|
|
Mới cưới, mỗi tối thay vì vợ chồng tỉ tê tâm sự thì chồng bắt tôi giải trình các khoản chi - Ảnh minh họa Freeik |
Chồng tôi là bác sĩ thẩm mỹ. Công việc ăn nên làm ra nên anh có tiếng tăm trong giới và rất giàu. Tôi quen anh qua mai mối và cưới nhau sau khi tìm hiểu 4 tháng.
Ngày cưới, làm một cô dâu lộng lẫy, tôi nghĩ mình tốt phước mà quên đi lời cảnh báo trước đó của đứa bạn thân: “Nên tìm hiểu kĩ, vì sao mọi thứ của ổng đều điểm 10 mà lại bị vợ bỏ?”.
Chồng tôi đã một đời vợ và họ ly hôn chỉ sau 1 năm chung sống. Anh kể, lý do ly hôn vì vợ anh lười biếng, tiêu pha hoang phí, ham chưng diện và không biết nghĩ cho chồng. Ban đầu tôi chưa tin anh lắm, nhưng những lần tiếp xúc với anh, tôi thấy anh biết quan tâm người khác, chín chắn, có trách nhiệm, sự nghiệp vững vàng. Quan trọng nhất, anh rất chiều chuộng, yêu thương tôi. Anh nói: “Anh không muốn em đi làm vất vả, cưới xong ở nhà anh nuôi”. Từ niềm tin này, chúng tôi yêu nhau và nhanh chóng tiến tới hôn nhân.
Sau đám cưới, chồng thông báo giao mọi việc quản lý trong gia đình tôi như anh nói trước khi kết hôn. Chồng giao tôi 30 triệu đồng để lo chi tiêu trong gia đình và trả lương người giúp việc. Chồng dặn: “Em nhớ ghi chi tiêu từng khoảng cho dễ quản lý”. Tôi nghĩ bụng, cũng tốt thôi, nhưng khi chồng nói: “Cuối mỗi ngày em gửi anh bảng kê” thì tôi thấy có cái gì đó vướng vướng.
Là cô dâu mới, nên tôi háo hức đợi chồng đóng cửa phòng khám và vợ chồng tỉ tê, tâm sự. Nhưng ngay khi vào giường, chồng nhắc gửi bảng kê chi tiêu cho anh. Tôi lấy điện thoại gửi ghi chép của tôi. Chồng chăm chú xem rồi bật dậy, giọng nghiêm túc: “Bảng kê quá sơ sài và không khoa học. Em phải làm như bảng Excel, cột thứ thự, cột ghi số tiền, vậy dễ quản lý hơn”.
|
|
Vợ chồng luôn căng thẳng vì những tính toán chi li - Ảnh minh họa Freepik |
Hôm sau, tôi lại gửi chồng, chồng xem xong khen tôi có tiến bộ. Trò chuyện một hồi, chồng hỏi tôi ở nhà có gì vui không? Tôi nói: “Không có chồng ở nhà cũng hơi chán, nhưng hôm nay em đi siêu thị gặp lại người bạn cũ mất liên lạc hơn 10 năm”.
Tôi kể với chồng chúng tôi trò chuyện, rồi kéo vào quán trà sữa tám tiếp. Chồng hỏi: “Uống trà sữa ai trả tiền”. Tôi nói: “Em, vợ bác sĩ mà”. Chồng hỏi tiếp: “vậy tại sao em không ghi vào?”.
Tôi ngớ người: “Có 54.000đ cũng ghi nữa hả”. Chồng nhẹ nhàng: “Em ghi cho dễ quản lý”. Và chồng mở máy tính, lấy ra 1 bảng kê chi tiêu, trong đó có thêm nhiều cột diễn giải: mua cho ai, phí giao lưu, phát sinh không đáng có.
Chồng giải thích: “Phí giao lưu là có qua có lại, hôm nay em được người ta mời thì có thể mai này em sẽ phải mời lại. Còn phát sinh không đáng có là thứ không nằm trong kế hoạch chi tiêu thường xuyên của gia đình, nhưng bất chợt em mua là phát sinh không đáng có. Khoản này và phí giao lưu càng ít càng tốt và cho thấy em là người quản lý giỏi”.
