẹ nói, đừng tưởng mình ngăn nắp là cao quý hơn người. Một đứa bừa bộn nhưng tình cảm, biết quan tâm đến người khác còn đáng quý hơn một đứa chỉ khư khư giữ lấy sự ngăn nắp của mình, mặc kệ tất cả…
Mẹ nói đến đâu, Chi ấm ức đến đó. Nước mắt cô trào ra vì không nói nổi lời nào để đáp lại sự quyết liệt của mẹ. Mẹ ra đòn quyết định: “Con thích thì cứ việc ly hôn đi. Kiếm một người chồng trách nhiệm, tình cảm, vui vẻ, bao dung thì khó, chứ kiếm một cô vợ ngăn nắp thì có khó gì. Mẹ nghĩ chắc thằng Hoàng cũng chẳng thèm lấy vợ lại đâu. Nó thuê người giúp việc 2 giờ mỗi ngày là xong, đỡ phải sống trong soi mói, dằn vặt của ai hết. Sống như vậy mà cũng gọi là vợ chồng à”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Chi bỏ về giữa cơn bức xúc sau khi gào lên: “Mẹ là mẹ con hay là mẹ ảnh?!”. Thế nhưng, suốt đường về, trong đầu cô không còn hình ảnh bừa bộn của nhà cửa, mà chỉ có những khoảnh khắc căng thẳng khi cô “sửa lưng”, “chặn họng” chồng.
Không biết từ bao giờ, tất cả nội dung cô nói với chồng là “nhà cửa, sắp xếp, thu dọn…”. Dù anh mở lời bằng bất cứ đề tài nào, cô cũng đáp trả lại bằng việc chỉ trích anh bừa bộn. Thậm chí anh nhắc đến việc về thăm người cha ruột đang khổ sở chống chọi với bệnh tật, Chi cũng đổ ập lên anh cái tội danh bừa bộn.
Lần đầu tiên, Chi nhận ra Hoàng cũng khổ sở. Nhưng tất cả những phản ứng của anh là cười cười, dỗ dành, nhận lỗi.
Chi nghe lời mẹ văng vẳng bên tai “thuê người giúp việc 2 giờ mỗi ngày là xong”. Bao nhiêu năm qua, Chi mải mê tấn công vào “con người bề bộn” bên trong chồng. Cô đả kích cá nhân anh, cô cố tình khiến anh thấy bản thân tồi tệ để mà thay đổi.
Trong khi đó, mẹ Chi nói không sai. Bên trong Chi cũng có những khiếm khuyết, có khi còn nặng nề hơn sự bừa bộn, nhưng Hoàng đâu phơi bày, chỉ trích…
Lần đầu tiên Chi nhận ra sự bừa bộn là một chi tiết nhỏ nhoi vô cùng trong đời sống vợ chồng. Hoặc ít nhất, ngay lúc này, cô muốn biến nó thành một chuyện rất nhỏ.
Theo phụ nữ TPHCM