Em chào chị Hạnh Dung,

Em là Minh Anh. Trước khi chia tay người yêu cũ vì không cùng quan điểm, em được người quen giới thiệu một anh bạn. Anh ấy làm đầu bếp tại một khách sạn có tiếng ở Hà Nội, năm nay 38 tuổi.

Câu chuyện cũng bình thường, nhưng em hơi băn khoăn vì anh từng có vợ rồi. Anh lấy vợ 10 năm trước, nhưng chẳng bao lâu sau thì ly hôn.

Lý do là khi vợ anh mang bầu được 6 tháng thì bị phát bệnh lupus ban đỏ. Bệnh này không thể chữa khỏi, và em bé chết lưu khi được 7 tháng.

Mấy năm đó anh mất mát nhiều thứ, nên gia đình bên vợ cũng không muốn làm khó cho cả hai. Vợ anh cần thời gian thoải mái để chữa bệnh. Nên sau khi ra viện thì gia đình vợ xin đón con về. Sau đó anh cũng qua lại, chu cấp những gì có thể khoảng 2 năm.

Anh kể trước đây anh có tìm hiểu mấy người, nhưng khi nghe đến chuyện anh đã từng có gia đình thì họ lơ luôn.

Em có nên cho anh một cơ hội tìm hiểu em không chị Hạnh Dung? Em cũng có một chút cảm tình với anh ạ.

Minh Anh

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Em Minh Anh thân mến,

Ly hôn là hiện tượng đã không còn lạ trong xã hội hiện đại này. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại nhiều luồng suy nghĩ trái chiều về người đã từng ly hôn.

Kết hôn với người đã từng ly hôn, và có con riêng chắc chắn sẽ phức tạp, rắc rối gấp ngàn lần so với một người độc thân. Vì thế, nhiều người ngại đặt tình cảm với người đã từng ly hôn.

Rất nhiều bậc phụ huynh cũng không muốn con mình đặt tình cảm quá nhiều vào một người đã từng đổ vỡ. Họ lo con mình sẽ bị thiệt thòi. Họ cũng ái ngại, xấu hổ khi những người xung quanh xì xào chê bai con mình còn trẻ và nhiều cơ hội, dại gì "đường sáng không đi, đâm quàng vào bụi".

Tuy nhiên, hiện tượng ly hôn khi đã trở nên quen thuộc, thì nhiều người cũng có suy nghĩ thoáng hơn, tích cực hơn. Phải thừa nhận rằng, những người đã ly hôn thường có những ưu điểm rất đáng được trân trọng.

Họ rất nỗ lực vươn lên trong sự nghiệp. Khi đã trải qua đổ vỡ, họ thường tập trung vào sự nghiệp nhiều hơn là “đâm đầu” vào chuyện tình cảm. Họ cũng đủ trưởng thành để thấu hiểu người chung sống. Họ kiên trì hơn khi có mâu thuẫn, tranh cãi. Họ biết kiềm chế cái tôi của mình hơn, và đủ chín chắn để biết mình nên làm gì.

Một khi đã quyết định mở lòng với ai đó, chắc chắn họ sẽ làm bằng tất cả sự cẩn trọng và nghiêm túc của mình. Họ biết trân trọng hạnh phúc bởi rất sợ tái diễn lại chuyện cũ. Vì thế, họ sẽ làm mọi hành động tích cực để vun đắp cho cuộc hôn nhân hiện tại, để sửa sai những khuyết điểm của họ trước kia.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được những điều tốt đẹp đó. Có những người đã từng ly hôn thì trở nên nghi kỵ, dè chừng. Họ như con chim sợ cành cong và nhìn thấy ở đâu cũng là "cành cong" cả.

Vì vậy, Hạnh Dung không thể trả lời câu hỏi của em một chiều được. Quan trọng là em hãy tìm hiểu xem người đàn ông này có được điều gì tốt và chưa tốt sau khi trải qua một cuộc hôn nhân?

Có hai điều rất thuận lợi trong câu chuyện riêng của em là anh ấy phải ly hôn do yếu tố khách quan là bệnh tật của vợ, chứ không phải do mâu thuẫn đời sống... Và thứ hai là anh ấy không có con riêng.

Dù sao thì em cũng nên tìm hiểu cho hết ngọn nguồn mọi chuyện, ví dụ như có thật là vợ anh ấy tự rời xa, do gia đình đón về hay không? Điều này khá quan trọng để có thể nói về tính cách của một con người.

Tất nhiên, ai cũng có quyền lựa chọn một hạnh phúc đơn giản. Nhưng nếu cuộc chia ly đó xảy ra khi có những khó khăn nào đó từ phía người bị bỏ lại, chịu nhiều đau khổ, tổn thương, thì ta cũng nên tìm hiểu kỹ mọi vấn đề xảy ra khi đó, em nhé.

Dù sao thì câu trả lời sẽ là: Nếu em có sự rung động, cảm tình... thì hãy cho chính mình một cơ hội (chứ không phải là cho anh ấy cơ hội). Nhưng hãy tỉnh táo để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Đừng làm tổn thương hay bỏ lỡ tình yêu của mình!

Theo phụ nữ TPHCM