Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi yêu anh được hơn 1 năm. Anh từng ly hôn và có một con gái. Cháu năm nay đã 6 tuổi và đang ở với mẹ. Hiện anh sống cùng mẹ, vì mẹ anh cũng ly hôn khi anh còn nhỏ và bà ở vậy nuôi anh cho đến giờ.
Trước đây, tôi nghe nói rằng anh cũng ly hôn với vợ cũ vì mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu. Anh nói rằng vợ cũ của anh luôn cãi cọ với mẹ chồng, không bao giờ nhịn bà một câu, và muốn anh phải xác định rằng ai là người quan trọng hơn với anh.
Rồi anh nói là anh cũng xác định trước với tôi, để sau này khỏi cãi cọ. Với anh, mẹ và con gái luôn quan trọng nhất, phải được ưu tiên. Mẹ thì đã già yếu, đã hy sinh cả đời cho anh, và cũng chẳng biết bà còn sống được bao lâu. Con thì còn nhỏ, đang cần sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương.
Mẹ và con không thể thay đổi được, là quan hệ vĩnh viễn quý giá. Còn vợ thì cũng là người lớn, người tự lập, tự lo, tự điều khiển cuộc đời mình. Vợ chỉ có thể đứng hàng thứ 3 trong sự ưu tiên của anh. Tất nhiên, anh sẽ lắng nghe, phân tích và cùng vợ chia sẻ những khó khăn trong cả mối quan hệ với mẹ và con gái, nhưng đừng bắt anh phải ưu tiên, phải chọn lựa và phải được đứng hàng đầu trong nhà. Chọn vợ sai, anh có thể chọn lại.
Khi nghe anh nói thế, về lý, tôi thấy không sai, nhưng về tình, tôi thấy khó chịu, tổn thương. Chẳng ai, ở bất cứ đâu, kể cả trong công việc chứ đừng nói là tình cảm, thấy vui vẻ khi bị coi là người thứ 3, thứ 4 và có thể phế bỏ bất cứ lúc nào. Tôi lại chưa từng có gia đình, chỉ mong có người chồng yêu mình, tôn trọng mình và coi mình là nhất trong đời, như mọi cô gái khác thôi.
Theo chị, tôi có nên kết hôn với người đàn ông này hay không? Liệu rồi với kiểu phân chia thứ bậc như vậy, tôi có được coi trọng và yêu thương hay không?
Liễu Hoa
Chị Liễu Hoa thân mến,
Thông thường sẽ rất nhiều người phản ứng với việc một người đàn ông phân chia "thứ bậc" trong tình cảm của mình, đặt mẹ lên hàng đầu và "cảnh cáo" vợ mình theo kiểu "sống biết thân biết phận". Vấn đề không phải là thương ai hơn, ai là người phải chịu "lép" trong nhà, mà là cách thể hiện tình yêu thương dành cho mẹ, cho con đó, không thể nào được mặc nhiên trở thành sự đối lập với tình cảm dành cho vợ được.
Những tình cảm đó hoàn toàn khác nhau, thuộc về những ngăn khác nhau của trái tim con người. Và người đàn ông khi đã mở lòng đón nhận một người phụ nữ bước vào thế giới tình cảm của anh ta, sao lại có thể tạo nên những bậc cao thấp tàn nhẫn như vậy được?
Nhiệm vụ của anh ấy là làm sao phải biết hòa hợp các mối quan hệ, sự ưu tiên, là cầu nối những người mà anh ấy thương yêu, giúp cho người nọ trân trọng người kia, để có được một không gian đầy tình cảm trong ngôi nhà của mình.
Tuy nhiên, có thể lưu ý một điều rằng, người ấy của chị là "con chim sợ cành cong" vì đã từng trải qua những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu trong nhà, và bị người cũ ép phải chọn lựa giữa mẹ và vợ. Vì thế nên anh muốn xác định mọi việc rõ ràng, để có thể bớt đi những phiền não lặp lại.
Có thể vì những định kiến đó, mà anh có cách nói khá tàn nhẫn với chị, một người sắp trở thành vợ anh. Nếu chị có thể phần nào thông cảm với những gì anh đã trải qua và có nhiều thật nhiều tình yêu để có thể gắn bó với anh, thì chị sẽ cần một chút kiên nhẫn để hiểu được mức độ "ưu tiên" của anh trong những thứ bậc đó.
Anh ấy cam kết sẽ "lắng nghe, phân tích và chia sẻ" khó khăn với chị, nhưng những cam kết đó sẽ được thực hiện như thế nào và sẽ có những khó khăn gì, chị cũng cần phải nhìn thấy trước mà chuẩn bị tâm lý cho mình.
Để được coi trọng và yêu thương trong hoàn cảnh này sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả hai người, chứ không phải mình chị, cũng chẳng phải mình anh. Chỉ cần một chút so bì, một chút cực đoan là cũng thành "to chuyện".
Hãy lường trước tất cả những khó khăn phức tạp ấy, lường trước tính cách của cả hai, sự vị tha, thông cảm, yêu thương, chia sẻ của cả hai để mà lựa chọn cho sáng suốt. Bằng thấy mình quá e ngại, mình quá mong cầu những điều hoàn hảo cho mình, thì đừng làm như ông bà nói "Đường sáng không đi, đâm quàng vào bụi", chị nhé. Bụi này là bụi gai góc chằng chịt đó!
Theo phụ nữ TPHCM