Thời trẻ, ông Năm là thợ hồ. Ông học lóm nghề rồi mon men lên làm thầu. Nhờ giỏi nghề, ông Năm trở thành thầu xây dựng có tiếng. Ông Năm là con thứ, việc thờ cúng cha mẹ đã có em trai út của ông lo. Từ khi có của ăn của để, ông muốn thỉnh bàn thờ cha mẹ về thờ ở nhà.
|
|
Giỗ ba má tôi năm nào cũng vậy, chị em tôi cúng mâm cơm chay với những món ba má thích (Ảnh gia đình tác giả) |
Cả họ họp bàn, ai cũng nói cha mẹ sống ở quê, chết cũng ở quê, thờ cúng ở nhà thờ hương hỏa là phải đạo. Vả lại, di dời lư hương là việc không nên làm. Ông Năm vin vào cớ ông bỏ tiền làm lại mồ mả cho cha mẹ thì có quyền thờ cúng.
Giỗ cha lần đầu ở nhà ông Năm, người em út và hai người anh không tới dự, vẫn cúng giỗ ở quê nhà như cũ; chỉ có hai người em của ông tới cúng cha. Ông Năm tuyên bố ai không tới thì ông từ mặt, không anh em gì nữa. Lẽ ra giỗ cha là ngày đoàn tụ, lại thành tan đàn xẻ nghé. Bà Năm biết chồng làm việc không phải, nhưng vì sợ uy chồng, bà không dám cãi.
Nhà ông Năm tổ chức giỗ to nhất xóm, bàn tiệc toàn cao lương mỹ vị, mời hơn 200 khách. Xe hơi đậu thành hàng dài khiến cả khu phố lác mắt. Khách dự đa phần là sếp của các công ty vật liệu xây dựng và các nhà thầu phụ. Các con ông Năm cũng mời rất đông đồng nghiệp ở cơ quan. Ông Năm khuyến khích các con mời càng nhiều càng tốt, bởi đi làm thì cần mở rộng quan hệ, kết mối thâm giao, sau này tiến thân cũng dễ.
Thời nay đã không còn cảnh đi đám giỗ thì người góp con gà, người xách chai rượu, giỏ trái cây... Khách tới chỉ cần gửi lại phong bì cho gia chủ. Các mối làm ăn quan trọng thì phong bì càng dày. Nhà ông Năm đặt ba con heo quay, chia phần để biếu lại khách mang về…
Xong tiệc, ông Năm soát phong bì rồi hớn hở thông báo “vô một khúc”. Ông nói: “Đám giỗ còn lời hơn đám cưới vì chi phí thấp, hèn chi thằng út khư khư không chịu chia đám giỗ. Từ nay cứ vậy mà làm, tổ chức càng lớn càng thu nhiều tiền”. Câu kết của ông được sự đồng tình của mấy đứa con, chỉ có bà Năm len lén thở dài.
Tới ngày giỗ, chỉ có bà Năm loay hoay lo dọn bàn thờ, bày hoa trái, mâm cúng. Ngày chánh giỗ, bà bày biện xong thì nhắc chồng và các con lên lầu thắp nhang cho cha, cho ông nội. Ông Năm “ờ, ờ” rồi mải lo tiếp người này, đón người kia.
Bà Năm nhắc tới lần thứ 3 thì ông nạt: “Tối thắp cũng được mà. Khách toàn mối làm ăn quan trọng, tiếp không chu đáo, họ giận thì khỏi làm ăn”.
Mấy đứa con thì giả lả: “Châm chế bớt đi mẹ ơi. Hôm qua có thắp nhang rồi mà”. Thằng út thì nói: “Chắc ông nội đi đầu thai tám kiếp rồi, chẳng trách móc gì đâu. Người sống quan trọng hơn”…
Chuyện cúng giỗ nhà cô Bảy ở đầu hẻm mới đây cũng làm cả xóm xôn xao. Sau lễ giỗ, nhà cô Bảy dư 11 bàn tiệc. Cô méo mặt đi năn nỉ khắp xóm giải cứu giùm.
Nhà cô Bảy một năm có tới 6 lễ giỗ. Trước đây cô chỉ tổ chức nội bộ gia đình, không hiểu sao hai năm gần đây lễ giỗ nào cô cũng làm hoành tráng, mời rất nhiều khách.
Nhà ai cũng công việc lu bu, thậm chí kiếm tiền khó khăn. Một năm đôi lần, mọi người còn vui vẻ tới dự, nay tới 6 đám giỗ thì... nhiều quá. Không ít người ngại, trốn không dám đi đám giỗ nhà cô Bảy. Không biết sau lần “lỗ sặc máu”, cô Bảy và các con cô đã rút kinh nghiệm chưa.
Cúng giỗ lẽ ra là việc riêng của mỗi gia đình, chỉ có con cháu tham dự và mời họ hàng, lối xóm thân thiết. Nhưng hiện nay việc cúng giỗ đã bị biến tướng nghiêm trọng. Nhiều gia đình còn tổ chức giỗ ở nhà hàng để thể hiện đẳng cấp, để mở rộng quan hệ xã hội, thậm chí còn tổ chức "kinh doanh giỗ" khi thấy mối lợi trước mắt.
Đám giỗ là dịp để con cháu tụ họp về nhà, cúng lạy tổ tiên, cùng ăn bữa cơm sum vầy để tưởng nhớ người đã khuất. Việc tạo mối quan hệ, hợp tác làm ăn, thậm chí là tính chuyện “kinh doanh giỗ”… đều không nên xảy ra. Thời buổi bận rộn, cúng giỗ cần thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Nhưng thay đổi sao cho phù hợp, vẫn giữ được hồn cốt lễ nghi của ông bà, đó mới là hiếu đạo.
Theo phunuonline.com.vn