Mỗi khi nhắc đến câu chuyện của bà Hồng, người trong khu phố chúng tôi đều nói: “Phải nhìn vào đấy mà lo phòng thân tuổi già. Đừng có cái gì cũng cho con cái hết! Chúng nó dỗ ngon dỗ ngọt bao nhiêu cũng nhất quyết không đưa, chứ sau này về già lại khổ!”.
Bà Hồng có 2 người con trai. Gia đình bà có một căn nhà tọa lạc trong khu phố sầm uất. Sau đó, chồng bà mất đi, 2 con trai lần lượt lập gia đình nên các cô con dâu cũng sống chung cùng mẹ. Bà Hồng chăm chỉ, hiền lành bao nhiêu thì 2 cô con dâu thì ghê gớm bấy nhiêu. Họ thường xuyên đấu đá lẫn nhau và ỷ lại vào mẹ chồng.
|
|
Nếu ngày đó bà Hồng không đưa tiền cho con trai thì sao? (Ảnh minh họa: Internet) |
Nghĩ rằng các con đi làm vất vả còn mình chỉ ở nhà ngồi không nên mỗi ngày, bà Hồng chịu trách nhiệm nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ cho đại gia đình. Nhưng chỉ khoảng 5 năm như thế thì bà không chịu được nữa vì quá mệt. Bà bàn với các con việc chia tài sản để ra ở riêng cho thoải mái.
Căn nhà 3 tầng bán được 5 tỉ, chia đều ra làm 3 phần. Anh con thứ cầm một phần, nhanh nhẹn mua được một căn chung cư vừa tiền. Bà Hồng cầm 1 phần định mua 1 căn chung cư để sống một mình, nhưng anh con trai cả lại bàn mẹ nên gộp tiền vào cùng để đầu tư một mảnh đất, sinh lãi thì mẹ con chia đôi. Anh bảo bà nên sống cùng vợ chồng anh, có gì còn tiện chăm sóc.
12 năm trôi qua, mảnh đất anh mua gặp nhiều vấn đề, phải bán cắt lỗ đi. Phần tiền bà Hồng góp vào cũng hao hụt dần, còn bao nhiêu thì anh con trai lại bàn mẹ khởi nghiệp kinh doanh và lại thua lỗ…
Chừng đấy thời gian, bà Hồng sống cùng vợ chồng con cả, lại phải bỏ tiền lương hưu của mình ra để lo chi phí sinh hoạt cho cả gia đình con trai và làm hết mọi việc trong nhà.
Rồi vợ chồng con cả ly hôn, đến bây giờ, anh ấy vẫn chưa có tiền để mua nhà. Căn chung cư thuê cho mẹ con, bà cháu ở thì bé dần và rất chật chội. Bàn thờ của chồng bà thì cứ chuyển hết nhà này sang nhà khác. Bà nay đã ngoài 80 tuổi vẫn phải lo nội trợ nuôi con trai và cháu đích tôn…
Nhiều người đặt giả thiết: Nếu ngày đó bà Hồng không đưa tiền cho con trai thì sao? Bà có thể dùng số tiền đó để mua căn chung cư 1 phòng ngủ khoảng 800 triệu, đến giờ bà vẫn sống thoải mái với một khoản phòng thân tuổi già, lại có lương hưu đều đặn.
Cha mẹ 2 bên nội ngoại của tôi vẫn thường nửa đùa nửa thật: “Chừng này tuổi rồi thì không mong con cái giàu có, cho mình cái gì mà chỉ mong 2 chữ bình yên, đừng làm phiền đến mình là được rồi”.
Dù có ít hay nhiều, các ông bà đều sớm đã lo chuyện phòng thân tuổi già. Cái năm bán được một mảnh đất ruộng, cha tôi khoe: “Bố làm một cái sổ tiết kiệm 200 triệu đồng rồi. Sau này lỡ có chuyện gì thì dùng sổ này là đủ, không phải phiền đến con cái”. Ngày trẻ, cha mẹ tôi sống theo kiểu thân ai nấy lo, tiền ai nấy giữ, nhưng khi về nhà thì góp chung hết vào cái quỹ gọi là dùng khi về già. Cuối mỗi năm, ông bà lại gửi vào thêm một ít.
Cha mẹ chồng tôi cũng luôn có một quỹ khẩn cấp để trong két sắt. Ba chồng tôi từng nói: “Tuổi này thì bệnh lúc nào không biết được nên ba luôn đề phòng bằng một khoản nhất quyết không được đụng đến. Ba mẹ có vấn đề bất ổn thì có tiền để dùng luôn”.
