Chị Hạnh Dung ơi,
Em 39 tuổi. Chồng em 47 tuổi. Trước em là giáo viên nhưng đã bỏ việc về nhà kinh doanh. Vợ chồng em có một nhà hàng. Nhưng tình hình làm ăn của nhà hàng không tốt. Chúng em phải vay ngân hàng.
Chồng em chán bỏ lại nhà hàng và nợ nần, lại về Hà Nội mở quán. Một mình em ở lại chống chọi với dư luận, nợ nần, nhà hàng gần như đã hết khách. Em phải vay mượn để sửa nhà, cố gắng lấy lại khách.
Chồng em bảo công việc kinh doanh ở Hà Nội đang phát triển, nên em phải bỏ việc để ở nhà lo cho quán xá. Nhưng khi em nghỉ việc được 1 tuần thì anh cũng đóng cửa quán vì không hiệu quả.
Giờ anh trở về không làm gì cả, suốt ngày chỉ nằm xem YouTube. Em chán quá. Anh làm dưới Hà Nội túng thiếu lại đi vay xã hội đen. Giờ họ ép trả. Em không có tiền đưa. Cả nợ ngân hàng dồn ép. Em sắp không trụ được nữa rồi.
Chị ơi, chị cho em lời khuyên. Em đang nghĩ đến phương án đưa 2 con vào Sài Gòn. Em làm osin nuôi con ăn học. Coi như đời em vứt đi để lo cho các con.
Chị ơi, em có nên bỏ đi không? Chứ ở lại em thấy em vất vả gần 20 năm, vừa đi trường vừa lo quán cùng chồng. Rồi ngày đêm lo trả nợ. Giờ vẫn phải ở nhà thuê dột nát. Em thấy bế tắc quá.
Chị tư vấn giúp em, em phải làm sao bây giờ? Vốn dĩ bọn em ở với nhau cũng không hạnh phúc gì. Anh ấy gia trưởng, lạnh lùng, không biết chia sẻ việc nhà.
Thúy Hà
Em Thúy Hà thân mến,
Chị thấy là em đang bị rối lên trong mọi nỗi lo lắng, mọi vấn đề... cùng một lúc, không giải quyết được, không biết giải quyết vấn đề nào trước, vấn đề nào sau. Nhưng, chị nghĩ trước tiên em phải xác định cho thật rõ, thì mới có thể giải quyết được mọi chuyện một cách tốt nhất: đó là cuộc đời em không thể và không bao giờ có thể được coi là vứt đi!
Khi em tự tin, mạnh mẽ, trân trọng cuộc đời mình, và quyết tâm đấu tranh vì nó, thì em mới có thể mang đến cho con mình và những người thân yêu của mình một cuộc sống hạnh phúc được. Khi đó, em mới có đủ quyết tâm thay đổi cuộc sống, và mang bình an đến cho các con em được. Còn nếu em buông xuôi, những đứa con biết nhìn vào đâu mà sống, lấy ai làm tấm gương mà học tập, tin vào ai để mà phấn đấu?
Vậy nên, em cần phải hiểu rằng, em làm bất cứ điều gì bây giờ cũng là để thay đổi cuộc sống của em trước tiên. Em phải làm chủ được cuộc sống của mình, không để nó phải chạy theo sự yêu cầu, bắt buộc của ai cả.
Việc nghĩ đến chuyện đưa hai con vào Sài Gòn, "làm osin để thoát khỏi chồng" như em viết, theo Hạnh Dung là một cách chạy trốn những vấn đề đang có: mối quan hệ với chồng, chuyện nợ nần của anh ta.
Theo Hạnh Dung, đó không phải là cách để giải quyết vấn đề. Nhất là khi em không biết cuộc sống đó sẽ đưa em tới đâu, liệu nó có nảy sinh những vấn đề gì khác hay không, trong một đời sống chông chênh một mẹ hai con ở xứ lạ quê người? Liệu xã hội đen hay chồng em có để cho em được bình yên hay không?
Như vậy thì trước tiên, em phải giải quyết những vấn đề gia đình: Thứ nhất, nợ ai người nấy trả, em không thể để cho mình và con cái gặp nguy hiểm với xã hội đen. Thứ hai, em và chồng có thể sửa chữa được cuộc hôn nhân này không, hay dứt khoát ly hôn rồi đường ai nấy đi?
Riêng vấn đề chọn một công việc nào để nuôi con thì em cần tính toán cho kỹ. Không phân biệt sang hèn, cao thấp, điều quan trọng là lao động chính trực để có thể lo đủ cho mình và con. Nhưng ở nơi đất khách quê người, nuôi hai con nhỏ ăn học hoàn toàn không đơn giản. Em cần tìm hiểu kỹ, có kế hoạch nghiêm túc, dự phòng trước mọi rủi ro, để bảo đảm đời sống của ba mẹ con được an toàn, rồi hẵng quyết định.
Theo phụ nữ TPHCM