Tôi nghe mà lùng bùng tai, cảm nhận mơ hồ về điều tôi lo sợ nhất là lấy trúng người chồng “đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng tự gạt đi “tại tính chồng khoa học, rõ ràng”. Và mỗi ngày thay vì dành thời gian nói những lời yêu thương, thì chồng dành thời gian đó dạy tôi cách chi tiêu, quán xuyến nhà cửa và làm bảng thống kê chi tiêu.
Cuối tháng, chồng về sớm hơn thường lệ. Tôi tưởng sắp được chồng chở đi chơi, đi ăn bên ngoài. Nào ngờ, chồng kêu tôi vào phòng làm việc. Anh in 30 bảng kê chi tiêu của 30 ngày và hỏi: “tại sao bảng kê thể hiện chi có 26.738.000 đồng, em còn giữ 2.400.000 đồng, cộng lại mới 29.138.000đ, vậy còn 862.000 đồng ở đâu?”. Tôi như bị xịt keo, đứng hình.
Chồng lên tiếng: “Em ráng nhớ coi mình đã chi tiêu gì mà quên ghi?”. Tôi nghiền ngẫm lại 30 bảng kê và vò đầu bứt tai một hồi thì nhớ các khoản mua hành, ớt, chanh vài ngàn, tôi không ghi. Hoặc có thể tôi cho cậu bé ăn xin10.000đ, tiền những lần mua vé số giúp cụ già, em nhỏ… tôi không thể nhớ.
|
|
Tôi luôn khát khao hạnh phúc, vui vầy của những đôi vợ chồng khác. Ảnh minh họa Freeik |
Trước sự suy tư của tôi, tưởng chồng thương cảm, ai ngờ chồng giảng một bài: “Em là nội tướng, là người quản lý chi tiêu trong gia đình, em phải kĩ càng, tỉ mỉ và ghi rõ từng khoảng chi, kể cả 1000 đồng”. Và bao giờ chồng cũng vịn lý do “cho dễ quản lý”.
Đến nay, gần 11 tháng kết hôn, ngày nào tôi cũng mệt đầu ghi chép chi tiêu. Có lúc tôi ngồi thẫn thờ như người điên, vì không thể nhớ ra tiền chợ hôm nay thất thoát 4.000 đồng - 5000 đồng.
Tôi lại thèm đi làm, thèm được cầm đồng lương của mình, dù chỉ vài triệu đồng, nhưng tôi có thể tự do mua chiếc áo mình thích, ăn món mình thèm, mời bạn ly trà sữa mà không cần ghi chép, giải trình. Đặc biệt là tôi không phải nghe chồng giáo huấn những khoản “phát sinh không đáng có”.
Trước đây, mỗi khi nghe ai kể, hay đọc báo thấy những ông chồng tính toán chi li, tôi nghĩ chắc là mọi người phóng đại, nói quá. Nhưng khi tôi làm dâu hào môn, làm vợ bác sĩ có tiếng như anh, phải đối diện với những bảng kê chi tiêu hàng ngày thì tôi thấy quá ngột ngạt.
Mấy hôm nay, hai chữ ly hôn cứ lởn vởn trong đầu tôi. Tôi không cần làm phu nhân giàu sang, tôi muốn là người vợ bình thường, không phải mất năng lượng, thời gian suy nghĩ ghi chép.
Tôi tìm hiểu, biết được vợ trước của anh cũng tháo chạy, lý do lớn nhất cũng vì không thể chịu nổi việc thống kê chi tiêu tủn mủn của chồng, nhưng luôn được khoác chiếc áo sang trọng “quản lý khoa học”.
Có thể, người ở ngoài nhìn vào nghĩ là chuyện nhỏ. Nhưng thật sự ai rơi vào cảnh này, trải quà những giờ phút cân não… vài ngàn đồng hành ớt mới biết mệt mỏi đến dường nào. Tôi không biết, có cách nào để chồng tôi thay đổi, hay chỉ có giải pháp ly hôn?
Theo phụ nữ TPHCM