Tôi luôn nghĩ cha mẹ đôi bên biết tính toán và có quỹ ấy quả là hợp lý. Vì con cái ở xa, đến lúc có chuyện cũng vướng bận gia đình nhỏ nên khó lo được cho cha mẹ. Chúng tôi nhắc nhau đừng đụng đến quỹ phòng thân của ông bà, khó khăn mấy cũng hỏi vay người ngoài.
Nhưng thực tế là dù có bao nhiêu lời nhắc nhau đi nữa thì vẫn có rất nhiều câu chuyện người bạc đầu phải bán nhà hoặc chạy chọt vay mượn để lo cho người đầu xanh. Bởi nếu con cái có chuyện gì, nhờ đến cha mẹ thì không lẽ cha mẹ làm ngơ?
Sau này rồi tôi mới biết, thực ra cha mẹ nào cũng vậy, đến độ tuổi thì sẽ lo nghĩ cho ngày già của mình, đều muốn tự lực chứ không cậy nhờ con cháu. Chỉ là có những trường hợp bất đắc dĩ, bắt buộc họ phải ưu tiên lo cho con hơn là cuộc sống của mình. Nên có chăng, đặt vào trường hợp như của bà Hồng, khi con cái hỏi đến và bàn tính chuyện mượn tiền, chung tiền, chưa chắc ai từ chối được.
|
|
"Con chăm cha không bằng bà chăm ông" (Ảnh minh họa: Internet) |
Tôi có người chú ruột, năm nay gần 60 tuổi. Cả cuộc đời chú làm công nhân, bôn ba xứ người để cũng tích cóp mua được căn nhà ở Sài Gòn, thêm mảnh đất nhỏ để “sau này mất sức còn có cái để nhìn vào”. Khi con trai của chú đến tuổi lấy vợ, nhà gái thách cưới 2 cây vàng, đám cưới cần phải làm 100 bàn, sau khi cưới cần có nhà để ở…
Con trai chú yêu cô gái đó 5 năm, ngăn cấm không được mà cố gắng đáp ứng thì chú lại mất quỹ phòng thân tuổi già. Trong một câu chuyện, tôi bâng quơ kể cho chú nghe những trường hợp mình được biết về việc cha mẹ lo hết cho con cái, về già trắng tay, sống khổ sở.
Tôi nhắc chú nên lo cho mình trước. Song đúng là tôi còn trẻ người non dạ, chưa hiểu hết sự đời. Chú nói với tôi: “Con ạ, nước mắt chảy xuôi. Người ta có thể nói mình dại nếu chạy theo và cho con cái hết nhưng mình vẫn phải chấp nhận. Chứ lương tâm không cho phép mình lo cho bản thân trước con cái. Chỉ cần con cần thì mình sẽ giúp thôi. Những cha mẹ góp được thì chỉ là vì con họ đang tự lo được, không cần nhờ đến cha mẹ. Cũng như nhiều người nói là mình sẽ lo cho cha mẹ trước rồi mới đến con cái. Nhưng không có chuyện đó đâu! Kiểu gì mình cũng phải lo cho con cái mình trước rồi dư nữa mới đến lượt cha mẹ”.
Đến bây giờ, tôi chưa biết chú tôi quyết định thế nào với việc cưới xin của con trai. Nhưng lời chú nói khiến tôi thấm thía. Đúng là chẳng cần phải dỗ ngon dỗ ngọt, chỉ cần cha mẹ biết con cái đang trong túng quẫn hoặc cần tiền thì thường sẽ tự động chìa tay ra.
Nên chuyện có cho con vay quỹ phòng thân tuổi già hay không vốn không phụ thuộc vào cha mẹ, mà sẽ phần nhiều là do con cái. Những người con biết nghĩ xa, tính toán cho cha mẹ thì sẽ không làm phiền, không đụng đến quỹ đó. Nhưng cũng có những người con dại dột hoặc không may gặp sai lầm trong tính toán, đầu tư mà tìm về cha mẹ thì cái quỹ dùng tuổi già của cha mẹ dễ gì mà giữ được?
Còn bạn, nếu đặt trường hợp bạn đang khó khăn, bạn có mượn quỹ phòng thân của cha mẹ?
Theo phụ nữ TPHCM