Cô Hạnh Dung kính mến,

Cháu và vợ cưới nhau được 17 năm. Gần đây, vợ đòi ly hôn để chia tài sản và để lấy tiền cho con đi du học. Nhưng nhà của cháu xây, tài sản của vợ chồng chỉ có 1 ngôi nhà mà vợ cứ đòi ly hôn và bán để chia, cháu thấy rất mệt mỏi.

Cháu nói con, nó không nghe, cứ nghe lời mẹ, nên cháu muốn buông, không níu kéo nữa. Nhưng phương án cho con đi học nước ngoài với kinh tế của vợ eo hẹp (kể cả bán nhà chia tài sản) là không hợp lý, mà nói vợ không nghe. Giờ chia tay chớ biết sao hơn khi vợ coi trọng con hơn tình cảm vợ chồng.

Ngọc Quang (quận 4, TPHCM)

Bạn Quang thân mến,

Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi Hạnh Dung phải khuyên một bạn đọc điều này: hãy thực hiện quyền làm trụ cột gia đình, dù có thể bị nói là… gia trưởng.

Rõ ràng, chính bạn cũng đã tính toán kỹ lưỡng và nhận ra rằng việc bán nhà vẫn không đủ để con đi học nước ngoài, tức là kết quả bài toán kinh tế của vợ bạn đưa ra dựa quá nhiều vào kỳ vọng khó thành.

Bắt đầu từ việc bán được ngay căn nhà trong thời điểm kinh tế suy thoái là điều rất khó, nếu bán thành công thì có khi cũng chỉ được 2/3 giá trị thật của căn nhà. Đó là chưa kể vấn đề rất lớn cần giải quyết: sau đó vợ chồng sống ở đâu, làm gì để có thu nhập tiếp tục trang trải chi phí cho con những năm về sau.

Nếu đi thuê nhà (mỗi người 1 căn) thì khả năng tài chính của cả hai bạn sẽ ngày càng đi xuống nhanh chóng, chưa chắc đã đủ để con hoàn thành chương trình học.

Hạnh phúc của một gia đình lệ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế. Khi bạn bán đi cả căn nhà duy nhất của mình chỉ để đổi lại một kỳ vọng mơ hồ rằng con sẽ có thể xin học bổng, rồi hoàn thành khóa học và ở lại nước ngoài - điều ngày càng trở nên hiếm hoi và chỉ có 1/50 du học sinh làm được - là bạn đang tham gia một cuộc đánh cược cả kinh tế, cả hạnh phúc gia đình với nhiều rủi ro quá lớn.

Ngay cả khi con và vợ nhất định chọn con đường này, bạn buộc phải lấy quyền là trụ cột gia đình để phủ quyết. Nếu thật sự hạnh phúc gia đình không thể cứu vãn được, bạn có thể chọn việc ly thân hoặc thậm chí là vay tiền mua lại nửa giá trị căn nhà trong thời điểm này thay vì bán đi toàn bộ gia sản - một sự mất mát có thể nói là không thể cứu vãn.

Với con bạn, bạn hãy tư vấn cho con, rằng có nhiều cách để du học hơn là dùng tiền, nhất là những đồng tiền cuối cùng của gia đình.

Nếu con cảm thấy mình giỏi đến mức có thể trở thành 1/50 sinh viên du học và ở lại nước ngoài thì chắc chắn con phải đủ giỏi để tìm học bổng du học Đức, Pháp, Ý,… Các quốc gia này đang có trình độ đào tạo rất cao, có rất nhiều học bổng toàn phần, thậm chí tỉ lệ du học sinh ở lại làm việc được ở các nước này cũng cao gấp nhiều lần so với các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada.

Hãy nói cho con hiểu rằng, nhà là nơi cuối cùng để mỗi con người trở về sau mọi thất bại và không thể hy sinh nó vì những ảo vọng mờ mịt và mong manh, để con có thể có những lựa chọn mới và cùng bạn thuyết phục vợ bạn. Với người mẹ, mong muốn của con luôn có sức nặng rất lớn.

Vấn đề thứ hai, khi bạn muốn buông xuôi vì cho rằng vợ coi trọng con hơn tình cảm vợ chồng là bạn đang so sánh khập khiễng. Ở đây, Hạnh Dung chỉ thấy rằng vợ bạn nóng ruột, muốn cho con được du học cho bằng thiên hạ - tâm lý thông thường của nhiều bà mẹ. Khi không thuyết phục được bạn thì cô ấy chọn quyền quyết định nửa phần tài sản thuộc về mình.

Nếu bạn vững vàng, rõ ràng, thuyết phục được vợ và con, thể hiện mong muốn sẽ cùng vợ con tính chuyện tương lai của con, động viên và giúp con phấn đấu học tập cũng như tìm học bổng du học, Hạnh Dung nghĩ cả hai sẽ có chung những mục đích theo đuổi. Đó cũng là điều giúp vợ chồng, con cái gắn kết.

Theo phụ nữ TPHCM